Du khách thập phương đến đền chùa để trở về nguồn cội, để hòa mình vào với thế giới tâm linh huyền bí, để mong ước sự bình an thanh thản và thuận lợi khi bước sang năm mới an lành. Nhưng từ rất nhiều năm nay, những ngôi đền, chùa đang bị hiểu sang một nghĩa khác là sự xin cho trần tục.
Cầu cho thóc lúa đầy kho, tiền bạc đầy nhà đến đền Bà chúa Kho. Cầu cho trúng lô đề cờ bạc đến đền ông Bảy Bảo Hà. Cầu thăng quan tiến chức đến đền Trần. Cầu tình duyên êm đẹp đến chùa Hà…
Và ở khắp nơi với những câu chuyện chướng tai gai mắt người ta thi nhau đánh trống ghi tên mình bên những tượng Phật, tượng Thánh, tượng Mẫu do họ bỏ tiền ra công quả nhà chùa, nhà đền.
Nếu như Đền Bà Chúa Kho là nơi chứa kho lương thực, tiền vàng ngân xuyến, dân kinh doanh hay những người làm ăn cần vay mượn gì, thì đến cửa của Bà để vay cuối năm phải trả; đền Bảo Hà dân đỏ đen kéo đến xin trúng cờ bạc, lô đề, thì dân văn phòng, công chức đến đền Trần để xin thăng quan tiến chức.
Đền Trần, tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, một ngôi đền nức tiếng thờ 14 vị vua triều Trần. Theo thông lệ hằng năm cứ tháng Giêng ở đây sẽ phát ấn nếu ai có được ấn người đó sẽ gặp may mắn, con đường quan lộ sẽ hanh thông, thịnh đạt.
Người dân chen lấn để xin ấn đền Trần. |
Đền Trần năm nào cũng rất đông, người xe dập dìu nườm nượp. Trước khi đến đền Trần khách thập phương viếng thăm ngôi chùa Tháp. Chùa Tháp hay còn gọi là chùa Phổ Minh ở thôn Tức Mặc là một ngôi chùa cổ được xây dựng vào thời nhà Lý, đến năm 1262 dưới triều đại nhà Trần được trùng tu lại. Trong chùa sau gian thờ ban Tam Bảo gồm Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Như Lai và các hàng Bồ Tát ở cung sau có tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông đang trong tư thế nằm thiền rất an nhiên, hoan lạc, ở hai bên tượng. Ở hai bên tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông có thờ sư tổ Pháp Loa và sư tổ Huyền Quang đại sư, hai vị tướng tài của nhà Trần theo con đường tu tập. Trong chùa có gian thờ Mẫu, ban thờ Công đồng, ban thờ Đức Ông, thờ Đức Thánh Hiền…
Những ngày đầu năm ngôi chùa đón khách thập phương về hành hương lễ bái rất đông. Ai đến đền Trần cũng đều phải sang chùa Tháp trước, vì vậy đền đông ngần nào thì chùa cũng đông ngần ấy.
Hàng nước của chị Sen nằm bên trái trong khuôn viên của chùa, lần nào chúng tôi vào chùa Tháp lễ xong cũng ra đấy uống nước. Ngoài việc bán nước chị còn kiêm nhiệm thêm mấy việc đốt vàng mã cho khách có nhu cầu, khách nào lễ xong muốn đốt vàng mã nhưng sợ khói bụi cay mắt thì sau khi thụ lộc, lấy hết lộc ra còn vàng mã tiền vàng giấy sớ thì nhờ chị hóa hộ. Mỗi lần như vậy chị được trả công 10.000 đồng. Chị còn kiêm nhiệm thêm nghề mua hộ ấn.
Giới trẻ đến chùa Hà để cầu tình duyên. |
Chị bảo những năm trước ấn chỉ được phát đêm 14 âm lịch nên ai có nhu cầu thì cứ đặt chị, chị lấy trước cho, rồi hôm sau, hoặc lúc nào thư nhàn rỗi rãi đến thì chị đưa cho chứ ngày hôm đấy đến thì có mà bị chen bẹp ruột chứ chưa chắc đã lấy được ấn. Vậy là khách lấy số điện thoại của chị để đặt lấy ấn. Hoặc nhà ai ở xa không có điều kiện đến thì chị gửi đường bưu điện về cho, khách chuyển tiền qua tài khoản cho chị.
Chị Sen bảo: "Dân văn phòng, công chức lên xin ấn đông lắm. Có được ấn đấy về là năm đó sẽ cầu được ước thấy, chuyện thăng quan tiến chức là lẽ đương nhiên. Hoặc người không có việc làm thì sẽ có việc làm. Người bị sếp trù úm thì hết trù úm, đồng nghiệp ganh ghét, đố kị thì hết ganh ghét… Ấn đấy như lá bùa hộ mệnh, gặp lành, tránh dữ vậy nên ai mà chả muốn có ấn. Thế nên năm nào cũng phải chen lấn xô đẩy để cướp lộc, cướp ấn đấy thôi…".
