(Congannghean.vn)-UBND huyện giải quyết vụ việc “lệch pha”. UBND xã ra quyết định trái luật. Thanh tra huyện không tra cứu kỹ các quy định của pháp luật, đẩy cuộc tranh chấp kéo dài triền miên. Hai nhà cháu ngoại ra sức tranh quyền thừa kế. Đó là những nguyên nhân khiến ngôi nhà tình nghĩa mà các doanh nghiệp, đoàn thể chung tay xây dựng làm nơi thờ liệt sỹ, mẹ liệt sỹ xuống cấp nghiêm trọng.
Quá trình tranh chấp
Cụ Võ Thị Nhuận trú tại xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ sinh được 2 người con, một trai và một gái. Lớn lên, anh Lại Ngọc Mai lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và hy sinh, chị Lại Thị Cần đi lấy chồng. Chồng chết, chị tái giá rồi sinh Trần Văn Kiệm và Trần Văn Liêm. Sau này, bà Cần sống với gia đình ông Kiệm và bà Nguyên (vợ ông Kiệm), còn cụ Nhuận sống với ông Liêm và bà Phượng (vợ ông Liêm). Năm 1999, doanh nghiệp Tám Tài xây dựng cho cụ Nhuận ngôi nhà tình nghĩa hai gian tại xóm 8, đây là khu vực trung tâm, nằm cạnh trụ sở UBND xã.
Ngôi nhà tình nghĩa do tranh chấp nay đã xuống cấp nghiêm trọng |
Cụ Nhuận về đây sống một thời gian nhưng do nhà này lại cách xa nhà ông Liêm ở xóm 4 nên ông đã làm đơn xin hỗ trợ tiền để làm một gian nhà khác trong vườn, đưa cụ Nhuận về để tiện việc chăm sóc. UBND xã cấp 8 triệu đồng cho ông Liêm làm nhà và cụ Nhuận tiếp tục về ở với ông Liêm. Khi cụ Nhuận lâm bệnh nặng, ông Liêm đưa cụ vào trạm xá điều trị nhưng do khó qua khỏi nên đã đưa cụ về nhà tình nghĩa ở xóm 8. Ngày 5/6/2001, cụ Nhuận qua đời. Ông Liêm, bà Phượng lập bàn thờ, thờ cúng cụ Nhuận và liệt sỹ tại nhà. Ngôi nhà tình nghĩa trả lại cho UBND xã làm kho chứa vật liệu. Năm 2005, ông Liêm qua đời, toàn bộ chế độ liệt sỹ, tử tuất, thờ cúng, góp suất tế lễ tại hai họ Lại và Võ đều do bà Phượng gánh vác.
Mãi đến 12 năm sau, vào tháng 7/2013, UBND huyện Tân Kỳ nhận được đơn của ông Kiệm và bà Nguyên ở xóm 1 phản ánh việc: Gia đình ông bà đã ở với cụ Nhuận và hương khói cho liệt sỹ Lại Ngọc Mai. Sau khi cụ Nhuận chết, UBND xã Nghĩa Bình lấy lại nhà tình nghĩa là trái luật. Nay đề nghị UBND huyện trả lại nhà cho gia đình ông.
UBND huyện đã thành lập đoàn thanh tra xác minh vụ việc và ngày 31/2/2013, ra Kết luận số 18 nêu rõ: “Việc UBND xã Nghĩa Bình đưa nhà tình nghĩa của cụ Nhuận vào quản lý sử dụng là không có cơ sở vì hồ sơ, tài liệu không khẳng định cụ Nhuận tự nguyện giao lại nhà và xã không có quyết định thu hồi. Giao UBND xã bàn giao lại di sản của cụ Nhuận cho dòng tộc và người đại diện các hàng thừa kế theo pháp luật của cụ Nhuận. Gia đình ông Kiệm bà Phượng và dòng tộc cụ Nhuận phải họp mặt để thoả thuận thực hiện việc uỷ quyền thờ cúng cụ và liệt sỹ. Nếu không thống nhất thì đề nghị toà án giải quyết”.
