Thứ Tư, 30/10/2019, 09:00 [GMT+7]

Phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật

(Congannghean.vn)-Có thể khẳng định, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần ngăn ngừa và hạn chế các hành vi vi phạm trong đời sống xã hội. Xác định rõ điều đó, thời gian qua, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch PBGDPL sát với tình hình thực tế, có chiều sâu và đạt hiệu quả cao. Trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật có đầy đủ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền và là cầu nối đưa pháp luật đến gần hơn với người dân.

Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là một trong những lực lượng thực hiện hiệu quả công tác PBGDPL (Trong ảnh: Ban tổ chức trao giải Nhì cho các thí sinh tại Hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi cấp tỉnh lần thứ III năm 2019)
Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là một trong những lực lượng thực hiện hiệu quả công tác PBGDPL (Trong ảnh: Ban tổ chức trao giải Nhì cho các thí sinh tại Hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi cấp tỉnh lần thứ III năm 2019)

Để thực hiện hiệu quả công tác PBGDPL, trong 6 tháng đầu năm 2019, Cơ quan thường trực đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1309 về kiện toàn thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh với 37 thành viên và Quyết định số 1232 về việc công nhận báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh với số lượng là 92 người, đảm bảo mỗi lĩnh vực pháp luật thuộc phạm vi quản lý chuyên sâu có ít nhất 1 báo cáo viên pháp luật kiêm nhiệm, thực hiện hoạt động công tác PBGDPL. Thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp cũng thường xuyên được củng cố, kiện toàn kịp thời.

Hiện, toàn tỉnh có 735 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 6.791 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Nhìn chung, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ tỉnh đến cơ sở đều có lập trường, tư tưởng chính trị, trình độ chuyên môn vững vàng, đáp ứng được yêu cầu công việc trong mọi hoàn cảnh và điều kiện thực tế tại địa phương. Bên cạnh đó, quá trình công tác, đội ngũ thường xuyên bám sát địa bàn cơ sở có nhiều kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền miệng nên luôn được nhân dân yêu mến, tín nhiệm và làm theo.

Với vai trò là "cầu nối” đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo, chính quyền các cấp và các ban, ngành, đoàn thể nhiều chương trình, kế hoạch PBGDPL sáng tạo, hiệu quả, góp phần tích cực vào quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Và, thực tế cũng đã chứng minh, nhiều vấn đề bức xúc hay các vụ việc nổi cộm được giải quyết thỏa đáng, thấu tình đạt lý và tạo được sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân đều có sự đóng góp không nhỏ của các báo cáo viên, tuyên truyền viên.

Xác định rõ vai trò quan trọng của báo cáo viên, tuyên truyền viên, thời gian qua, hệ thống tuyên giáo các cấp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng xây dựng, kiện toàn đội ngũ này nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác PBGDPL. Theo đó, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên; đồng thời, có chính sách khen thưởng, biểu dương những báo cáo viên, tuyên truyền viên có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả trong PBGDPL.

Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch số 232 ngày 18/4/2019 của UBND tỉnh Nghệ An về tổ chức Hội thi “Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi” trên địa bàn tỉnh năm 2019, Sở Tư pháp - cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã xây dựng kế hoạch chi tiết và thực hiện một cách hiệu quả thông qua việc tổ chức thành công tại các cụm trong thời gian vừa qua.

Theo đó, các thí sinh tham gia Hội thi phải trải qua nhiều phần thi kỹ năng, nghiệp vụ; thể hiện vị trí, vai trò, trách nhiệm của báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và cán bộ pháp chế trong công tác tuyên truyền, PBGDPL; kiến thức về hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là các quy định của pháp luật về dân sự, hình sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, lao động, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, giao thông, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.

Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh về triển khai Hội thi trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã cập nhật thông tin về Hội thi trên cổng thông tin điện tử và trên Tập san Pháp luật và Đời sống của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh với số lượng 2.000 cuốn cấp phát cho các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương. Phối hợp với các cơ quan báo chí xây dựng phóng sự, viết tin, bài, liên hệ một số doanh nghiệp kêu gọi xã hội hoá in hệ thống băng rôn, áp phích để tuyên truyền về Hội thi. Hội thi đã thực sự tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của đông đảo báo cáo viên, tuyên truyền viên. Đây cũng là cơ hội để đội ngũ này trao đổi, học tập về kinh nghiệm, kỹ năng tuyên truyền miệng; đồng thời, phát hiện và biểu dương những báo cáo viên, tuyên truyền viên xuất sắc, góp phần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng tại cơ sở.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Trong đó, nổi lên là sự chênh lệch về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các báo cáo viên, tuyên truyền viên tại các địa phương. Hầu hết tuyên truyền viên cấp xã chưa được đào tạo cơ bản về lý luận chính trị, về quản lý Nhà nước và kỹ năng nghiệp vụ công tác tuyên giáo, nghiệp vụ báo cáo viên, tuyên truyền viên, do đó hiệu quả, tính thuyết phục của công tác tuyên truyền miệng chưa cao.

Trước thực tế đó, để nâng cao hơn nữa chất lượng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nói riêng và hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, trong thời gian tới, cần quan tâm, đầu tư hơn nữa về kinh phí cũng như công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ. Trong đó, chú trọng việc cập nhật kiến thức mới, các kỹ năng, cách giải quyết các tình huống trong công tác tuyên truyền miệng, nhất là kỹ năng đối thoại, tăng cường thông tin hai chiều. Đặc biệt, thu hút thêm nhiều tuyên truyền viên ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như những người có trình độ, uy tín trong cộng đồng cùng thực hiện công tác PBGDPL.

.

Ngọc Anh

.