Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201805/can-co-giai-phap-som-xoa-so-bep-than-to-ong-793141/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201805/can-co-giai-phap-som-xoa-so-bep-than-to-ong-793141/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cần có giải pháp sớm "xóa sổ" bếp than tổ ong - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 07/05/2018, 08:37 [GMT+7]

Cần có giải pháp sớm "xóa sổ" bếp than tổ ong

Đã có nhiều vụ việc thương tâm xảy ra như: Trẻ em bị bỏng, nhà bị cháy, người bị chết ngạt… mà nguyên nhân là do bếp than tổ ong. Trước những tác hại to lớn bếp than tổ ong gây ra cho sức khỏe con người và môi trường sống, các nhà quản lý cho rằng, cần thiết phải tìm ra giải pháp nhằm hạn chế và thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến thân thiện với môi trường, hướng tới xóa sổ bếp than tổ ong trong năm 2020.
 
Tác hại khôn lường
 
Dạo quanh những tuyến phố chính hay ngõ nhỏ tại Thủ đô, chúng tôi không thể đếm xuể có bao nhiêu lò than đỏ lửa được để trần trụi hoặc quây sơ sài bằng những tấm bìa trên khắp các vỉa hè, dưới gốc cây, chân cột điện, thậm chí ngay dưới lòng đường. 
 
Nguy hiểm hơn, khi các bếp than này lại được đặt gần nguồn điện, động cơ chứa xăng và các vật liệu dễ cháy. Nhớ lại buổi tối kinh hoàng ấy, anh Thái Sơn ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội vẫn rùng mình. 
 
Anh kể: "Nhà tôi bán hàng ăn, đun nấu, hầm xương… toàn bằng bếp than tổ ong. Bếp hầu như không bao giờ tắt, qua ngày này tháng kia, vì hết viên này tôi lại mồi viên khác và ủ than qua đêm để sáng hôm sau đỡ phải nhóm lại. 
 
Đêm hôm đó, khoảng 23h, khi đang ngủ trên tầng 3, giật mình nghe tiếng kêu thất thanh của đứa con gái, kèm theo là mùi khói khét nồng nặc. 
 
Bung cửa chạy xuống tầng trong làn khói mù mịt, tôi nhìn thấy con gái đang bò lê dưới nền nhà và ngọn lửa đang trùm lên người cháu, vội lấy được cái chăn dập lửa, ôm cháu thoát ra ngoài, đưa đi cấp cứu tại Viện Bỏng quốc gia. 
 
Đã hơn 3 năm trôi qua, nhưng những vết sẹo do bị bỏng trên tay và chân của con vẫn còn ám ảnh tôi. Nguyên nhân là do tôi, do bếp than và do cả cái máy phát điện nữa.
 
Như mọi ngày, khi đêm đến tôi vẫn ủ bếp than ở sân sau nhà, hôm đó lại mất điện, tôi bật máy phát điện lên và không quên đổ đầy bình xăng. Có ai ngờ, lâu ngày không kiểm tra, bình xăng máy phát bị rò rỉ và xăng cứ chảy dần, ngấm dần đến đúng chỗ bếp than tổ ong tôi đang ủ, ngọn lửa bùng lên, cháy lan và ập vào trong nhà ngay phòng ngủ của con gái ở tầng 1. 
 
Cháu bị bỏng khá nặng, may mà không ảnh hưởng tới tính mạng. Kể từ đó, nhà tôi bỏ không dùng bếp than tổ ong nữa và thay thế bằng bếp gas. 
 
Tôi cũng biết, bếp than tổ ong gây hại cho sức khỏe, cho môi trường nhưng do thói quen, do kinh tế và có thể là do thiếu hiểu biết về tác hại của nó nên nhiều gia đình vẫn dùng"!
Rất nhiều hàng quán dùng bếp than tổ ong.
Rất nhiều hàng quán dùng bếp than tổ ong.

