Bài 2: Khó khả thi
(Congannghean.vn)-Những năm qua, các tệ nạn liên quan đến ma túy, mại dâm, người nhiễm HIV đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều gia đình và cũng là mối quan tâm chung của toàn xã hội. Công tác cai nghiện và quản lý người nghiện sau cai nghiện ma túy, đối tượng bán dâm còn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ tái nghiện cao cùng với “bài toán” về việc làm cho các đối tượng này đang đặt ra nhiều thách thức, cần có biện pháp tháo gỡ kịp thời.
Thực hiện quyết định của Chính phủ về tín dụng đối với gia đình và những đối tượng trên, Nghệ An là một trong 15 tỉnh, thành trong cả nước được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Chính sách - Xã hội Việt Nam chọn làm thí điểm để triển khai. Thế nhưng, để chủ trương này thực sự đi vào cuộc sống, hiện còn gặp rất nhiều khó khăn.
Chính sách tín dụng vốn theo Quyết định 29 (có hiệu lực từ ngày 15/6/2014) đến nay đã được 1 năm, song trong quá trình triển khai đã gặp không ít khó khăn, bất cập, thậm chí có nội dung thiếu khả thi, khó thực hiện, khiến các cấp, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước lúng túng.
Ngoài sự quan tâm của cộng đồng, việc người nghiện sau cai có nguồn vốn để phát triển kinh tế là điều rất cần thiết |
Ông Hoàng Sơn Lam, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An cho biết: Nghệ An là địa phương nằm trong tốp 15 tỉnh mà Trung ương chọn làm thí điểm triển khai. Tuy nhiên, đến nay, sau 1 năm, trên toàn tỉnh chưa có trường hợp nào được “tiếp cận” vốn vay. Nguyên nhân là do nguồn vốn Trung ương chưa được phân bổ và kể cả danh sách các trường hợp đủ điều kiện phê duyệt từ xã, huyện mà Sở LĐ-TB&XH chuyển sang cho Ngân hàng để hoàn thành quy trình, thủ tục cho vay.
Đối tượng và điều kiện để vay vốn đối với người vay là các cá nhân gồm: Người nhiễm HIV đã có kết quả xét nghiệm của cơ sở xét nghiệm đủ điều kiện khẳng định là trường hợp nhiễm HIV dương tính; người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế có thời gian điều trị ổn định từ 3 tháng trở lên, có xác nhận của người phụ trách cơ sở điều trị; người bán dâm hoàn lương phải có xác nhận về việc không còn bán dâm của Chủ tịch UBND cấp xã (hoặc người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội có tư cách pháp nhân). Ngoài các điều kiện trên, tất cả các đối tượng phải đáp ứng các yêu cầu như: Cư trú hợp pháp và sinh sống ổn định tại địa phương vay vốn; có phương án sản xuất, kinh doanh và có khả năng trả nợ theo cam kết; là thành viên Tổ tiết kiệm - vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Bà Nguyễn Thị Hường, Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội Sở LĐ-TB&XH cho biết: Mặc dù chính sách đã được “khởi động” sau 1 năm nhưng đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể triển khai thực hiện. Nguyên nhân là do “vấp” phải những trở ngại ngay từ ban đầu về quy định đối tượng, điều kiện cho vay, kể cả đối với cá nhân và hộ gia đình.
Cụ thể, với trường hợp người nghiện, người nhiễm HIV và bán dâm hoàn lương thì yêu cầu bắt buộc là phải có phương án sản xuất, kinh doanh và có khả năng trả nợ. Nghĩa là khi đối tượng vay vốn đến trình cơ quan cấp xã (thông qua Tổ tiết kiệm - vay vốn), phải trình bày được cụ thể: Vốn vay đó được sử dụng vào mục đích nào?. Đối chiếu với thực tế, nhận thấy rằng, đời sống vật chất của hầu hết người nghiện, nhiễm HIV sau thời gian nghiện và sau cai vốn đã khó khăn, nay có tiền vay thì họ khó có thể “sử dụng đúng mục đích” là để kinh doanh, sản xuất mà số tiền trên chỉ đủ đáp ứng nhu cầu ăn, mặc thường ngày.
Hay như việc để xác nhận đối tượng bán dâm đã thật sự hoàn lương chưa là rất khó, bởi các đối tượng này thường “hành nghề” không nơi cư trú mà có sự biến động, nghĩa là người nơi này có thể đi địa phương khác; người ở nơi khác lại đến nơi này để hành nghề mại dâm. Do đó, theo quy định, để Chủ tịch UBND xã xác nhận đối tượng bán dâm vốn đã khó, chứ chưa nói đến việc xác nhận đối tượng bán dâm đã hoàn lương hay chưa. Còn với đối tượng bị nhiễm HIV, vì các đối tượng này đang sử dụng các phác đồ điều trị từ các cơ sở y tế, được nơi đây giữ bí mật về nhân thân nhằm tránh sự kỳ thị nên việc áp dụng chính sách trên cũng gặp nhiều khó khăn. Khi tiếp cận vốn vay, họ phải công khai việc mình bị nhiễm HIV, vì vậy, để Chủ tịch UBND xã xác nhận cho đối tượng này là không hề dễ.
Sau những năm tháng “sống chung” với các tệ nạn xã hội, trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng, để các đối tượng trên có nguồn vốn vay nhằm cải thiện đời sống là việc làm rất cần thiết và ý nghĩa. Song, các quy định “khắt khe” cộng với sự vào cuộc của chính quyền cơ sở còn hời hợt và những rủi ro trong quá trình triển khai là những rào cản khó giải quyết trong quá trình thực hiện chủ trương này.
.