Dự án Nhà máy Thủy điện Chi Khê đóng trên địa bàn xã Chi Khê, huyện Con Cuông đang trong giai đoạn thi công nước rút để về đích. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn còn vướng mắc, nhiều hộ dân vẫn tiếp tục khiếu nại vì chưa thống nhất được với nhà đầu tư về việc áp giá đền bù.
Vướng mắc đền bù GPMB
Nhà máy Thủy điện Chi Khê nằm trên thượng nguồn sông Lam, cao trình thiết kế mực nước 38 m, 2 tổ máy, công suất 40 MW với tổng mức vốn 1.370 tỉ đồng, do Công ty CP năng lượng Agrita - Nghệ Tĩnh làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ tháng 4/2014. Dự án nằm trên diện tích khoảng 500 ha, làm ảnh hưởng đến hơn 1.100 hộ dân của 4 xã, trong đó có 60 hộ dân phải di dời nhà cửa. Tuy nhiên, điều đáng nói là thời điểm này, khi công trình đang bước vào giai đoạn cuối của việc thi công, chuẩn bị tích nước hòa lưới điện, song việc đền bù vẫn chưa hoàn tất. Cho rằng chủ đầu tư áp giá quá thấp, nhiều hộ dân vẫn có đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng.
Dự án Nhà máy Thủy điện Chi Khê |
Gia đình ông Phan Văn Dần ở bản Châu Sơn, xã Châu Khê nằm trong diện phải di dời nhà cửa, vì vị trí hiện tại gia đình đang ở sẽ bị ngập khi nhà máy thủy điện tích nước. Ngày 5/2/2015, Hội đồng bồi thường GPMB huyện Con Cuông áp giá 13 triệu đồng cho diện tích hơn 611 m2 đất vườn liền kề nhà ông Dần (giá đất nông nghiệp, tương đương 22.000 đồng/m2).
Cho rằng, giá đền bù này là quá thấp, ông Dần không nhận tiền và khiếu nại đến cơ quan chức năng. Ngày 24/4/2016, Hội đồng bồi thường GPMB đã áp lại theo giá đất vườn, với số tiền gia đình ông này được nhận là 211.789.300 đồng. Cùng cảnh tương tự là hộ ông Đặng Văn Minh, mảnh vườn 939 m2 của ông đã cấp bìa đỏ. Từ năm 2005, hai con trai của ông lập gia đình, được bố mẹ cho dựng nhà ở trong vườn nhưng không làm thủ tục tách bìa đất. Do đó, khi làm thủ tục đền bù, Hội đồng bồi thường GPMB huyện Con Cuông chỉ làm thủ tục bồi thường cho ông Minh với giá bồi thường cho toàn bộ khu đất ở của 3 hộ là 170,9 triệu đồng. Cho rằng, mức giá này là quá thấp, ông Minh chưa nhận tiền đền bù.
Với những hộ dân đang bám trụ tại phần đất của mình, quyền lợi không được đảm bảo là vậy, song với những người đã nhận tiền đền bù và di dời đến chỗ ở mới, cuộc sống cũng rất bấp bênh vì chủ đầu tư không có chủ trương tái định cư cho bà con mà người dân chủ yếu tự di dời. Theo số liệu của UBND huyện Con Cuông cung cấp, tính đến thời điểm này, có khoảng 30 hộ dân đã tự di dời đến nơi ở mới, phần lớn đều gặp khó khăn khi phải tự túc xây dựng nhà cửa, tự kéo điện và lo nguồn nước sinh hoạt.
Nhiều “lình xình” quanh dự án
Liên quan đến vấn đề này, ông Lô Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông thừa nhận, việc người dân tự di dời nhà cửa mà phía chủ đầu tư thủy điện không bố trí tái định cư cho họ là đúng sự thật. Về việc có nhiều hộ dân đang khiếu nại, ông Thao cũng cho rằng, đến thời điểm hiện nay, huyện đang rà soát lại và tiếp tục thực hiện công tác đền bù GPMB vì mới đánh giá lại tác động môi trường. “Dự kiến còn 8 hộ nữa sẽ phát sinh phải di dời và chúng tôi sẽ đề nghị chủ đầu tư phải tái định cư cho dân chứ không thể để họ tự di dời nữa”, ông Thao cho biết thêm.
Về giá cả đền bù, đại diện lãnh đạo UBND huyện Con Cuông cho rằng, việc bồi thường GPMB được thực hiện theo Quyết định 54/2014 và Quyết định 58/2015 của UBND tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng mà số hộ bị ảnh hưởng quá nhiều, diện tích lớn nên có sai sót khi kiểm đếm, áp giá đền bù về tài sản trên đất, chứ giá các loại đất thì không sai. Sau khi kiểm tra lại khiếu nại của một số hộ dân thấy có cơ sở nên đang tiếp tục rà soát lại. Hiện, UBND huyện Con Cuông cũng đã có tờ trình kiến nghị UBND tỉnh có quyết định điều chỉnh lại giá đất phù hợp với thực tế, để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Liên quan đến Thủy điện Chi Khê, ngoài việc hơn 300 hộ dân khiếu nại liên quan đến đền bù GPMB, người dân đã “tố” luôn việc ông Lê Anh Đức, Phó Giám đốc Ban kinh doanh Công ty CP năng lượng AGRITA - Nghệ Tĩnh và một số người liên quan, trong quá trình thực hiện việc đo đạc, kiểm kê đất và tài sản đã thông đồng với các hộ kê khai thêm tài sản trên đất để “ăn chia”. Cụ thể, quá trình kiểm đếm, Đức đã gợi ý người dân kê khai thêm, sau đó số tiền dôi dư này sẽ “ăn chia”, một phần người dân được hưởng, phần còn lại “cán bộ Đức” bỏ túi. Ngay sau khi sự việc vỡ lở, phía Công ty CP năng lượng AGRITA - Nghệ Tĩnh đã cho nghỉ việc đối với ông Lê Anh Đức và một số người liên quan.