(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, sự phát triển kinh tế không đồng đều giữa thành thị và nông thôn đã kéo theo sự gia tăng của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm... Đáng chú ý là, tội phạm liên quan đến mua bán phụ nữ, trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến tư tưởng, tâm lý của người dân, đồng thời ảnh hưởng đến tình hình ANTT, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Theo thống kê của ngành chức năng, tại Nghệ An, trong năm 2014 đã phát hiện và xử lý 14 vụ mua bán gần 30 phụ nữ và trẻ em, với mục đích bán ra nước ngoài làm gái bán dâm. Trong đó, các cơ quan liên quan đã giải cứu 24 nạn nhân và 4 nạn nhân tự trở về.
Cơ quan tố tụng cũng đã tiến hành khởi tố, điều tra 14 vụ, 25 bị can. Cũng theo số liệu thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, đến hết năm 2014, toàn tỉnh có 168 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày khỏi địa phương mà chưa rõ nguyên nhân, nghi là nạn nhân của tội phạm mua bán người và đang được cơ quan chức năng tập trung điều tra, làm rõ.
Thời gian qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giải cứu và hỗ trợ kinh phí đưa về địa phương an toàn 26 trường hợp. Chính quyền các địa phương cũng đã kịp thời hỗ trợ cho nạn nhân các chế độ theo quy định của pháp luật để họ từng bước ổn định đời sống.
Nguyên nhân của tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến mua bán phụ nữ, trẻ em là do những khó khăn về kinh tế, thiếu việc làm, nhận thức về pháp luật và cuộc sống còn thấp, nhất là phụ nữ, trẻ em ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này rất tinh vi và khó phát hiện.
Công an huyện Con Cuông và các ban, ngành tổ chức truyền thông phòng chống mua bán người cho người dân xã Lục Dạ |
Trong đó, thủ đoạn phổ biến là lợi dụng các mối quan hệ sẵn có để dụ dỗ các phụ nữ và trẻ em ở các vùng nông thôn nghèo, có trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu việc làm…, với những lời “đường mật” như hứa sẽ tìm việc làm nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi, ở thành thị với mức lương cao. Sau khi “đối tác” đã tin theo, chúng tìm cách đưa nạn nhân ra biên giới bán cho các chủ chứa hoặc tổ chức tội phạm ở nước ngoài.
Đặc biệt, có những trường hợp, đối tượng phạm tội ban đầu cũng là nạn nhân của các phi vụ mua bán người nhưng khi được giải cứu về với gia đình, vì món lợi lớn trong khi lại nắm rõ “tường tận” các thủ đoạn nên đã trực tiếp dụ dỗ các phụ nữ và trẻ em ở địa phương mình để bán ra nước ngoài.
Cùng với đó, các đối tượng buôn người còn lợi dụng triệt để sự sơ hở trong chính sách pháp luật, nhất là trong lĩnh vực tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, hay bằng các con đường thăm thân, du lịch để cấu kết với các đối tượng khác, lừa gạt phụ nữ và trẻ em bán ra nước ngoài nhằm hưởng “hoa hồng” thông qua môi giới. Thực tế hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, hệ thống các trang mạng xã hội, trang cá nhân, các đối tượng đã bất chấp pháp luật, sự nhân văn và tính đoàn kết cộng đồng để “mời chào”, làm quen và vẽ ra các “viễn cảnh” về một cuộc sống sung sướng trên các trang mạng, điện thoại... để tạo sự tin cậy, từ đó cài bẫy, lừa nạn nhân rồi bán cho các chủ chứa.
Dự báo trong thời gian tới, trước những điều kiện khách quan và chủ quan, tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Nghệ An tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo nghiên cứu, nguyên nhân làm gia tăng tình trạng trên là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của các nước trên thế giới và khu vực, khiến cho đàn ông ở nhiều nước không có điều kiện để kết hôn với người trong nước.
Sự chênh lệch về giới tính ở các nước trong khu vực đã dẫn đến tình trạng đàn ông không hoặc ít có cơ hội xây dựng gia đình, từ đó phát sinh nhu cầu mua phụ nữ về làm vợ, phục vụ gia đình hay bóc lột sức lao động. Ngoài ra, ở các tuyến biên giới, tệ nạn mại dâm vẫn chưa được kiểm soát, kìm giữ, nhiều phụ nữ và trẻ em vô tình trở thành nạn nhân của các đối tượng buôn người vì mục đích khai thác sức lao động và bóc lột tình dục.
Thực tiễn cho thấy, điều kiện kinh tế ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, tình trạng thiếu việc làm vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Do vậy, nhiều người có nhu cầu tìm việc làm để tăng thêm thu nhập cho gia đình và bản thân đã trở thành “miếng mồi” béo bở để bọn tội phạm dụ dỗ, lừa gạt, sau đó bị lừa bán ra nước ngoài làm vợ bất hợp pháp hoặc trở thành gái mại dâm tại các động mại dâm ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội còn nhiều bất cập, sơ hở, nhất là trong quản lý người nước ngoài, quản lý hộ khẩu... Cùng với đó, hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành về phòng, chống mua bán người mặc dù đã được ban hành, song công tác tuyên truyền ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế do trình độ dân trí thấp, nhiều người còn không biết chữ, trong đó có cả phụ nữ... là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Để ngăn chặn tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em, cùng với việc khắc phục những bất cập, hạn chế trên, công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này rất cần được đẩy mạnh hơn nữa, để từ đó nâng cao ý thức cảnh giác, ngăn ngừa hiệu quả sự phát sinh của loại tệ nạn này.
Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác quản lý đối tượng, quản lý địa bàn; chú trọng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để phát hiện và ngăn chặn kịp thời khi có dấu hiện xuất hiện tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em, để cơ quan chức năng có biện pháp đấu tranh, xử lý.