(Congannghean.vn)-Qua 5 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Tỉ lệ hòa giải thành công đạt cao; các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư được giải quyết kịp thời, thấu tình đạt lý; hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp. Qua đó, góp phần thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc; kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước.
Tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 5 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo thực hiện Luật Hòa giải |
Tại Kỳ họp thứ 5 ngày 20/6/2013, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở. Đây là một bước tiến quan trọng, là cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi mà các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư ngày càng tăng. Sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, thực hiện nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND, HĐND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật.
Để hướng dẫn và triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở một cách đồng bộ, hiệu quả, tạo tiền đề cho việc thi hành Luật, trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã ban hành các văn bản hướng dẫn và phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến sâu rộng nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó, góp phần đưa Luật Hòa giải thực sự đi vào cuộc sống, nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác hòa giải. Từ đó, sử dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở trong cộng đồng dân cư.
Trong 5 năm (từ 2014 - 2018), được sự quan tâm của các cấp, ngành, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở đã không ngừng được kiện toàn và đi vào hoạt động hiệu quả, chất lượng. Theo thống kê, năm 2014, toàn tỉnh có 6.006 tổ hòa giải với 37.926 hòa giải viên; năm 2015 có 5.966 tổ hòa giải với 38.067 hòa giải viên; năm 2016 có 5.924 tổ hòa giải với 38.630 hòa giải viên; năm 2017 có 5.880 tổ hòa giải với 38.836 hòa giải viên. Riêng năm 2018 có 5.885 tổ hòa giải với 39.043 hòa giải viên; trong đó, có 27.050 hòa giải viên nam (chiếm tỉ lệ 69,28%) và 11.993 hòa giải viên nữ (chiếm 30,72%). Riêng hòa giải viên người dân tộc thiểu số có 5.912 người (chiếm 0,15%). Nhìn chung, đội ngũ hòa giải viên hầu hết là những người có phẩm chất, tư cách đạo đức tốt, gương mẫu, có uy tín; có kỹ năng xử lý tình huống, khả năng vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành pháp luật; có tinh thần trách nhiệm nhiệt tình tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Cũng trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có 30.930 số vụ việc tiếp nhận hòa giải. Trong đó, hòa giải thành công 23.795 vụ việc (chiếm tỉ lệ 76,9%), hòa giải không thành 6.955 vụ việc (chiếm 23,1%).
Với những đóng góp to lớn đó, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, tối 9/11, tỉnh Nghệ An đã lựa chọn tôn vinh 210 hòa giải viên tiêu biểu của 21 huyện, thành, thị. Đây là những hòa giải viên tâm huyết, nhiệt tình, có đóng góp tích cực trong công tác hòa giải ở cơ sở và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư. Tại buổi lễ, đã có 5 tập thể, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo thực hiện Luật Hòa giải và 21 hòa giải viên tiêu biểu được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Dịp này, Sở Tư pháp cũng đã tặng Giấy khen cho 62 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Việc tôn vinh hòa giải viên tiêu biểu đã góp phần khơi dậy, cổ vũ phong trào thi đua, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; tăng cường tình đoàn kết, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 21 hòa giải viên tiêu biểu |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nói trên, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Điển hình là mạng lưới tổ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên vẫn chưa được kiện toàn đầy đủ, thường xuyên. Một số tổ hòa giải chưa đảm bảo cơ cấu hòa giải viên nữ, hòa giải viên là người dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.
Bên cạnh đó, vai trò của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa thực sự được phát huy; chưa huy động được đông đảo luật sự, luật gia, những người có trình độ học vấn, chuyên môn cao trên các lĩnh vực tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở; đồng thời, chưa gắn kết chặt chẽ hoạt động hòa giải ở cơ sở với hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật và các hoạt động bổ trợ tư pháp khác. Ngoài ra, hoạt động hòa giải nhiều nơi, nhiều lúc còn mang tính hình thức, chiếu lệ, thụ động; một số hòa giải viên còn thiếu kỹ năng hòa giải, chưa thực sự tâm huyết, thiếu nhiệt tình và ngại va chạm nên gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Trước thực trạng đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác hòa giải trong thời gian tới, cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ban, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải trong đời sống xã hội. Qua đó, người dân sẽ lựa chọn sử dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp, mẫu thuẫn. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn, sâu rộng về chủ trương của Đảng đối với công tác hòa giải; đồng thời, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác hòa giải gắn liền với phát huy dân chủ ở cơ sở.
Cùng với đó, thường xuyên rà soát, củng cố và kiện toàn tổ hòa giải phù hợp với đặc thù của địa phương; có giải pháp xây dựng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở có uy tín, hiểu biết pháp luật, giàu kinh nghiệm và nhiệt huyết. Định kỳ kiểm tra, đánh giá hoạt động hòa giải ở cơ sở; kịp thời khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc. Đặc biệt, cần nhân rộng một số mô hình và cách làm hay trong quá trình triển khai thực hiện Luật để các địa phương tham khảo, áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới.
Hòa giải viên là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác hoà giải ở cơ sở (Trong ảnh: Ban hoà giải xã Trù Sơn, huyện Đô Lương tiếp nhận thông tin vụ việc cần hoà giải - Ảnh tư liệu) |
Thực tiễn đã chứng minh, hòa giải ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ không chỉ mang tính pháp lý mà còn thể hiện tính nhân văn, là cầu nối để xóa bỏ mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng. Với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ hòa giải viên, trong 5 năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã thực sự có những chuyển biến tích cực, góp phần tạo thêm tinh thần tương thân tương ái, hướng đến xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; đồng thời, tạo sự đồng thuận, niềm tin của nhân dân vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.