(Congannghean.vn)-Từ ngày 1/1/2013, quy định các hộ nấu rượu nhỏ lẻ, các làng nghề nấu rượu truyền thống phải đăng ký với chính quyền địa phương nơi sản xuất, phải được chính quyền cấp huyện trở lên cấp giấy phép và khi lưu hành trên thị trường phải có tem, nhãn mác theo quy định tại Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm Nghị định có hiệu lực thi hành, tình trạng sản xuất, kinh doanh rượu thủ công vẫn diễn ra tràn lan, chưa thể quản lý.
Mỗi ngày bà Oanh cho ra lò 6 - 7 lít rượu gạo nhưng không thực hiện đăng ký cấp phép sản xuất, kinh doanh do đầu ra không ổn định |
Theo đó, Nghị định 94/2012/NĐ-CP quy định về sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu và cồn thực phẩm bao gồm: Đầu tư, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán và các hoạt động khác liên quan đến sản xuất, kinh doanh. Trong đó, rượu thuộc nhóm hàng hoá mà Nhà nước hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu (phân phối, bán buôn, bán lẻ) phải có giấy phép, trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại. Từ 1/1/2014, sản phẩm rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước lưu hành trên thị trường phải được dán tem (Điều 15 -Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Văn bản Nhà nước quy định chặt chẽ, rạch ròi là vậy song thực tế, việc thực hiện quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công lại không hề đơn giản chút nào!
Bà Phạm Thị Oanh trú tại xóm 9, xã Nghi Ân, TP Vinh là một trong những hộ gia đình nấu rượu thủ công thường xuyên và nhiều nhất xóm cho biết: “Nghi Ân có phong trào nấu rượu từ xa xưa, rượu nấu Nghi Ân nổi tiếng về chất lượng và được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, số lượng hộ nấu liên tục, thường xuyên như gia đình tôi (mỗi ngày một nồi rượu) thì không nhiều.
Người dân ở đây chủ yếu tranh thủ nấu rượu lúc nông nhàn hoặc tận dụng các sản phẩm nông nghiệp để nấu rượu phục vụ nhu cầu trong gia đình là chủ yếu”. Khi chúng tôi hỏi về việc thực hiện đăng ký sản xuất, kinh doanh rượu theo Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý rượu thủ công thì bà Oanh cho rằng, khó có thể thực hiện được việc này. “Bởi, người dân ở đây nấu rượu từ lâu đời nhưng chủ yếu là tự phát theo hộ gia đình, tận dụng phụ phẩm của rượu để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mặt khác, rượu nấu chủ yếu phục vụ nhu cầu trong gia đình hoặc biếu tặng, bán cho bạn bè, người thân chứ không có đầu ra ổn định. Vì vậy, nếu buộc phải đăng ký theo quy định thì chúng tôi sẽ bỏ nghề. Mỗi nồi rượu ủ mất 15 ngày, nấu mất 3 tiếng mới được 6 - 7 lít rượu, trừ chi phí thì lời lãi thu về không đáng là bao nên nếu phải thực hiện quy định này thì chắc sẽ không ai làm nữa?!”, bà Oanh cho biết thêm.
Cũng theo Nghị định 94/2012/NĐ-CP, việc kinh doanh rượu thủ công phải đăng ký và rượu phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (có dán tem, nhãn mác - P.V) và không được bán rượu cho người dưới 18 tuổi… Tuy nhiên, qua tìm hiểu tại một vài cửa hàng tạp hóa trên địa bàn TP Vinh, đa số người bán hàng cho rằng, mỗi lít rượu chỉ lời được vài nghìn đồng mà phải đăng ký kinh doanh thì sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện. “Chúng tôi chỉ kinh doanh nhỏ lẻ, khi khách đến mua hàng thì bán, chứ không có quyền kiểm tra chứng minh nhân dân của khách hàng để biết họ đã đủ 18 tuổi hay chưa”, một chủ cửa hàng cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Trúc, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Ân cho biết: “Qua thống kê, trên địa bàn xã hiện nay có gần 400 hộ gia đình nấu rượu nhưng chưa có hộ nào đăng ký sản xuất, kinh doanh rượu thủ công. Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động về việc thực hiện theo Nghị định 94/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND TP Vinh nhưng thực sự rất khó khăn”. Đây cũng là băn khoăn của ông Võ Trọng Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc. Theo ông Tĩnh, người dân nấu rượu thủ công theo kiểu tự cung, tự cấp nên để thực hiện đăng ký sản xuất, kinh doanh, e rằng sẽ khó thực hiện và việc này chỉ nên áp dụng đối với các làng nghề, các cơ sở sản xuất kinh doanh tập trung.
Thực tế cho thấy, phần lớn rượu thủ công lưu hành trên thị trường hiện nay đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trong đó có không ít trường hợp kẻ gian trộn lẫn cồn với các hóa chất độc hại tạo thành rượu rồi đưa ra thị trường, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Do vậy, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh rượu thủ công hiện nay là việc làm vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, để Nghị định trên thực sự đi vào cuộc sống thì cần phải có những văn bản hướng dẫn cụ thể, phù hợp với thực tế từng địa phương và đặc điểm, tính chất, quy mô của từng loại hình sản xuất, kinh doanh rượu thủ công.
.