Trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần đề cập đến tác hại của việc sử dụng rượu - bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, thế nhưng, dường như chưa thấy hết hậu quả khôn lường do rượu - bia gây ra, hiện tượng "ma men" cầm lái vẫn diễn ra khá phức tạp.
Để rồi khi xảy ra sự việc đáng tiếc thì đã quá muộn. Vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng mới xảy ra trên địa bàn quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo.
1. Vụ TNGT thương tâm xảy ra tại khu vực ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) vào tối 21-10-2018 vừa qua khiến nhiều người chưa hết bàng hoàng. Bà Nguyễn Thị Nga, 47 tuổi ở quận 12 (TP Hồ Chí Minh) là người điều khiển xe ôtô hiệu BMW mang BKS 51F-279.1x đã gây ra vụ tai nạn trên.
Trước đó, khi điều khiển phương tiện lưu thông đến khu vực ngã tư Hàng Xanh, do không làm chủ tốc độ, bà Nga đã lao thẳng xe vào đám đông đang dừng đèn đỏ phía trước. Hậu quả khiến một người phụ nữ tử vong tại chỗ cùng nhiều người khác bị thương. Nhiều phương tiện bị hư hỏng nặng.
Ngay sau khi vụ TNGT xảy ra, lực lượng chức năng đã có mặt đưa người gặp nạn đi cấp cứu, đồng thời tiến hành khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ việc. Bước đầu, cơ quan CSĐT - Công an quận Bình Thạnh xác định, sau khi đi dự tiệc và có sử dụng rượu bia, bà Nga điều khiển chiếc xe trên và gây ra vụ tai nạn.
Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nga vì có hành vi "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
CSGT và CSCĐ Công an tỉnh Quảng Ninh tiến hành đo nồng độ cồn tài xế điều khiển phương tiện tham gia giao thông. |
Vụ việc trên thêm một lần cảnh báo về tình trạng "ma men" cầm lái trên phố. Đánh giá của Cục CSGT (Bộ Công an) cho thấy, có nhiều nguyên nhân gây ra TNGT, song nguyên nhân do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông chiếm hơn 70% tổng số vụ TNGT xảy ra trong thời gian qua.
Trong số này, có không ít vụ việc liên quan đến người điều khiển phương tiện sử dụng rượu - bia. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm TTATGT 9 tháng năm 2018 và nhiệm vụ trọng tâm quý IV của năm 2018 vào sáng 11-10 do Phó Thủ tướng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình chủ trì, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, từ ngày 16-12-2017 đến 15-9-2018, toàn quốc đã xảy ra hơn 13.000 vụ TNGT, làm chết trên 6.000 người, bị thương hơn 10.000 người.
So với cùng kỳ năm 2017, TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí, giảm 1.120 vụ, giảm 113 người chết và giảm trên 1.400 người bị thương. Mặc dù đã có những chuyển biến về tình hình TTATGT, song nhìn vào số liệu trên, dư luận chưa hết nỗi lo về TNGT, trong đó có nỗi lo về "ma men" cầm lái.
Có mặt tại Phòng Khám cấp cứu - Bệnh viện Việt Đức và Khoa Hồi sức ngoại - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), nhất là vào các dịp lễ, Tết, tôi giật mình trước hình ảnh các ca TNGT phải nhập viện cấp cứu bị chấn thương sọ não, đa chấn thương do trước đó sử dụng rượu, bia quá "ngưỡng" và điều khiển phương tiện tham gia giao thông luôn có chiều hướng gia tăng.
TNGT khiến nhiều gia đình chỉ sau một đêm đã ly tán người thân, bữa cơm không còn sum tụ, thay vào đó là cảnh tang thương, là cảnh người thân cùng "tạm trú" trong bệnh viện. Không chỉ gây tai nạn cho bản thân, "ma men" cầm lái còn khiến nhiều người vô tội tham gia giao thông trên phố gặp nạn vì lỗi vi phạm của mình.
Tăng cường đo nồng độ cồn, xử lý vi phạm để ngăn ngừa "ma men" cầm lái. |
2. Hiểm họa của việc sử dụng rượu - bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã được cảnh báo bởi hàng loạt vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua, song nhìn vào thực tế hiện nay, dường như hậu quả nhãn tiền chưa là gì. Đi qua các tuyến phố ở Hà Nội như: Hoàng Quốc Việt, Võ Chí Công, Trần Thái Tông, Dương Đình Nghệ… một lượt, dễ dàng bắt gặp cảnh các quán nhậu "hút" khách.