Nhiều hộ gia đình để bếp than đang cháy ngay cạnh những chiếc xe máy cũ, đã han gỉ và rò rỉ xăng hay vô số bếp than đặt ngay lối ra vào của các khu tập thể cũ, nơi có đông người qua lại. Ðiều đáng nói là ở một số khu vực tập trung đông dân cư như bệnh viện, trường học, sự xuất hiện của các bếp than có mật độ dày đặc hơn. Vào giờ tan tầm, tại những tuyến phố kinh doanh hàng ăn uống, hầu như cửa hàng nào cũng sử dụng một, hai bếp than chùm (3 viên trong một bếp) để nấu nướng. 

Nhìn chị Lan "mắm tôm" (người phụ nữ bán bún đậu mắm tôm), gày gò, nhỏ thó, ngày nào cũng gánh theo cả những bếp than tổ ong, bên trên có chảo mỡ hoặc nồi nước đang sôi, chúng tôi không khỏi ái ngại. Khi được hỏi, tại sao chị không dùng bếp gas mini… cho tiện, vừa đỡ phải gánh nặng mà còn không hít phải khí độc hại, chị trả lời: "Gần 10 năm nay, tôi hành nghề này nhưng có bị làm sao đâu, sức khỏe chẳng việc gì sất, mà tiền đâu ra để dùng gas, bán rong như tôi mà dùng gas thì tốn kém lắm…". Tôi đùa chị: "Không việc gì sất, nên người chị nó mới như con cá mắm thế này".
 
Cầm bảng thống kê trên tay, chúng tôi ai nấy đều giật mình khi được biết, từ các quận, huyện, thị xã, trên toàn địa bàn TP Hà Nội hiện có khoảng 55.000 bếp than tổ ong đang được sử dụng, người sử dụng chủ yếu là các hộ kinh doanh ăn uống, người lao động có thu nhập thấp, người nghỉ hưu. 
 
Một ngày, trung bình TP Hà Nội tiêu thụ khoảng 528,2 tấn than, đồng thời sẽ phát thải 1.870 tấn khí CO2 tương đương vào bầu không khí, gây hiệu ứng nhà kính, dẫn đến một loạt các hệ lụy về sức khỏe, mất an toàn cháy nổ. 
 
Căn cứ kết quả nghiên cứu được thực hiện bởi Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổ chức phát triển Hà Lan và các nhà khoa học, Viện Khoa học Nhiệt lạnh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội về độ phát thải của bếp than tổ ong cho thấy mức độ phát thải khí CO của bếp than tổ ong cao gấp 5-7 lần so với bếp cải tiến. 
 
Ðây là những con số đáng báo động, đe dọa sức khỏe người dân và môi trường trong khu vực nội đô.
Nhiều người dân nhóm bếp than tại vỉa hè.
Nhiều người dân nhóm bếp than tại vỉa hè.

Than tổ ong là một dạng than đá nhưng chủ yếu than chất lượng thấp trộn với bùn và chất khác. Khi đốt, than cháy sinh ra nhiệt lượng, đồng thời phát thải một số hợp chất độc hại ra môi trường như khí ôxít các bon gây nhiễm độc máu, làm thay đổi huyết sắc tố. 

Nếu người sử dụng đun nấu trong nhà kín, không khí không được lưu thông có thể dẫn đến tình trạng hôn mê sâu, đau nhức đầu, rối loạn thần kinh cảm giác. 
 
Tình trạng này kéo dài không được cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong. Có những chuyện đau lòng đã xảy ra như tại xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), một gia đình dùng bếp than tổ ong sưởi ấm để ngủ qua đêm. Sáng ra, con gái họ phát hiện người mẹ nằm chết giữa nền nhà, còn bố được hàng xóm đưa đi cấp cứu cũng trong tình trạng nguy kịch. 
 
Ðau xót hơn, tại xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, 3 người trong một gia đình gồm mẹ chồng, con trai, con dâu đã tử vong khi dùng bếp than tổ ong để sưởi ấm.
 
PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: "Khí than tổ ong thường có chứa các khí độc như SO2, NO2, CO. Do vậy nhiều gia đình đã bị ngộ độc bởi khí than tổ ong khi đun than trong phòng kín. 
 