Thực hiện kết luận này, ngày 26/2/2014, ông Kiệm, bà Nguyên, bà Phượng và dòng tộc hai họ đã nhóm họp, do trưởng tộc Võ Đình Nhuần làm “chủ toạ”, trưởng tộc họ Lại là ông Nho làm “thư ký”, thống nhất: “Từ trước tới nay, bà Đậu Thị Phượng (cháu dâu) thờ cúng cụ Nhuận và liệt sỹ, trước đó trực tiếp phụng dưỡng cụ và hương khói cho liệt sỹ. Nay tiếp tục giao lại cho bà Phượng được quản lý, tu bổ nhà tình nghĩa để thờ cúng cụ Nhuận và liệt sỹ Mai”. Bà Nguyên không nhất trí nên đã gửi đơn lên thanh tra huyện, cho rằng: “Hàng thừa kế thứ hai chỉ còn ông Kiệm, vì vậy, phải giao nhà cho ông”.
Do xác định không đúng thành phần hàng thừa kế nên thanh tra huyện Tân Kỳ đã quyết liệt chỉ đạo, buộc UBND xã giao nhà cho ông Kiệm. Ngày 22/8/2014, UBND xã Nghĩa Bình đã có “Biên bản bàn giao nhà tình nghĩa” cho ông Kiệm nhưng nêu rõ “Ông Kiệm tiếp nhận ngôi nhà tình nghĩa để sử dụng vào mục đích thờ cúng cụ Nhuận và liệt sỹ. Không được sử dụng vào mục đích khác hoặc tự ý chuyển quyền sử dụng cho người khác không phải là hàng thừa kế theo quy định”.
Do nghĩ rằng “Giao cho ai cũng được, cốt là thờ cúng” nên họ tộc không có ý kiến gì. Tuy nhiên, sau khi được giao nhà, ông Kiệm lại không thực hiện việc thờ cúng mà tiếp tục làm đơn yêu cầu UBND xã phải làm lại nhà, làm lại giếng cho ông. 8 tháng qua, ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Quá bức xúc, dòng họ Võ, họ Lại, bà Phượng đã đồng loạt làm đơn gửi xã, huyện khẳng định “UBND xã giao nhà sai đối tượng vì ông Kiệm không phải là người độc nhất ở hàng thừa kế thứ hai. Nhà tình nghĩa phải giao cho người có tâm, có công là bà Phượng. Nếu hai bên không thống nhất thì giao cho hai họ để tu bổ thành khu tưởng niệm để bất cứ ai cũng được vào đó thắp hương, theo đạo lý uống nước nhớ nguồn, khi đó, ngôi nhà trở thành tài sản chung”.
Giải quyết trái pháp luật
Việc UBND huyện Tân Kỳ đứng ra giải quyết vụ việc ngay từ đầu đã bị “lệch”. Cụ Nhuận mất năm 2001, đến 2013, ông Kiệm mới làm đơn, huyện “giao cho hàng thừa kế”, trong lúc theo quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự thì “Thời hiệu đòi di sản thừa kế là 10 năm”, tức trong trường hợp này là đã quá 2 năm. Thanh tra huyện xác định, hàng thừa kế thứ 2 chỉ còn ông Kiệm lại càng sai. Theo Điều 633 BLDS “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết”.
Thực tế, cụ Nhuận qua đời năm 2001, lúc đó ông Liêm còn sống nên nghiễm nhiên ông Kiệm, ông Liêm được đồng thừa kế. Năm 2005, ông Liêm chết, lập tức các con ông được đẩy lên ngang hàng với ông Kiệm để hưởng “Thừa kế thế vị” từ bố theo Điều 677 BLDS. Việc phân định tài sản thừa kế phải do toà án quyết định, cơ quan hành chính chỉ can thiệp trong phần hoà giải. UBND xã Nghĩa Bình trước đây thu hồi nhà tình nghĩa là đúng vì cụ Nhuận đã được hỗ trợ làm nhà khác, ngôi nhà này bỏ hoang, đem vào phục vụ công ích chung là hợp lý. Tuy nhiên, do quy trình thu hồi không kín kẽ nên đã tạo điều kiện cho công dân lợi dụng để khiếu kiện.
Lời kết
Nhà tình nghĩa là tâm huyết của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nên có đưa ra toà, toà cũng không thể “chặt” ngôi nhà ra để chia. Vì vậy, nguyện vọng của hai dòng họ là giao lại nhà để toàn họ góp sức tu bổ làm nơi thờ cúng chung, để mọi người dân đến thăm viếng là hoàn toàn chính đáng. Đề nghị các ban, ngành liên quan cần nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc.
.