Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201504/huyen-tan-ky-khuat-tat-trong-viec-den-bu-du-an-duong-giai-xuan-tan-phu-604296/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201504/huyen-tan-ky-khuat-tat-trong-viec-den-bu-du-an-duong-giai-xuan-tan-phu-604296/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khuất tất trong việc đền bù dự án đường Giai Xuân - Tân Phú - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 26/04/2015, 08:11 [GMT+7]
Huyện Tân Kỳ

Khuất tất trong việc đền bù dự án đường Giai Xuân - Tân Phú

(Congannghean.vn)-Kiểm kê một đường, bồi thường một nẻo. Triển khai bằng miệng mà không có văn bản, không thành lập ban đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), đền bù theo kiểu cài răng lược. Huyện đổ lỗi cho xã, xã bảo do huyện chỉ đạo, đó là những điều “không giống ai” của dự án này.
 
Huyện nói một đường, xã kêu một nẻo
 
Ngày 29/7/2008, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 3315 về “Dự án đầu tư xây dựng đường giao thông liên xã Giai Xuân - Tân Phú”. Theo đó, điểm đầu đường tại UBND xã Giai Xuân, điểm cuối giao với Tỉnh lộ 545 thuộc địa phận xã Tân Phú. Chiều dài 8,388 km, quy mô đường giao thông cấp VI miền núi, chiều rộng nền đường 6 m, mặt đường 3,5 m, lề đường 1,25 m/bên. Tổng đầu tư 22.227.000.000 đồng từ nguồn vốn Nhà nước, giao UBND huyện Tân Kỳ làm chủ đầu tư.
Hồ sơ thể hiện những khuất tất trong đền bù dự án
Hồ sơ thể hiện những khuất tất trong đền bù dự án
Cuối năm 2010, các hộ dân bị ảnh hưởng được mời ra nhà văn hoá xóm, mỗi gia đình được cấp một bản kê khai để tự kê khai thiệt hại của hộ gia đình, cán bộ áp giá và thông báo ngay số tiền mà gia đình được đền bù. Một thời gian sau, người dân lại được thông báo số tiền đền bù thấp hơn số tiền cũ nhiều lần từ một bản kê khai mới.
 
Lý giải về vấn đề này, ông Vi Văn Quang, Phó phòng Công thương, thành viên Hội đồng GPMB cho biết: “Đầu năm 2010, không biết từ đâu, UBND xã Giai Xuân lại tự tổ chức kiểm kê hiện trạng tài sản, hoa màu của dân trong phạm vi mở rộng đường 14 m và gửi hồ sơ lên. Qua kiểm tra, tôi thấy việc áp giá đền bù quá lớn nên đã báo cáo lãnh đạo.  Huyện giao tôi kiểm kê lại hiện trạng theo thiết kế bản vẽ đã phê duyệt.
 
Cùng kiểm kê với tôi có ông Nguyễn Văn Liên, đại diện UBND xã Giai Xuân, nhà thầu Mạnh Trường, đến địa phận xóm nào thì có thêm cán bộ xóm đó và đại diện hộ gia đình bị ảnh hưởng. Tháng 12/2010, UBND huyện Tân Kỳ có Quyết định số 4234 phê duyệt phương án bồi thường với tổng kinh phí 1.632.584.000 đồng.  Dựa vào lần kiểm kê này, số hộ của xã Giai Xuân được đền bù là 202 hộ với tổng số tiền 1.070.479.000 đồng, xã Tân Phú 59 hộ với số tiền 530.105.000 đồng. Bản kiểm đếm do UBND xã lập trước đó bị loại bỏ”. 
 
Ngược lại, ông Nguyễn Duy Kết, Chủ tịch UBND xã Giai Xuân khẳng định: “Xã là địa phương được hưởng lợi,  huyện làm chủ đầu tư, nói sao thì xã làm theo vậy chứ không tự ý triển khai một vấn đề nào cả. Khi tiến hành, huyện đã xuống cùng xã lập hồ sơ đền bù GPMB lần 1. Sau đó, Phòng Công thương, Phòng Tài chính thấy số lượng lớn quá nên đã yêu cầu chủ đầu tư làm lại lần 2 rồi đưa xuống huyện phê duyệt. Năm 2012, huyện lên trực tiếp chi trả. Xã chưa bao giờ tự kiểm đếm hay phát tờ khai”. 
 
