Vụ việc cà phê nhuộm pin vừa rồi gióng thêm một hồi chuông cảnh tỉnh cộng đồng cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ người tiêu dùng. Những năm qua truyền thông và cả hệ thống quản lý, pháp luật vào cuộc khá gay gắt để kiên quyết nói Không với thực phẩm bẩn.
Nhưng vì sao câu chuyện thực phẩm bẩn nóng trên truyền thông nhưng vẫn khó kiểm soát trong thực tế? Cách làm của chúng ta hiện nay liệu có thể tạo ra hàng rào an toàn bảo vệ sức khỏe nhân dân? Đâu là vấn đề bất cập cần phải giải quyết?
Phải phạt nặng
Còn nhớ cách đây ít lâu, trên một diễn đàn về vấn nạn thực phẩm bẩn, một người nước ngoài sống và làm việc lâu năm ở Việt Nam tên là Philip đã viết: "Tôi không thể tưởng tượng được là ở đất nước các bạn, vấn đề thực phẩm bẩn đáng lo ngại như vậy. Người ta có thể làm cho những con cua chết thối đã bốc mùi trở nên tươi tắn nhờ ngâm hóa chất và bơm "gạch cua" bằng trứng trộn hóa chất tạo màu vào mai nó.
Người ta cầm tiền và đứng nhìn những "con cua giết người" như vậy nằm ngon lành trên bàn ăn của đồng bào mình. Tôi được biết, hóa chất có thể hô biến bất cứ thực phẩm nào trở nên tươi lâu hơn, đẹp mắt hơn, đắt tiền hơn.
Người ta dùng hóa chất trong chăn nuôi, trong chế biến thực phẩm ngang nhiên, lại trong một thời gian rất dài, mà gần như chẳng bị sao cả. Mức phạt thì như giả vờ. Như thể hậu quả mà những người sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn kia gây ra chỉ là chút xíu mà thôi. So với các nước khác, câu chuyện ở Việt Nam thật quá lạ. Các bạn Việt Nam đừng ngồi đó bất bình nữa, bất bình không thay đổi được gì.
Kiểm tra cơ sở chế biến cà phê bằng cách nhuộm pin ở Đắc Lăk. |
Cùng với bất bình, hãy hành động. Và đầu tiên phải là pháp luật thực thi. Đừng cảnh cáo, phạt nhẹ. Thực phẩm bẩn có thể gây tổn hại sức khỏe cho cả cộng đồng. Nếu một vụ việc ngộ độc thực phẩm gây chết người thì người chủ cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm chính là thủ phạm giết người. Không có hình phạt đủ nặng, không bao giờ đủ sức răn đe, nhất là với những người quen với kinh doanh gian lận, xem thường sinh mạng của đồng loại".
Ý kiến của anh Philip, một công dân người Hà Lan nhanh chóng nhận được sự đồng tình của cư dân mạng. Mang đối chiếu với các quy định xử phạt ở ta về việc làm hàng giả, hàng nhái, chế biến kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm bẩn, thực sự thấy rằng, mức độ xử phạt hiện nay, chưa tương xứng với những hậu quả nghiêm trọng mà những kẻ gian thương vì hám lợi nhuận đã gây ra cho, đồng bào mình.
Quay trở lại vụ việc cà phê nhuộm pin ở Đắk Lắk vừa qua, Công an đã bắt giữ 4 người gồm vợ chồng chủ cơ sở là bà Nguyễn Thị Thanh Loan và ông Nguyễn Xuân Bảo cùng với 3 người có liên quan để điều tra vụ việc. Các luật sư phân tích, cả 5 người này đều sẽ bị xử theo điều 317 Bộ luật Hình sự.
Điều này quy định những tổ chức, cá nhân sử dụng chất cấm để chế biến thực phẩm có thể phải chịu mức phạt nặng nhất lên tới 20 năm tù và nộp phạt cao nhất lên đến 1 tỷ đồng. Mức án và mức phạt này, theo nhận định của một số chuyên gia, đã tăng mức răn đe, nhưng thực chất chưa đủ nghiêm khắc.
Giả sử chủ cơ sở cà phê kia đã kinh doanh cà phê bẩn nhiều năm và thu về hàng chục tỷ đồng lợi nhuận bất chính, đồng thời với đó là mang đến nguy cơ tổn hại sức khỏe, bệnh tật cho hàng triệu người Việt thì đấy là một câu chuyện cực kỳ nghiêm trọng, nếu xử phạt như vậy, người khác có thể sẽ còn tiếp tục những hành vi tương tự vì hám lợi. Khi đó, cộng đồng sẽ phải đối mặt với nguy cơ xấu về sức khỏe.