Chị Sen còn nói: "Dân công chức, văn phòng là dân có ăn có học, da trắng mặt trơn, yếu trâu còn hơn khỏe bò, đàn ông chịu được cảnh chen lấn xô đẩy chứ phụ nữ thì quen váy áo tung trời ngồi điều hòa trong phòng máy không chịu nổi cảnh chen lấn xô đẩy để lấy ấn đâu, đã nhiều người bị ngất vì đông quá thiếu không khí để thở…". Chị bảo rằng chị làm vậy là làm phúc, lấy đức giúp cho người ta chứ lời lãi cũng chả đáng là bao.
Không chỉ có chị Sen mà ngay cả mấy anh xe ôm ở trước cửa chùa Tháp cũng kiêm thêm nghề lấy hộ ấn đền Trần. Người nào có nhu cầu thì các anh cho số điện thoại, các anh lấy hộ ấn đến hôm nào về đây thì điện thoại cho các anh, các anh sẽ mang ra cho, tiền hoa hồng thì do khách tùy tâm. Từ chùa Tháp sang đền Trần chỉ mất khoảng 7 phút đi bộ. Sau khi lễ ở chính điện, khách hành hương sẽ sang gian bên phải lễ Hưng Đạo Đại Vương và vua Trần Liễu, và các vị quan văn quan võ triều Trần, sau đó sang bên trái của chính điện, nơi có 14 bức tượng được đúc bằng đồng thờ các vị vua triều Trần.
Khách thập phương về đền Trần lễ bái sau khi van vái kêu cầu thì nhiều người phải bằng được lên sờ tay vào bức tượng rồi lại vuốt lên mặt để được hưởng lộc của nhà vua. Vậy là người ta thi nhau sờ, người sờ vào áo vua, người sờ vào chân vua, người sờ vào tay vua, người sờ vào mình của vua rồi lại đưa tay vuốt lên mặt, lên cổ của mình. Sau khi hết sờ lại vuốt, khách thập phương lại bỏ tiền lên áo của vua. Cứ hết người này lại đến người khác. Sự việc lập đi lập lại nhiều lần.
Cảnh tiền chùa. |
Có một bác ngoài 60 tuổi thấy quá nhiều người sờ tay lên mình vua thì ra ngoài phát cáu lên rằng: "Thật là vô lễ, vua là bậc bề trên, con dân là bậc dưới, vua ở ngai vàng điện ngọc, con dân thì ở nhà thường. Vua được ví như mặt trời, con dân là cây cỏ dưới mặt đất. Thời phong kiến, trước đây khi con dân muốn bẩm tâu việc gì thì cần phải viết ra một tờ sớ qua mấy vòng quan xét duyệt mới được chuyển lên đến nhà vua, đến quan thì phải quỳ gối từ ở đằng xa mặt cúi xuống đất chứ không được ngước nhìn nhà vua, bây giờ dân đứng cạnh nhà vua lại còn bắt tay vua, sờ người vua chẳng phải là vô lễ hay sao?".
Nếu như đền Trần tốt cho việc công thành danh toại thì một ngôi chùa nức tiếng ở Hà Nội là cầu tình duyên đôi lứa, hôn nhân hòa hợp là chùa Hà, quận Cầu Giấy. Chả biết tự lúc nào người ta kháo nhau những người căn cao số nặng, tình duyên lỡ làng, hôn nhân không thuận thì đến lễ ở chùa Hà, sẽ được duyên tình nồng đượm, nên nhiều người đến để cầu xin van vái. Nhiều nam thanh nữ tú đến để cầu tình, nhiều người trung tuổi cũng đến để xin tình. Mong ước được tình duyên đẹp là một điều chính đáng, nhưng ở đây lại xảy ra những chuyện dở khóc dở cười.
Một chị bán hoa quả ở ngoài cổng chùa bảo: "Người nam có vợ, người nữ có chồng, người ta bồ bịch với nhau cũng đến để xin được các thánh che tai, che mắt những người khác, để chuyện bồ bịch được thông đồng bén giọt. Có người đã có bạn trai rồi nhưng vẫn muốn có thêm nhiều người bạn trai khác nữa nên khấn lễ cho "giai" chết hàng đàn, si mê hàng đống, ngu muội u mê có bao nhiêu tiền thì đưa hết cho con…". Chị nói vào chùa nghe nhiều người khấn buồn cười lắm, nghe họ khấn chả khác gì đang đi xem hài kịch.
