(Congannghean.vn)-Với nhiều giải pháp hiệu quả trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội và Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, kịp thời xử lý nhiều sự cố xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Cơ quan chức năng kiểm tra công tác PCCC tại các cơ sở |
Cụ thể, đã tổ chức 50 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC với 3.477 lượt người tham gia, cấp 3.477 giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC và mở 64 buổi tuyên truyền về PCCC. Với vai trò nòng cốt, lực lượng Công an phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng, đăng tải các video, clip cảnh báo nguy cơ cháy, nổ, tai nạn, sự cố, hướng dẫn người dân các biện pháp PCCC và thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra. Các cơ quan thông tấn, báo chí cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền với việc xây dựng chuyên mục PCCC phát sóng trên kênh truyền hình cấp tỉnh, huyện và hệ thống loa truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn, khu dân cư, chung cư, khu công nghiệp…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” và các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… Toàn tỉnh đã nhân rộng 27 điển hình tiên tiến tại các khu dân cư, khu công nghiệp, cơ quan, đơn vị, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; kịp thời giải quyết chế độ chính sách đối với người bị thương hoặc thiệt hại về tài sản khi tham gia chữa cháy, CNCH; động viên, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác PCCC&CNCH. Nhiều mô hình tự quản, mô hình liên gia, liên khu vực trong bảo đảm ANTT, an toàn PCCC được xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, các cấp, ngành đã chú trọng rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm yêu cầu về PCCC, nhất là trong quá trình lập dự án quy hoạch, cải tạo các khu dân cư, khu đô thị, khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Đặc biệt, trong thời gian qua, công tác thanh, kiểm tra về PCCC; điều tra, giải quyết các vụ, cháy, nổ đã được các cơ quan, đơn vị kiểm tra, giám sát chặt chẽ, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Theo đó, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra công tác PCCC tại 918 cơ sở, lập 89 biên bản vi phạm hành chính, xử phạt nộp ngân sách Nhà nước 242,85 triệu đồng; kiểm tra điều kiện an toàn PCCC cho 12 cơ sở, 135 lượt phương tiện vận chuyển chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ, cấp 135 giấy phép vận chuyển theo quy định.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCCC trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Tình hình vi phạm về PCCC tại các tòa nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất kinh doanh còn xảy ra; công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn trong kiến nghị, khắc phục tồn tại PCCC, đặc biệt đối với chung cư cao tầng đã có người dân vào cư trú, sinh sống… Trước thực tế nói trên, để quá trình thực hiện Quyết định số 630/QĐ-TTg đạt hiệu quả cao hơn nữa, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành, thị tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chủ trương, văn bản của Đảng, Chính phủ, Bộ Công an, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về PCCC&CNCH. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền về PCCC và chú trọng xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC. Đặc biệt, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục kiến thức PCCC&CNCH cho mọi tầng lớp nhân dân; duy trì công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và CNCH 24/24 giờ nhằm kịp thời tham gia xử lý hiệu quả các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra; không để xảy ra cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản…
.