Sáng ngày 08/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Toàn cảnh phiên họp |
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007, từ đó đến nay Luật quản lý thuế đã được sửa đổi, bổ sung ba lần vào các năm 2012, 2014 và năm 2016.
Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật quản lý thuế đã góp phần thống nhất chính sách về quản lý thuế, trên cơ sở đó công tác quản lý thuế đã được thay đổi theo cơ chế người nộp thuế tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về thực hiện nghĩa vụ thuế; là cơ sở để thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý thuế; là cơ sở quan trọng để cơ quan quản lý thuế thực hiện nhiệm vụ thu đúng, thu đủ các khoản thu khác của ngân sách nhà nước; cơ sở đối tượng nộp thuế đã được mở rộng; tạo ra sự đồng bộ nâng cao tính minh bạch đồng thời tăng cường vai trò kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan nhà nước...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, qua đánh giá thực trạng việc thực thi Luật quản lý thuế và qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ thấy rằng việc sửa đổi Luật quản lý thuế ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết để hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế; tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để góp phần thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, tạo cơ sở để xây dựng hệ thống quản lý thuế hiện đại trong điều kiện hội nhập; tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác quản lý thuế, trong đó có việc áp dụng rộng rãi phổ biến quản lý thuế điện tử, giao dịch điện tử công khai, minh bạch; khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay đồng thời rà soát và thống nhất giữa Luật quản lý thuế và các văn bản pháp luật có liên quan.
Việc xây dựng Luật quản lý thuế (sửa đổi) hoàn chỉnh, toàn diện nhằm mục đích tạo cơ sở cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, cho cơ quan quản lý thuế thực hiện nghiêm quyền, nghĩa vụ của người nộp thuế; quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế theo quy định pháp luật, tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, việc xây dựng Luật đảm bảo quán triệt và thực hiện chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng thể chế, chính sách tài chính, quản lý thuế; tuân thủ Hiến pháp năm 2013 và thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan, nhất là các văn bản pháp luật về thuế, phí, quản lý ngân sách và quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính; có tính thực tiễn cao, cụ thể, bao quát các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các cơ quan liên quan, cũng như quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế; và kế thừa những nội dung quy định của Luật quản lý thuế hiện hành còn giá trị thực hiện, tập trung sửa đổi những quy định còn bất cập và bổ sung những, chuẩn mực theo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Báo cáo về quá trình xây dựng Luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, Chính phủ đã tổ chức xây dựng Luật quản lý thuế (sửa đổi) theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập; gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành và tổ chức nhiều cuộc hội thảo xin ý kiến về Luật và lấy ý kiến Bộ Tư pháp. Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã có ý kiến thẩm tra sơ bộ về dự án Luật tại Báo cáo số 1208/BC-UBTCNS14 ngày 13/9/2018; Uỷ ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 27 ngày 20/9/2018 đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật; Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình |
Dự thảo Luật bao gồm 17 chương, 152 điều có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng cơ bản như Luật quản lý thuế hiện hành. Theo đó Luật quy định việc quản lý các loại thuế và các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước (NSNN) do cơ quan quản lý thuế quản lý (bao gồm cả cơ quan thuế và hải quan). Đồng thời, để bao quát tất cả các nguồn thu của NSNN, dự thảo Luật điều chỉnh đối với các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu tại khoản 3 Điều 3 dự thảo Luật. Do tính chất, nội dung của từng khoản thu là khác nhau, trình Quốc hội giao Chính phủ căn cứ quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan, quy định việc quản lý đối với các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu.
Về nội dung quản lý thuế được kế thừa các quy định hiện hành, đồng thời tại dự thảo Luật có bổ sung các nội dung: không thu thuế; khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp; quản lý hoá đơn, chứng từ; tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn bổ sung một số nguyên tắc: áp dụng nguyên tắc bản chất quyết định hình thức; áp dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, theo đó phạm vi rộng hơn so với quản lý thuế điện tử; áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Ngoài ra, dự thảo Luật đã bố trí một điều riêng quy định về những hành vi bị cấm trong quản lý thuế nhằm thực hiện, tuân thủ các nguyên tắc và các nội dung quản lý thuế; bổ sung thêm nội dung thực hiện các biện pháp hỗ trợ thu thuế theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đối với nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan liên quan đến quản lý thuế, dự thảo Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan như Chính phủ; các bộ, cơ quan ngang bộ; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp theo hướng chỉ quy định nhiệm vụ, quyền hạn liên quan trực tiếp đến quản lý thuế, không nhắc lại nhiệm vụ quyền hạn đã được quy định tại các văn bản pháp luật liên quan. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quản lý thuế, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý ngành và địa phương trong quản lý thuế; Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quản lý thuế. Các bộ, ngành có liên quan được xây dựng theo hướng phối hợp thực hiện quản lý thuế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành. Kiểm toán nhà nước, thanh tra nhà nước thực hiện kiểm toán, thanh tra các hoạt động có liên quan đến cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước, pháp luật về thanh tra, quy định của pháp luật về quản lý thuế và các quy định của pháp luật có liên quan.
Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định khai thuế, tính thuế trong trường hợp hạch toán toàn ngành, giao dịch liên kết theo hướng vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước về phân cấp ngân sách, đảm bảo nguyên tắc quản lý thuế. Đồng thời, quy định cụ thể về hồ sơ hoàn thuế; các trường hợp hoàn thuế; tiếp nhận phản hồi thông tin hồ sơ hoàn thuế, và thẩm quyền quyết định hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế. Trong đó, quy định rõ về thẩm quyền hoàn thuế đối với trường hợp hoàn thuế theo chính sách và hoàn thuế nộp thừa.
Để xử lý nợ đọng thuế, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với các đối tượng người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được khoanh nợ thuế. Dự thảo Luật đã bổ sung nguyên tắc thanh tra, kiểm tra theo quản lý rủi ro; bổ sung, hoàn chỉnh về nội dung thanh tra thuế (thanh tra chuyên ngành thuế) trên cơ sở quy định của pháp luật về thanh tra để phù hợp với đặc thù trong lĩnh vực thuế; quy định về thời hạn thanh tra thuế theo quy định Luật thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Để tăng cường hiệu quả của công tác cưỡng chế thu nợ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng cơ quan quản lý thuế được áp dụng biện pháp cưỡng chế một cách phù hợp (không áp dụng tuần tự) trên cơ sở đánh giá đầy đủ thông tin, điều kiện để xác định biện pháp cưỡng chế nào có hiệu quả. Dự thảo Luật cũng quy định rõ nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính, các trường hợp xử phạt, các trường hợp không bị xử phạt và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
Nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế, dự thảo Luật đã bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại theo hướng: Xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online; bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, trên cơ sở đó áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, để có đủ thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện Luật hiệu quả (nhất là ứng dụng công nghệ thông tin), Chính phủ trình Quốc hội quyết định về hiệu lực thi hành của Luật Quản lý thuế (sửa đổi) từ ngày 01/7/2020. Trên cơ sở những nội dung cơ bản của dự án Luật quản lý thuế (sửa đổi), Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định./.