(Congannghean.vn)-Thời gian qua, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh luôn được đảm bảo, duy trì, góp phần đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân; tạo môi trường ổn định phục vụ sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo của các cấp, ngành, địa phương.
Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thời gian qua cơ bản đảm bảo đúng quy định pháp luật và đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân |
Là một trong những lĩnh vực quan trọng, có tính đặc thù, công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác tôn giáo, tạo thuận lợi cho đồng bào các tôn giáo thực hành tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật. Nhờ đó, phần lớn các nhu cầu tôn giáo chính đáng, hợp pháp được giải quyết nhanh, các hoạt động vi phạm pháp luật được xử lý kịp thời. Tình hình hoạt động tôn giáo cơ bản ổn định, các sinh hoạt tôn giáo ngày càng đi vào nề nếp, tuân thủ pháp luật của Nhà nước, hài hòa giữa việc đời và việc đạo.
Đặc biệt, nhiều hoạt động từ thiện xã hội, tham gia xây dựng nông thôn mới theo hướng tích cực của các tôn giáo tại một số địa phương đã góp phần phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc; đồng thời, giữ vững ổn định chính trị, ANTT, phục vụ tốt sự phát triển KT-XH của tỉnh nhà.
Để hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng đi vào nề nếp và phục vụ nhu cầu của người dân cũng như sự phát triển địa phương, ngày 20/5/2017, Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 275 triển khai thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo số 02/2016/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 18/11/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Với những điểm mới cơ bản như: Mở rộng chủ thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; giảm thời gian công nhận tổ chức tôn giáo; bổ sung nội dung phong phẩm cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; được tập trung sinh hoạt tôn giáo riêng tại cơ sở tôn giáo hoặc tại địa điểm hợp pháp khác ở Việt Nam…, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được đánh giá là bước tiến mới, đảm bảo hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam tuân thủ pháp luật và phù hợp với xu thế hội nhập của thế giới.
Tại Nghệ An, đến nay, việc đưa Luật vào cuộc sống đã được thực hiện một cách đồng bộ thông qua việc phổ biến pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, cán bộ công chức làm công tác tôn giáo cấp tỉnh, cấp huyện trên toàn tỉnh, nhất là các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo. Cụ thể, đã tổ chức Hội nghị phổ biến Luật cho hơn 200 đại biểu là lãnh đạo chủ chốt và cán bộ công chức làm công tác tôn giáo cấp tỉnh, huyện; gần 800 chức sắc, chức việc của Phật giáo và 600 cán bộ làm công tác tôn giáo cấp huyện, cấp xã (chuyên trách và không chuyên trách).
Công tác tuyên truyền tuy được triển khai rộng khắp song vẫn còn những khó khăn, bất cập. Đơn cử như một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc tuyên truyền, phổ biến Luật, dẫn đến việc triển khai chậm, chưa rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, hình thức tuyên truyền ở cơ sở chưa thật sự phong phú do tôn giáo là lĩnh vực mang tính đặc thù. Liên quan đến tinh thần trách nhiệm, cá biệt có một số chức sắc, chức việc tôn giáo không tham dự Hội nghị phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; thậm chí còn có hành vi ngăn cản chức việc và giáo dân tham dự. Về khách quan, một số quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo hiện vẫn chưa đồng bộ với các luật khác, nhất là đất đai; một số nội dung lần đầu quy định nên việc áp dụng vào thực tiễn còn khó khăn, lúng túng.
Từ những thực tế trên, để Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng đi sâu vào cuộc sống, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên Luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo hướng ưu tiên người có uy tín trong cộng đồng dân cư, chức sắc, chức việc các tôn giáo nắm chắc Luật, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của người dân ở các vùng, miền, đặc điểm giáo lý, giáo luật, lễ nghi các tôn giáo và kỹ năng, phương pháp tuyên truyền. Thực hiện tốt giải pháp này không chỉ giúp mọi người hiểu rõ, thực hiện đúng mà còn góp phần xây dựng thói quen tự giác tìm hiểu, học tập và chấp hành Luật; qua đó, từng bước đưa hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo tính nề nếp và phục vụ tốt sự phát triển của địa phương.