Nhiều dân nhậu sau khi rời quán, điều khiển phương tiện ra về trong tình trạng đi liêu xiêu. Tại quán bia hơi L.V, trên phố Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội) vào trưa 26-10, tôi chứng kiến cảnh một tốp khách (khoảng 8 người) sau khi "đu" hết gần 70 cốc bia, mồm nói oang oang, chân đứng không vững vẫn tự tin điều khiển 2 xe ôtô… rời quán. Nhiều người thấy cảnh này liền lắc đầu ngán ngẩm.
Thói quen uống rượu - bia có lẽ đã trở thành thú vui không thể thiếu của một bộ phận người dân hiện nay. Vui cũng uống, buồn cũng uống. Mà khi đã uống thì: "không say không về". Thú vui này thật đáng lên án.
Để ngăn ngừa những hệ lụy do "ma men" cầm lái gây ra, pháp luật cũng đã có những chế tài xử lý đối với những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, tiến hành lập biên bản xử lý, ngăn chặn lỗi vi phạm tiếp diễn, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho "ma men", nhiều tài xế còn vùng vằng, nại ra hàng loạt lý do để ngụy biện.
Đơn cử như vào tối 25-10 vừa qua, tại Km 118+900, quốc lộ 18 đoạn thuộc địa phận thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), khi bị Tổ công tác của Đội Tuần tra kiểm soát giao thông số 2 - Phòng CSGT (Công an tỉnh Quảng Ninh) dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn và cho kết quả vượt ngưỡng cho phép, tài xế Phạm Văn Tân, 29 tuổi điều khiển xe taxi khuôn mặt đỏ ửng, nồng nặc mùi rượu - bia liền biện minh: "Em chỉ uống có 2 ly rượu và không biết sau khi đo nồng độ cồn lại cho kết quả vượt mức cho phép như vậy…!".
Chia sẻ về vấn đề này, Thiếu tá Nguyễn Quốc Trình, Phó Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông số 2, Phòng CSGT - Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm, xử lý vi phạm nồng độ cồn thường khó khăn hơn so với các vi phạm khác, do những trường hợp sử dụng rượu, bia thường có nhận thức và hành động không thực sự chuẩn mực. Có trường hợp còn tỏ thái độ chống đối, có hành vi lăng mạ, xúc phạm lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Song với tinh thần trách nhiệm, mọi vi phạm đều bị lập biên bản xử lý.
3. Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Lê Văn Tiến, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 9 - Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng "ma men" cầm lái vẫn diễn biến phức tạp trong thời gian qua.
Đại úy Lê Văn Tiến khẳng định, rượu - bia là một trong những nguyên nhân khiến người điều khiển phương tiện giao thông gây ra TNGT. Khi sử dụng rượu - bia, hệ thần kinh sẽ bị kích thích, phản xạ kém đi. Lúc này, khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường, sự cố bất ngờ xảy ra, tài xế sẽ không làm chủ được tốc độ, va chạm - TNGT xảy ra là tất yếu.
Đại diện Đội CSGT số 9 khuyến cáo, chúng ta hãy kiên quyết nói không với rượu - bia khi điều khiển các phương tiện giao thông cơ giới, bởi sau tay lái là hạnh phúc của bản thân và phía trước là hạnh phúc của bao gia đình khác. "Hãy lái xe bằng sự tỉnh táo chứ không phải là sự hưng phấn kích thích. Hãy bản lĩnh khi từ chối rượu bia còn hơn vạn lần can đảm khi đối diện với hậu quả của nó gây ra", Đại úy Lê Văn Tiến nhấn mạnh.
Cùng quan điểm trên, Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật và Điều tra, xử lý TNGT, Cục CSGT (Bộ Công an) lo lắng cho hay, bình quân mỗi ngày, TNGT đã cướp đi sinh mệnh của trên dưới 20 người. Trong số này có không ít vụ liên quan đến rượu - bia.
Để đẩy lùi TNGT, hiện tượng "ma men" cầm lái, việc nâng cao văn hóa giao thông, ý thức, đạo đức người lái xe là rất quan trọng. Bản thân mỗi tài xế cần có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho bản thân và người xung quanh; không sử dụng rượu - bia khi điều khiển phương tiện, nói không với "rượu - bia" trong mọi hoàn cảnh.
Đối với những trường hợp cố tình vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, qua đó tạo sức răn đe đối với các trường hợp đã và đang có suy nghĩ cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó có lỗi vi phạm về nồng độ cồn.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Kể từ ngày 1-8-2016, sẽ phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (tước giấy phép lái xe từ 4-6 tháng). Và phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (tước giấy phép lái xe từ 3-5 tháng).
.