Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Việc sử dụng phần mềm, thiết bị theo dõi để nghe lén điện thoại, xem tin nhắn, ghi âm trộm từ xa... để theo dõi người khác diễn ra khá phổ biến trong thời gian gần đây, đặc biệt là vụ việc theo dõi hơn 14.000 điện thoại mới được phát hiện. Việc làm này gây ra rất nhiều hệ luỵ và bức xúc cho người sử dụng điện thoại. Đề nghị Phòng Tư vấn pháp luật & Bạn đọc Báo Giáo Dục Việt Nam cho biết pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào?
Điều 21 Hiến pháp về Quyền đảm bảo an toàn và bí mật đối với thư tín, điện thoại, điện tín của công dân được quy định tại như sau: Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Quyền đảm bảo an toàn và bí mật đối với thư tín, điện thoại, điện tín được cụ thể hoá tại Điều 38 Bộ luật dân sự 2005 như sau: 1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. 2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. 3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ảnh minh hoạ |
Theo Điều 125 Bộ Luật hình sự hiện hành, người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Phạm tội nhiều lần; d) Gây hậu quả nghiêm trọng; đ) Tái phạm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.