Nước Mỹ nổi tiếng là quốc gia nghiêm ngặt về quản lý thực phẩm. Những người phạm tội cung cấp thực phẩm bẩn gây hậu quả nghiêm trọng gần như không có cơ hội để kinh doanh tiếp tục. Các nước châu Âu cũng có những tiêu chuẩn khắt khe tương tự. Tội sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn, kém chất lượng được đề nghị mức án cao có thể chung thân hoặc tử hình.
Ở châu Á, các quốc gia như Nhật hay Singapore được xem là những quốc gia "khó tính" bậc nhất. Đặc biệt ở Nhật, nơi mà đất nước có truyền thống ăn hải sản sống, rau tươi thì họ kiểm soát tối đa thực phẩm để đảm bảo không có bất cứ một chút thực phẩm bẩn nào có thể vào được bữa ăn của họ.
Các nước lớn đều có luật an toàn thực phẩm. Những người phạm tội một lần liên quan đến thực phẩm bẩn, họ vĩnh viễn bị mất quyền sản xuất kinh doanh các mặt hàng liên quan đến thực phẩm. Trường hợp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, họ sẽ bị tòa án khép vào tội giết người hàng loạt.
So với các nước phát triển, chế tài xử phạt thực phẩm bẩn của ta còn nhẹ, sơ sài, chưa có tác động lớn vào tâm lý người sản xuất kinh doanh khiến họ chùn tay không bước chân vào con đường nguy hại này nữa.
Kiểm soát đầu vào hay đầu ra là hợp lý?
Phải nói rằng, mấy năm qua, có một cuộc thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của hệ thống quản lý nhà nước cũng như đông đảo nhân dân về vấn đề thực phẩm bẩn. Người tiêu dùng đã chú ý đến quyền lợi của mình nhiều hơn, ý thức tốt hơn về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm khi mua. Ý thức dùng thực phẩm sạch có lợi cho sức khỏe đang lan nhanh trong toàn xã hội. Sự chuyển biến tích cực này là do truyền thông đã đẩy mạnh tuyên truyền.
Cách làm của các cơ quan quản lý thị trường của ta hiện nay là kiểm soát đầu vào của thực phẩm. Nghĩa là tăng cường kiểm tra đột xuất khâu chế biến, sản xuất thực phẩm. Những vụ việc bị bắt, phạt gần đây chủ yếu là trong các đợt ra quân của quản lý thị trường kết hợp với cơ quan Công an.
Tuy nhiên, với hàng ngàn cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh của từng mặt hàng ở từng địa phương, công tác thanh kiểm tra khâu đầu vào tỏ ra nhiều bất cập, khó khăn. Ở chỗ, chúng ta không thể có đủ người để mà thường xuyên, liên tục làm công việc này, nhằm không bỏ lọt thực phẩm bẩn được tiêu thụ vào thị trường.
Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, việc chốt chặn các cửa ngõ vào thành phố kiểm tra lượng hàng thực phẩm từ khắp nơi đổ về tỏ ra không có hiệu quả mấy. Bởi đó là cách làm mang tính thủ công, cần nhiều người mới kiểm soát hết.
Ở các nước phát triển, người ta không tốn sức người vào việc đi thanh kiểm tra các cơ sở giết mổ động vật hay các cơ sở sản xuất kinh doanh rau củ quả như ở ta. Thay vào đó, họ xây dựng một bộ tiêu chuẩn, tập trung vào việc kiểm tra thành phẩm đã tạo ra. Nghĩa là họ chỉ kiểm soát khâu cuối cùng trước khi thành phẩm được đưa ra thị trường.
Thực phẩm bẩn gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng. |
Các mặt hàng phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định thì mới được cấp giấy thông thương. Ở ta, những bộ tiêu chuẩn áp dụng cho các mặt hàng thực phẩm chưa được đồng bộ, triệt để. Chưa có những tiêu chuẩn đồng bộ, cùng với hệ thống chợ, siêu thị còn nhỏ lẻ, cùng với công tác quản lý còn nhiều lỏng lẻo, nhiêu khê nên việc kiểm soát thực phẩm bẩn còn nhiều hạn chế.
Nên chăng, đã đến lúc phải thay đổi cách kiểm soát thực phẩm bẩn theo những phương cách tiên tiến hơn. Cuộc cách mạng 4.0 mở ra cho không chỉ công tác sản xuất, chế biến thực phẩm mà cho cả khâu quản lý thực phẩm những cơ hội mới.
Chúng ta cần phải đưa công nghệ, máy móc vào để hỗ trợ nhà quản lý kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm. Cùng với việc nâng cao ý thức của người tiêu dùng, hy vọng bằng cách làm hợp lý của ngành chức năng, thực phẩm bẩn sẽ không còn tồn tại gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng.
.