Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201903/toi-nghiep-xe-may-845033/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201903/toi-nghiep-xe-may-845033/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tội nghiệp… xe máy - Báo Công An Nghệ An điện tử
.
Thứ Năm, 21/03/2019, 14:18 [GMT+7]

Tội nghiệp… xe máy

Những ngày qua, tuyên bố của Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện rằng Hà Nội sẽ thí điểm cấm xe máy trên 2 tuyến đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân Thủ đô.
 
Theo ông Vũ Văn Viện, xe máy tuy thuận tiện nhưng có quá nhiều thì không chỉ gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Nếu không kiểm soát được xe máy, đến một lúc nào đó thiệt hại từ ùn tắc giao thông sẽ để lại hậu quả hết sức nặng nề cho Thành phố.
 
"Chúng tôi có nghiên cứu ở Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc) thấy lộ trình của họ là 3-5 năm. Với tình hình Hà Nội, chúng tôi đặt ra lộ trình dài 12-13 năm, khi đủ điều kiện thì mới cấm", ông Viện khẳng định.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Mặc dù ông Viện khẳng định khi cấm hoặc dừng hoạt động xe máy trên tuyến, khu vực nào thì vẫn phải đảm bảo sinh hoạt bình thường việc đi lại của nhân dân ở những khu vực được kết nối một cách thuận lợi.
 
Trong quá trình hoàn thiện, đề án sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của người dân, nhưng ngay sau khi thông tin này được công bố đã thu hút sự quan tâm, bàn luận của cả người dân và các chuyên gia giao thông.
 
Trên nhiều diễn đàn, đã có nhiều ý kiến lo lắng rất đời thường mà có thể ngay các nhà hoạch định chính sách cũng… chưa nghĩ tới. Một bạn đọc đặt câu hỏi "Cấm xe máy rồi khi mua bao gạo hoặc cây cảnh thì chở bằng gì? Hàng cồng kềnh thì xe buýt không cho lên, hay vác bộ vài cây số? Chẳng nhẽ ship một cái bánh cũng phải dùng ô tô?".
 
Mặc dù đều thừa nhận việc cấm xe máy để giảm ùn tắc giao thông là đúng, nhưng điều nhiều người quan tâm là nếu cấm xe máy ở đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương thì việc sinh hoạt của người dân sống ở hai bên tuyến đường này sẽ thế nào, người dân đi lại bằng cách nào trong khi tuyến đường này lại rất dài và là trục chính từ nhiều huyện ngoại thành đi vào trung tâm thành phố.
 
Thực tế hiện nay xe bus mới chỉ đáp ứng được hơn 10% nhu cầu đi lại của người dân, tuyến đường sắt trên cao thì vẫn chưa đưa vào sử dụng nên chưa đánh giá được hiệu quả đến đâu.
 
Nếu cấm xe máy trên 2 tuyến đường này thì phân luồng thế nào, bởi nếu không thì lượng xe máy sẽ lại tràn vào các tuyến đường khác, thậm chí mọi ngõ ngách cũng sẽ trở thành đường cho xe máy, khi đó liệu các tuyến đường này có bị quá tải rồi dẫn đến ùn tắc hay không?
 
Vì vậy nếu cấm xe máy hoạt động trên một trong hai tuyến đường này thì thành phố cần có những giải pháp để giải quyết nhu cầu đi lại của người dân và tổ chức lại giao thông cho hợp lý, vì nếu không thì ùn tắc giao thông còn nghiêm trọng hơn.
 
Nhìn nhận từ góc độ chuyên gia giao thông, ông Nguyễn Xuân Thủy nhận định, hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông nội đô là đúng, nhưng phương tiện công cộng phải tốt, hạ tầng phải mở rộng, đường thông, hè thoáng.
 
Tuy nhiên, Hà Nội hiện vẫn chưa đưa được tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm nào vào khai thác, trong khi đối với thành phố 10 triệu dân thì đây phải là huyết mạch giao thông đô thị.
 
Hà Nội đưa ra lộ trình đến năm 2030 cấm xe máy, nhưng nếu cấm sẽ có bao nhiêu phần trăm được sử dụng vận tải công cộng? Đến 2030 may ra vận tải công cộng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 20-25%, còn hiện nay mới chỉ 8%; có nghĩa là hơn 70% người dân vẫn phải đi xe máy, xe cá nhân.
 
Trong khi xe máy đang bị nhà quản lý coi là "tội đồ" gây ra nạn tắc đường thì có một thực tế khác là nguyên nhân tắc đường còn do tốc độ gia tăng dân số cơ học quá lớn.
 
Trước đó, Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006-2016 được phê duyệt năm 2007 đã đề cập việc di dời trường công lập có diện tích quá nhỏ (dưới 2 ha) ở nội thành Hà Nội ra ngoại thành để đạt tiêu chuẩn về diện tích tối thiểu 10 ha/trường đại học.
 
Theo chủ trương trên, năm 2010-2011, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Bộ Xây dựng đưa ra phương án di dời 23 cơ sở giáo dục ra ngoại thành. Tuy nhiên cho đến nay, dự án di dời các trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội đô Hà Nội vẫn chưa thành hiện thực. Trong khi đó, theo từng năm, quy mô sinh viên của các trường đều tăng.
 
Còn một nguyên nhân nữa cũng gây ra tắc đường là mật độ dày đặc các chung cư cao tầng trên các tuyến đường hướng tâm. Trong khi tại các huyện Mê Linh, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm đang có những khu đô thị "ma" vì không có người ở thì tại nội đô, sau khi các nhà máy, cơ sở sản xuất dược di dời, thay vì dành diện tích đó cho các công trình công cộng thì lập tức được chuyển đổi thành các chung cư cao tầng, thậm chí cả những khu đô thị với hàng chục toà chung cư.
 
Thực tế tại các tuyến đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, Minh Khai… hiện nay tất cả các khu đất từng là nhà máy hiện đều là nhà chung cư với hàng chục ngàn căn hộ. Và đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra tắc đường.
 
Chưa biết rồi đây việc cấm xe máy sẽ được Hà Nội thực hiện như thế nào. Tuy nhiên, để chống ùn tắc giao thông, cấm xe máy hay phượng tiện cá nhân chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề. Để giải quyết căn cơ thì cần giải pháp tổng thể chứ không thể chỉ "đổ tội" cho xe máy.
.

Nguồn: Tân Lương/CAND

.