Một chị trung tuổi đang mua hoa quả nói với người bạn đi cùng: "Đến chùa, đến đền thì cũng như đến bệnh viện, bệnh ở đâu thì chữa ở đấy. Như người bị mắc bệnh tim thì cần phải đến bệnh viện tim thì mới được gặp đúng thầy, đúng thuốc để chữa trị. Người mắc bệnh phổi cũng cần phải đến viện phổi. Người mắc bệnh ung bướu cũng vậy. Vậy thì người đi lễ cũng phải biết mình xin gì, ở đâu, thì mới sở nguyện như ý được. Chứ cầu tình lại đi lễ nơi chuyên cho tiền là vứt, cầu lên quan lên chức lại đến nơi chỉ cho tình là sai. Cầu học hành thi cử lại đến nơi chỉ chuyên cho tình thì oan gia, đến khi tình duyên dính mắc thì còn tâm trí đâu mà học với hành. Cứ nghe theo các cụ hồi xưa bảo sao làm vậy, đền chùa nào cho gì thì ta cứ đến đền chùa ấy kêu cầu cái đấy”.
Chỉ vì quan niệm trần sao âm vậy, trên dương thế có gì thì ở cung âm cũng phải có cái đó, nên bao nhiêu nhà xe, người ngựa được hóa vàng hóa mã rất nhiều. Rồi lại theo tâm lý cúng càng nhiều thì công đức càng lớn, vậy nên hiện tượng đến lễ bái kêu cầu ở ngôi đền, ngôi chùa nào phật tử cúng dường rất nhiều. Nhiều ngôi chùa đang xây dựng, thiếu kinh tế, sư trụ trì kêu gọi, vậy là các phật tử rất thành kính cúng tiến. Người cúng tiến đôi đèn, người cúng tiến gạch ngói xây chùa, người cúng tiến tượng, người cúng tiến hoành phi câu đối, người cúng tiến ghế đá trong khuôn viên đền chùa, người cúng tiến để làm ban sơn trang, người cúng tiến để xây dựng ban công đồng.
Thi nhau đặt tiền, sờ tay lên tượng Phật. |
Việc các phật tử cúng tiến không hề xấu, ngược lại đức Phật đã dạy rằng: "Việc các phật tử cúng dường để xây chùa, đúc tượng sẽ được vô lượng công đức, vô lượng thọ, là một việc thiện, việc tốt nên làm…". Nhưng hiện nay người cúng tiến ai cũng muốn ghi tên mình ở bên cạnh đồ vật được cúng tiến thành ra vào đền vào chùa là thấy tên danh sách các phật tử làm công quả tên rất to, rất lớn ở bên cạnh các ban thờ Phật, Thánh, Mẫu. Nhiều khi tượng thì bé, mà bảng ghi tên người công đức tượng thì to.
Rồi khắp nơi trong đền, chùa tên của các phật tử cúng dường phủ kín trong ngoài mất đi hẳn sự linh thiêng nơi tâm linh. Ban thờ là nơi để thờ tự Phật, và các bậc thánh hiền thì lại ghi tên của những người công quả ở bên cạnh bệ thờ, thoạt trông đã phản cảm, chứ chưa bàn đến chuyện tâm linh là ghi tên người đang sống bên bệ thờ.
Trò chuyện với sư thầy Khai Nguyên ở chùa Linh Sơn Tự, thầy bảo: "Chùa thì nghèo, bây giờ muốn các phật tử phát tâm từ thiện để xây dựng được chùa khang trang đẹp đẽ là nhờ các phật tử phát tâm. Họ bỏ tiền ra cũng muốn được khắc tên lên những gì họ cúng tiến, nên bây giờ ngay cả ở chân tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cũng là tên của hai vợ chồng một gia đình cúng tiến tiền xây bức tượng. Cái bệ để đặt tượng Quan Thế Âm Bồ Tát là một gia đình người khác cúng tiến thì lại ghi tên gia đình nhà người ta. Đến cái ghế đá cũng là một gia đình khác, rồi cái cột, cái kèo của chùa lại là một gia đình khác nữa. Vậy nên khắp trong chùa đâu cũng có tên của các gia đình các phật tử…".
Hiện tượng này không chỉ có ở chùa Linh Sơn Tự mà nhan nhản khắp nơi trên khắp cả nước.
Hiện nay, việc xây dựng chùa đa phần đều từ nguồn thu xã hội hóa, nên phật tử cúng dường bằng tiền để xây tượng, đúc chuông, hoành phi câu đối… họ thi nhau đánh trống ghi tên gây nên sự phản cảm. Nếu quả thật các phật tử tin rằng gieo nhân sẽ gặp được phúc lành. Cõi Trời, cõi Phật tâm linh huyền bí soi rõ lòng chúng sinh thì việc mình làm sẽ có linh ứng, báo nghiệm thì sẽ không còn cảnh đánh trống ghi tên gia đình, công ty rất lớn ở những nơi thờ tự trang nghiêm, tôn quý nữa.