(Congannghean.vn)-Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Sau 5 năm thực hiện, Luật đã phát huy hiệu quả, kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi VPHC, mức độ tuân thủ pháp luật thi hành quyết định tương đối cao, ý thức chấp hành pháp luật của người dân cũng như cơ quan, người có thẩm quyền đã được nâng lên. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực thi Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập về xử phạt VPHC lẫn áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Đoàn liên ngành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn TP Vinh |
Xử phạt hơn 1 triệu vụ việc
Thống kê của Sở Tư pháp tỉnh, sau 5 năm triển khai Luật Xử lý VPHC, đến nay các cơ quan chức năng đã phát hiện 1.007.707 vụ VPHC và tiến hành xử phạt 1.001.645 vụ việc. Các vụ việc vi phạm xảy ra cơ bản đã được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng thẩm quyền và trình tự, thủ tục theo quy định, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý của Nhà nước, góp phần đảm bảo ANTT tại địa phương; tỉ lệ số vụ việc đã bị xử phạt so với số vụ việc đã bị phát hiện ngày càng tăng, từ 62% vào năm 2014 lên 94% vào năm 2017; đa số những đối tượng có hành vi vi phạm đều nhận thức được hành vi của mình, có ý thức chấp hành nghiêm các quyết định xử phạt VPHC.
Công tác lập hồ sơ, xét duyệt, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhìn chung đã đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, đúng pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật cho người bị đề nghị. Sau khi ra quyết định, các cơ quan hữu quan đã kịp thời đưa đối tượng đi chấp hành biện pháp xử lý hành chính, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về ANTT của chính quyền địa phương và nhận được sự đồng tình của quần chúng nhân dân cũng như người bị xử lý và thân nhân gia đình họ. Theo thống kê đến ngày 30/12/2017, toàn tỉnh có 6.494 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Trong đó có 148 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; 171 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; 2.653 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Nhìn chung, sau 5 năm thi hành, Luật Xử lý VPHC đã khẳng định vai trò của mình, là một trong những bộ luật được áp dụng nhiều nhất trong thực tiễn đời sống, thông qua số vụ việc xử lý VPHC rất lớn. Việc áp dụng các biện pháp xử lý VPHC đã góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi VPHC; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý Nhà nước, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.
Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại 1 cơ sở sản xuất bánh không đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm |
Những hạn chế, bất cập
Thời gian qua, công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được chú trọng thực hiện. Điều đó tác động tích cực đến các mặt của đời sống xã hội, có tác dụng răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Thống kê cho thấy, các hành vi vi phạm bị xử phạt hành chính phổ biến là lĩnh vực thương mại, lĩnh vực giao thông đường bộ, an toàn thực phẩm, hoạt động khám, chữa bệnh; trốn thuế…
Mặc dù nhiều hình thức vi phạm cần xử phạt hành chính như vậy, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện Luật Xử lý VPHC vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc, bất cập từ quy định của Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, do sự thiếu đồng bộ và chưa thống nhất trong quy định, một số quy định của Luật Xử lý VPHC năm 2012 còn mâu thuẫn chồng chéo chưa được hướng dẫn cụ thể nên ảnh hưởng đến việc xử lý trong thực tiễn. Đơn cử như, hành vi xả rác nơi công cộng được nhắc tới trong 2 văn bản. Nghị định 46/2016 nêu rõ mức phạt tiền đối với người xả rác nơi công cộng là 300.000 - 400.000 đồng, trong khi đó Nghị định 155/2016 lại quy định người sai phạm nộp phạt 5 - 7 triệu đồng. Đáng nói, 2 nghị định trên đều có hiệu lực thi hành từ năm 2016. Hay đối với hành vi đi vệ sinh không đúng nơi quy định, Nghị định 167/2013 xác định mức phạt tiền là 100.000 - 300.000 đồng, còn tại Nghị định 155/2016 lại quy định mức phạt tiền 1 - 3 triệu đồng.
Không chỉ có mức phạt mà thẩm quyền xử phạt, quy trình xử lý trong nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xử lý VPHC cũng chưa sát thực tiễn, chưa phù hợp với nhiều quy định pháp luật khác. Đơn cử, việc xử phạt đối với hành vi gây rối trật tự tại phiên tòa được hướng dẫn thi hành trong Nghị định 167/2013. Nhưng nghị định này không quy định thẩm quyền xử phạt của các chức danh trong hệ thống tòa án như chánh án, chủ tọa phiên tòa... Trong khi, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Xử lý VPHC hiện hành nêu rõ chánh án, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa có thẩm quyền xử phạt. Quá trình thi hành Luật tại nhiều địa phương còn cho thấy tình trạng tồn tại song song 2 nghị định đều quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng; song, thẩm quyền và quy trình xử lý sai phạm ở 2 nghị định hoàn toàn không giống nhau.
Hay như một vấn đề thường xảy ra trong công tác xử lý VPHC là các trường hợp vi phạm bị tạm giữ tang vật, phương tiện có giá trị thấp hơn so với số tiền phạt của lỗi mà người vi phạm gây ra nên khi lập biên bản xử phạt, người vi phạm khai không đúng hoặc không khai tên họ, địa chỉ hoặc bỏ trốn để khỏi bị xử lý hay không tiến hành nộp phạt thì Luật lại chưa có chế tài.
Ông Lê Bá Thiệu, Trưởng phòng Kiểm tra xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp cho biết: Sau khi Luật Xử lý VPHC năm 2012 được ban hành và triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh còn có một số vướng mắc, bất cập mà nguyên nhân là do một số tổ chức, cá nhân vi phạm có điều kiện kinh tế khó khăn không có khả năng thi hành quyết định; một số đối tượng cố tình không chấp hành quyết định xử phạt, việc tổ chức cưỡng chế thi hành gặp nhiều khó khăn, chi phí để tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt lớn hơn nhiều lần so với mức tiền phạt; việc thi hành quyết định xử phạt hành chính trong trường hợp đối tượng là người lao động tự do, sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp gặp nhiều khó khăn. Trong số 1.001.645 quyết định xử phạt VPHC được thi hành thì có đến 4.062 quyết định chưa được thi hành.
Từ những hạn chế, bất cập phát sinh, để đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của pháp luật trong việc áp dụng thi hành các biện pháp xử lý hành chính, ông Lê Bá Thiệu cho biết thêm: Thời gian tới, để triển khai có hiệu quả Luật Xử lý VPHC thì cần quan tâm, củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về công tác xử lý VPHC tại các đơn vị, địa phương; các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện nhiệm vụ này, nhất là về biên chế (bố trí biên chế chuyên trách), chế độ, chính sách, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí và trang bị các thiết bị, phương tiện kỹ thuật đảm bảo phục vụ tốt cho công tác xử lý VPHC. Đồng thời, các cấp, ngành cần rút kinh nghiệm từ thực tiễn, khắc phục khó khăn, thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành luật pháp.