Còn ông Nguyễn Hữu Triển, Phó Chủ tịch UBND xã Giai Xuân thú nhận: “Khi triển khai áp giá đền bù trước dân thì không có văn bản mà chỉ thực hiện bằng miệng. Biên bản kiểm kê hiện trạng là do huyện cấp”.  
 
Để làm rõ vấn đề, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Hạ, Trưởng phòng Công thương, Chủ tịch Hội đồng GPMB, ông cho biết: “Hội đồng GPMB có 9 người nhưng không có quyết định thành lập. Trên thực tế, hội đồng này không hoạt động”. Gặp 4 trong số 9 người trên, gồm ông Nguyễn Bá Hoà, Nguyễn Văn Thanh, Trần Quang Cự, Vương Đình Quang thì họ đều khẳng định: “Chúng tôi chưa từng tham gia kiểm kê, GPMB đền bù dự án này. Còn việc vì sao có tên chúng tôi trong hội đồng thì không rõ”.
 
Đền bù theo kiểu cài răng lược
 
Qua khảo sát cho thấy, chỉ riêng đoạn đi qua xóm Vạn Long đã có hàng chục hộ gia đình, nhà cửa cách đường từ 2 - 4 m vẫn được đền bù, điển hình như hộ Đào Thị Hoa, Đào Văn Nghĩa, Hoàng Văn Tương, Hoàng Nhật Minh, Nguyễn Thị Hường, Dương Văn Thanh, Nguyễn Thị Hải, Hoàng Văn Dương… Ngược lại, nhiều hộ ở sát ngay cạnh đường lại không nhận được gì.
 
Có trường hợp 3 ki-ốt nằm sát nhau, nhưng ki-ốt nhà ông Liên ở giữa nằm thụt sâu vào phía trong thì được đền bù 27 triệu đồng, trong khi ki-ốt ông Thắm và anh Hoàng Văn Dũng liền kề, sát mặt đường thì lại không được đền bù. Chị Thu (vợ anh Dũng) thắc mắc thì được trả 36 triệu đồng. Nhiều hộ gia đình khác được trao tay số tiền vài triệu đồng nhưng không có giấy tờ. Có trường hợp có người đi miền Nam không về nhưng vẫn có chữ ký trong biên bản đền bù như xóm trưởng cũ Mai Văn Tân.
 
Những điều bất hợp lý
 
Rõ ràng, việc quy định thành lập các ban, các tổ chức để thống kê đền bù cho người dân là chưa đúng trình tự, thủ tục quy định. Về nguyên tắc, khi thực hiện một dự án, Chủ tịch UBND huyện hoặc Phó Chủ tịch là trưởng ban GPMB, nhưng trong dự án trên lại là ông Nguyễn Văn Hạ, như vậy là cơ cấu sai thành phần. Hội đồng này được thành lập nhưng không hề có quyết định lại là việc chưa từng xảy ra. Ban bồi thường GPMB gồm 9 thành viên không hoạt động và lạ lùng thay, danh sách đền bù lại dựa vào sự kiểm đếm của các thành viên không có tên trong hội đồng.
 
Một dự án lại có 2 biên bản kiểm kê hiện trạng vào hai thời điểm, với hai biểu mẫu khác nhau và hai mức giá đền bù lệch nhau. Nghiêm trọng hơn, bản kê khai cũ không được trả lại cho dân để huỷ đi. Đến nay, ai đã cung cấp biên bản kiểm kê hiện trạng cho các xóm, ai ra lệnh cho UBND xã công bố số tiền đền bù thiệt hại lần 1 vẫn chưa tìm ra. Vì sao những hộ không bị ảnh hưởng vẫn được đền bù, số tiền thất thoát của Nhà nước là bao nhiêu, ai thu hồi lại, ai phải chịu trách nhiệm thì vẫn chưa được làm rõ.
.

Nguyễn Trưng

.