Thiếu tướng Đỗ Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đào tạo Bộ Công an dặn dò thí sinh trong kỳ thi đánh giá của Bộ Công an năm 2022. |
Dự thảo Thông tư này quy định về việc thu, quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức sơ tuyển, kinh phí tổ chức kỳ thi đánh giá của Bộ Công an. Áp dụng đối với các đơn vị thuộc cơ quan Bộ, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an nơi sơ tuyển), học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp Công an nhân dân (sau đây gọi chung là trường Công an nhân dân), các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan đến tổ chức sơ tuyển, tổ chức kỳ thi đánh giá của Bộ Công an, sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá để tuyển sinh.
Nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quy định tại dự thảo Thông tư này gồm: Nguồn thu từ kinh phí tuyển sinh bao gồm tổ chức sơ tuyển, kinh phí tổ chức kỳ thi đánh giá của Bộ Công an; Nguồn ngân sách nhà nước; Nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, người dự tuyển nộp kinh phí sơ tuyển, kinh phí thi tuyển (nếu có) cho Công an nơi sơ tuyển. Công an nơi sơ tuyển nộp kinh phí thi tuyển của thí sinh cho trường Công an nhân dân.
Nguyên tắc thu, quản lý, sử dụng kinh phí quy định rõ việc thu, quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức sơ tuyển, kinh phí tổ chức kỳ thi đánh giá của Bộ Công an phải đúng mục đích, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng chế độ.
Việc lập dự toán, thu, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức sơ tuyển, kinh phí tổ chức kỳ thi đánh giá thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật. Trước hết Công an nơi sơ tuyển và trường Công an nhân dân chi cho công tác sơ tuyển, tổ chức thi đánh giá từ nguồn thu kinh phí tuyển sinh và các nguồn hợp pháp khác; phần còn thiếu (nếu có), cân đối chi từ ngân sách nhà nước được giao.
Điều 5 đến Điều 12 dự thảo Thông tư quy định về các nội dung chi cho công tác sơ tuyển; công tác chuẩn bị tuyển sinh; công tác đề thi; công tác coi thi; công tác làm phách; công tác chấm thi, chấm kiểm tra, chấm phúc khảo, chấm thẩm định; công tác họp xét điều kiện, họp xét điểm trúng tuyển, công bố điểm trúng tuyển, tổ chức chiêu sinh, nhập học; công tác bảo đảm an ninh, an toàn tổ chức kỳ thi.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư nêu rõ về mức chi, trong đó, chi phí theo thực tế để chuẩn bị, tổ chức sơ tuyển; chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi quy định: Chi thuê địa điểm làm việc cho Hội đồng sơ tuyển, Hội đồng ra đề thi, Hội đồng in sao đề thi (nếu có); Chi thuê địa điểm sơ tuyển, thi, địa điểm chấm thi (nếu có); Chi mua, thuê, vận chuyển, lắp đặt, gia công, kiểm tra các dụng cụ, hóa chất, nguyên vật liệu, trang thiết bị, phần mềm, vật tư, văn phòng phẩm phục vụ sơ tuyển, ra đề thi, in sao đề thi, tổ chức thi, chấm thi, chi in ấn các tài liệu, giấy chứng nhận, thẻ phục vụ công tác tổ chức thi, chấm thi, công tác đảm bảo an ninh, an toàn kỳ thi.
Các khoản chi phục vụ hoạt động của các Hội đồng sơ tuyển và các ban chuyên môn khác trong sơ tuyển, Ban Đề thi, Ban/Tổ/Tiểu ban in sao đề thi (nếu có); Hội đồng thi và các ban chuyên môn thuộc Hội đồng thi; Hội đồng tuyển sinh và các ban chuyên môn thuộc Hội đồng tuyển sinh.
Cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện các nhiệm vụ này tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan về mua sắm, đấu thầu để tổ chức thực hiện; khi thanh toán phải có đầy đủ chứng từ, hóa đơn theo quy định. Trong trường hợp sử dụng cơ sở vật chất của các cơ quan, đơn vị khác (địa điểm, thiết bị, dụng cụ) để thực hiện nhưng vẫn phải thanh toán các khoản chi phí điện, nước, vệ sinh, an ninh, phục vụ, thì chứng từ thanh toán là bản hợp đồng và thanh lý hợp đồng công việc giữa hai bên kèm theo phiếu thu của cơ quan, đơn vị cho mượn cơ sở vật chất; bên cho mượn cơ sở vật chất hạch toán khoản thu này để giảm chi kinh phí hoạt động của đơn vị.
Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 02 tháng kể từ ngày đăng (nội dung chi tiết xem tại tệp đính kèm). Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.