Bạn sẽ vô tình hít phải các loại khói độc vào trong cơ thể của mình. Điều này làm ảnh hưởng tới lá phổi. Đây cũng chính là tác nhân gây ra bệnh viêm phổi, viêm phế quản và ung thư phổi. Việc đốt than tổ ong trong phòng kín có thể gây ngạt dẫn đến chết người. 
 
Với những phụ nữ mang thai nếu thường xuyên sống trong môi trường bị ô nhiễm bởi khói than sẽ có nguy cơ bị sẩy thai, thai bị biến dạng rất cao. Do vậy, chị em mang thai nên cẩn thận khi đun than để không ảnh hưởng tới thai nhi. 
 
Năm nào cũng có rất nhiều bệnh nhân ngộ độc khí than phải điều trị, không ít trường hợp tử vong. Có những bệnh nhân ngộ độc khí than quá nặng do thời gian thiếu không khí và hít phải khí CO lâu quá dẫn tới mất phản xạ ở vỏ não, phải sống đời sống thực vật. 
 
Ngoài ra, trong than còn có một số hợp chất hữu cơ phát ra khi đun ở nhiệt độ thấp, gọi là các chất hữu cơ mạch vòng, chất này có khả năng gây bệnh ung thư. 
 
Tỷ lệ người mắc các bệnh nguy hiểm như bệnh viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư thanh quản, viêm nhiễm đường hô hấp đang có xu hướng tăng lên trong cộng đồng dân cư có sử dụng bếp than tổ ong".
Không sử dụng bếp than để sưởi ấm.
Không sử dụng bếp than để sưởi ấm.

Những giải pháp cần thiết

Với mục đích nhằm giảm ô nhiễm môi trường không khí, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố, đồng thời giảm thiểu chất thải rắn thông qua việc tận dụng, tái chế các chất thải sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như mùn cưa, củi, gỗ, rơm rạ, lõi ngô… làm nhiên liệu đốt của các bếp cải tiến và nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của bếp than tổ ong đối với sức khỏe, môi trường sống và an toàn chống cháy nổ, thay đổi hành vi và thói quen sử dụng bếp, góp phần cải thiện sức khỏe, ổn định các hoạt động dân sinh trên địa bàn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, sẽ triển khai thí điểm các giải pháp về cơ chế, chính sách, tài chính và công nghệ, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản thay thế bếp than tổ ong trên địa bàn Thủ đô.
Mô hình thí điểm sử dụng bếp cải tiến thay thế bếp than tổ ong thu hút sự tham gia, ủng hộ của nhiều người dân.
Mô hình thí điểm sử dụng bếp cải tiến thay thế bếp than tổ ong thu hút sự tham gia, ủng hộ của nhiều người dân.

Là người trực tiếp tham gia dự án, bà Lê Thanh Thủy, cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết: "Hiện chi cục đã phối hợp với các cơ quan chức năng để đưa ra một số giải pháp như, tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của bếp than tổ ong và vận động người dân sử dụng các loại bếp thay thế phù hợp, từng bước triển khai mô hình thí điểm thay thế bếp than tổ ong tại một số quận, khu đô thị trên địa bàn thành phố. 

Kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí để trợ giá cho các bếp cải tiến và nhiên liệu đốt đạt tiêu chuẩn và phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân. Tiếp đến, chúng tôi sẽ đề xuất, xây dựng và ban hành quy định cấm các hộ gia đình sử dụng, sản xuất, kinh doanh bếp than tổ ong. Mục tiêu thay thế 100% bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố và duy trì trong những năm tiếp theo".
 
Một tín hiệu đáng mừng là từ đầu tháng 2 đến tháng 4 vừa qua, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội đã tổ chức triển khai mô hình thí điểm sử dụng bếp cải tiến thay thế bếp than tổ ong tại một số phường trên địa bàn TP Hà Nội. Chương trình đã thu hút sự tham gia và ủng hộ của đông đảo người dân. 
.

Tuấn Trình

.