Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201808/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-quan-ly-kiem-soat-chat-luong-an-toan-thuc-pham-810783/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201808/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-quan-ly-kiem-soat-chat-luong-an-toan-thuc-pham-810783/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 24/08/2018, 09:22 [GMT+7]

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm

(Congannghean.vn)-Trước vấn nạn thực phẩm bẩn, kém an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng, thời gian qua, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông - lâm - thủy sản trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Phát hiện nhiều sai phạm

Hiện nay, toàn tỉnh có 14.956 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; trong đó phần lớn là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, thức ăn đường phố, kinh doanh tổng hợp... nên thực phẩm thường được mua không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSTP. Để kiểm soát tình hình ATVSTP trên địa bàn, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tích cực tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm, mang lại môi trường kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Đoàn liên ngành TP Vinh kiểm tra chất lượng ATVSTP tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố
Đoàn liên ngành TP Vinh kiểm tra chất lượng ATVSTP tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố

Trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là trong Tháng hành động vì ATTP, dịp Tết Nguyên đán, lễ hội. Triển khai thực hiện, các cấp, ngành đã thành lập 996 đoàn thanh, kiểm tra tổ chức kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển thực phẩm trên địa bàn; tiến hành kiểm tra 15.655 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kết quả, 12.005 cơ sở đạt yêu cầu; 3.650 cơ sở không đạt yêu cầu; 1.280 cơ sở bị cảnh cáo, nhắc nhở và yêu cầu khắc phục; 489 cơ sở bị xử phạt cảnh cáo; 791 cơ sở bị xử phạt với số tiền hơn 1 tỉ đồng; 463 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm.

Bên cạnh việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra về ATTP, để siết chặt quản lý về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết đảm bảo ATTP cũng được chú trọng. Công tác xây dựng quy hoạch và các mô hình về đảm bảo ATTP được đẩy mạnh, trong đó tập trung xây dựng mô hình điểm đảm bảo ATTP, các dự án nông nghiệp cận đô thị tập trung vào sản xuất rau an toàn, nấm, cá lồng, gà chất lượng cao theo hướng an toàn...Nhờ vậy, công tác đảm bảo ATTP của tỉnh có những chuyển biến tích cực.

Tuy công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được triển khai thường xuyên, nhiều vụ vi phạm ATVSTP đã bị xử lý nghiêm, tuy nhiên việc xử lý vi phạm ở nhiều nơi còn chưa kiên quyết, chưa đủ sức răn đe; tuyến xã hầu hết không xử phạt mà chủ yếu là cảnh cáo, nhắc nhở, yêu cầu khắc phục; ngành Y tế chưa có chế tài xử phạt mà phải chuyển sang đội quản lý thị trường ở địa phương. Việc thanh, kiểm tra chủ yếu tập trung vào điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, con người, chưa quan tâm đến việc hậu kiểm; tuyến xã chưa có cán bộ chuyên trách về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)..., gây khó khăn trong công tác quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trước tình hình trên, việc nâng cao ý thức của người kinh doanh có vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo ATVSTP.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Công tác tuyên truyền được xem là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu trong vấn đề ATTP, thời gian qua, các sở, ban, ngành đã không ngừng nâng cao năng lực quản lý chuyên trách về ATTP, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong đó, công tác tuyên truyền miệng được đội ngũ báo cáo viên pháp luật, cộng tác viên, tuyên truyền viên tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác ATTP, thông qua các hình thức tổ chức các hội nghị, sinh hoạt chi bộ, chi hội ở khu dân cư, các câu lạc bộ hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh với pháp luật. Toàn tỉnh đã tổ chức 1.137 buổi nói chuyện tuyên truyền về công tác ATTP với 340.778 lượt người là cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người lao động và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh tham gia. Qua việc tuyên truyền đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và đài truyền thanh các huyện, thành, thị tăng thời lượng phát sóng, nâng cao chất lượng các chuyên mục, bài viết tuyên truyền về công tác ATTP; duy trì chuyên mục: “Hỏi - đáp” pháp luật về công tác ATTP; nêu gương những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hiện tốt các quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP, đồng thời phản ánh những cơ sở không chấp hành hoặc chấp hành không đúng quy định về ATTP. Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền trực quan, các chiến dịch truyền thông cũng được quan tâm triển khai.

Toàn tỉnh đã tổ chức 112 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất kết hợp lồng ghép tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán, kinh doanh vật tư nông nghiệp, thủy sản cho gần 4.895 lượt nông dân; tổ chức 11 lớp tập huấn lồng ghép phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cho 925 lượt chủ cơ sở, người phụ trách bếp ăn tập thể của các trường học, doanh nghiệp và cán bộ trạm y tế xã, thị trấn.

Đặc biệt, nét mới trong công tác tuyên truyền là đã đẩy mạnh xã hội hóa, gắn việc thực hiện chỉ tiêu về ATTP với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đã triển khai xây dựng nhiều mô hình đảm bảo ATVSTP. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phối hợp với người tiêu dùng và chính quyền các cấp tham gia giám sát thực hiện cam kết đảm bảo ATVSTP của các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tẩy chay các cơ sở không đảm bảo vệ sinh, các sản phẩm thực phẩm ô nhiễm, biến chất, đồng thời tố cáo các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, các sở, ban, ngành còn tổ chức tuyên truyền qua các tờ rơi, các trang thông tin, chiếu phim lưu động, tập huấn, hội thảo nhằm phổ biến kiến thức ATTP cho cán bộ quản lý các cấp, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhân dân. Trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh đã thực hiện thường xuyên những tin, bài, phóng sự thiết thực, tác động sâu sắc đến nhận thức của cộng đồng nhằm nâng cao ý thức thực hiện ATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, khẳng định đây không chỉ là vấn đề sức khỏe của con người mà còn là vấn đề nhân văn của những người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, tạo ra các sản phẩm hàng hóa, phục vụ nhu cầu, duy trì sự sống của con người.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP các cấp cần nâng cao trách nhiệm của mình trong công tác đảm bảo ATVSTP để củng cố niềm tin của người dân đối với thực phẩm hiện nay.

.

Cao Loan

.