9 tháng đầu năm, trong khi có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm số người chết vì tai nạn giao thông thì vẫn còn 14 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng, trong đó 5 tỉnh tăng trên 25%.
Ngày 2/10, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) đã có báo cáo tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) 9 tháng đầu năm 2014.
Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm, với những chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục có nhiều chuyển biến, nhất các đợt cao điểm trước và sau Tết Nguyên đán và trong đợt nghỉ Lễ 30/4 và 2/9; các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng, xe chở công-ten-nơ được kiềm chế, qua đó góp phần giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2014 (tính từ ngày 16/12/2013 đến 15/9/2014), toàn quốc xảy ra 18.697 vụ, làm chết 6.758 người, làm bị thương 17.835 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 3.164 vụ (-14,47%), giảm 282 người chết (-4,01%), giảm 3.945 người bị thương (-18,11%).
Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ từ ít nghiêm trọng trở lên xảy ra 7.581 vụ, làm chết 6.604 người, bị thương 4.380 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 378 vụ (-4,75%), giảm 272 người chết (-3,96%), giảm 513 người bị thương (-10,48%).
Ảnh minh họa |
Va chạm giao thông xảy ra 10.920 vụ, làm bị thương nhẹ 13.418 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 2.786 vụ (-20,33%), giảm 3.431 người bị thương (-20,36%).
Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 129 vụ, làm chết 111 người, bị thương 31 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 1 vụ (-0,77%), giảm 6 người chết (-5,13%), giảm 2 người bị thương (-6,06%).
Tai nạn giao thông đường thuỷ, xảy ra 57 vụ, làm chết 43 người, bị thương 6 người. So với cùng kỳ năm 2013 tăng 5 vụ (9,62%), tăng 6 người chết (16,22%), tăng 1 người bị thương (20%).
Tai nạn giao thông hàng hải, xảy ra 10 vụ tai nạn, không có người chết và bị thương. So với cùng kỳ năm 2013, giảm 4 vụ (-28,57%), số người chết và mất tích giảm 10 người.
UBATGTQG cũng cho biết, trong 9 tháng đầu năm, có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm số người chết vì TNGT, trong đó 11 địa phương giảm trên 20% số người chết là: Bắc Giang, Bắc Kạn, Ninh Thuận, Đà Nẵng, Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Phú Thọ, Đắk Lắk, Bình Dương, Đồng Tháp. Đặc biệt, có 2 tỉnh là Bắc Giang, Bắc Kạn giảm trên 30% số người chết vì TNGT.
Tuy nhiên, vẫn còn 14 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, trong đó 5 tỉnh tăng trên 25% là: Cà Mau, Kiên Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Vĩnh Phúc.
Cũng theo UBATGTQG, với sự chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, tình hình ùn tắc giao thông đã có nhiều cải thiện. Đặc biệt, với chủ trương nghỉ Tết sớm của Chính phủ và nghỉ lễ 4 ngày trong dịp 30/4 và 1/5; Quốc khánh 2/9 đã khiến lưu lượng và mật độ phương tiện lưu thông tại 2 thành phố giãn ra, không còn tình trạng ùn tắc cục bộ trong những ngày cận Tết như những năm trước. Tuy nhiên, trên một số tuyến quốc lộ còn xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài trong dịp sát Tết Nguyên đán, lễ kỷ niệm 30/4 và 1/5, như đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và các tuyến ra, vào thành phố Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1 tại khu vực Cầu An Hữu (Tiền Giang) và một số đoạn tuyến đang thi công.
Tuy nhiên, UBATGTQG cũng nhìn nhận, mặc dù số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng TNGT vẫn còn ở mức cao, TNGT trên địa bàn nông thôn gia tăng, còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe mô tô; TNGT đường thủy tăng; công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn một số những hạn chế, tồn tại.
Theo UBATGTQG, một trong những nguyên nhân chính của những hạn chế là do ở một số địa phương, đơn vị vẫn còn tình trạng nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng và vai trò trọng tâm, đột phá, tính lan toả của giải pháp “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” trong triển khai thực hiện chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa.
UBATGTQG cũng nhận xét, hạn chế về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin là rào cản kìm hãm chất lượng và hiệu quả của công tác đảm bảo TTATGT, đặc biệt là trong công tác quản lý, điều hành GTVT; kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải, đăng kiểm phương tiện, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe, hành vi của người tham gia giao thông; chủ yếu thực hiện thủ công, mức độ chia sẻ, kết nối về thông tin, dữ liệu còn hạn chế chưa đảm bảo khả năng giám sát, thu thập dữ liệu và báo cáo trực tuyến liên tục.
Bên cạnh đó, chất lượng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn, các công trình cầu treo, cầu dân sinh ở vùng sâu, vùng xa, miền núi... còn bất cập, công tác duy tu, bảo trì còn chưa được quan tâm đúng mức...
.