(Congannghean.vn)-Trước tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt gia tăng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, Công ty Thông tin tín hiệu đường sắt Vinh đã có nhiều giải pháp thiết thực trong việc nâng cấp, lắp đặt hệ thống tín hiệu cảnh báo tự động, nhằm tăng cường đảm bảo an toàn trong quá trình chạy tàu, phục vụ nhu cầu chuyên chở hàng hóa cũng như đi lại của nhân dân.
Thời gian qua, tình hình trật tự ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung diễn biến phức tạp, trong đó có đến 85 - 90% các vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại các điểm giao cắt đường sắt và đường bộ (đường ngang), nhất là đường ngang dân sinh. Tại Km 309+500 tuyến đường sắt Bắc - Nam thuộc khối 4, thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc, chỉ trong 3 tuần tháng 7/2015 đã xảy ra 2 vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng, khiến 2 người tử vong.
Hiện nay, hệ thống tín hiệu cảnh báo đường ngang chủ yếu vẫn sử dụng phương pháp thủ công |
Qua đó có thể thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các vụ tai nạn đường sắt trước hết xuất phát từ ý thức của người dân, không chấp hành các quy định về TTATGT khi vượt qua đường sắt cũng như vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Nghiêm trọng nhất là tình trạng, dù đoàn tàu đang đến gần, một số người dân vẫn bất chấp tính mạng, phóng xe băng qua mặc cho còi báo hiệu đã vang lên, nhân viên gác chắn đã kéo barie. Bên cạnh đó, các đường ngang dân sinh được mở quá nhiều nên không được phòng vệ về độ dốc, tầm nhìn, đèn báo hiệu, biển báo…, từ đó gây ra hậu quả khôn lường.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty Thông tin tín hiệu đường sắt Vinh cho biết: Để giảm thiểu các vụ TNGT tại các đường ngang, đảm bảo TTATGT đường sắt, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT đường sắt đến người dân; phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát, xử lý các sai phạm, xóa bỏ các đường ngang bất hợp pháp, ngành đường sắt đã có nhiều biện pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng hệ thống tín hiệu đường sắt; đặc biệt là nâng cấp thành những đường ngang có cảnh báo tự động.
Thực tế hiện nay cho thấy, tại các vị trí giao cắt đường sắt với đường bộ, hầu hết vẫn sử dụng phương pháp cảnh báo thủ công (người gác phòng vệ đường ngang bằng giàn chắn, cần chắn), bật chuông, đèn, cắm biển báo nhưng không có người gác, vì vậy, TNGT vẫn có thể xảy ra. Bắt đầu từ ngày 13/5/2015, Công ty Thông tin tín hiệu đường sắt Vinh đã phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam nghiên cứu lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống cảnh báo tự động dùng công nghệ GPRS đầu tiên tại đường ngang Km 259+240 thuộc địa bàn xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu.
Đây là đường ngang quản lý từ xa và thông qua mạng máy tính kết nối dữ liệu GPRS truyền thông tin đến thuê bao di động, kịp thời thông báo toàn bộ hành trình, diễn biến được camera ghi lại 24/24 giờ tại đường ngang cảnh báo tự động, có tác dụng hỗ trợ cho công tác quản lý, duy tu và sửa chữa thiết bị thông tin tín hiệu đường sắt, từ đó đảm bảo an toàn trong quá trình tàu chạy. Công ty Thông tin tín hiệu đường sắt Vinh đã lắp đặt 1 bộ cần chắn tự động và 1 bộ giàn chắn điện bán tự động tại đường ngang ở huyện Quỳnh Lưu và TP Vinh.
Thời gian tới, sẽ tiếp tục lắp đặt thêm 12 cần chắn tự động và 10 bộ giàn chắn điện bán tự động trên địa bàn quản lý đường sắt Nghệ An - Hà Tĩnh. Việc lắp đặt bộ cần chắn tự động và giàn chắn điện bán tự động góp phần đảm bảo ATGT tại các điểm có đường ngang dân sinh đi qua đường sắt. Điều này cũng góp phần giảm bớt nhân lực tại các điểm gác chắn để tăng cường bố trí thêm cho các điểm cảnh giới đường ngang, đường dân sinh có mật độ phương tiện giao thông lớn, tầm nhìn hạn chế, ảnh hưởng đến sự an toàn trong quá trình tàu chạy. Đồng thời, Công ty cũng đã thành lập Trung tâm giám sát hoạt động cảnh báo tự động đường ngang, giúp theo dõi, kiểm tra và xử lý kịp thời, đảm bảo tính ổn định xuyên suốt của hệ thống tín hiệu.
Ông Nguyễn Văn Hưng cũng cho biết thêm: Hiện nay, công tác đảm bảo ATGT đường sắt vẫn còn một số bất cập. Trong đó phải kể đến việc phối hợp giữa Công ty Thông tin tín hiệu đường sắt Vinh với chính quyền địa phương ở nhiều nơi vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ. Trước thực trạng trên, đòi hỏi phải có sự chung tay phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân. Như vậy, công tác đảm bảo ATGT đường sắt mới thực sự đạt hiệu quả.