(Congannghean.vn)-Sáng 17-3, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 2 Pháp lệnh mới, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23-12-2013.
CSCĐ là lực lượng luôn xung kích trên mặt trận phòng ngừa, trấn áp tội phạm |
Theo đó, 2 Pháp lệnh được công bố lần này gồm: Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (TAND) và Pháp lệnh Cảnh sát cơ động.
Xoay quanh nội dung Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn chỉ rõ, tại khoản 1, Điều 9, Pháp lệnh nêu: “Trong thời hạn quy định tại khoản 2, Điều 8 của pháp lệnh này, chánh án tòa án phân công thẩm phán xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Đối với việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, thẩm phán được phân công phải có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục và hoạt động phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật”.
Ông Nguyễn Sơn cho biết, chúng ta đã có những định hướng cụ thể đối với ngành tòa án về chủ trương bố trí, phân công những thẩm phán có kiến thức nhất định về tâm lý học cũng như khoa học giáo dục trong quá trình xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa.
Theo ông Sơn, điều này vốn xuất phát từ thực tiễn xét xử các vụ án hình sự mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên trong thời gian qua. Hiện, TAND Tối cao đang triển khai đề án thành lập tòa chuyên trách để giải quyết các vụ án hình sự có yếu tố hôn nhân, gia đình và người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Về trình tự, thủ tục, Phó Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh, việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án phải được thực hiện chặt chẽ nhằm bảo đảm tối đa quyền công dân. Bởi xử lý hành chính tại tòa cũng là một trong những biện pháp hạn chế quyền công dân đối với người có hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, thẩm phán sẽ triệu tập người bị xem xét xử lý hành chính và giám hộ của họ tới cuộc họp tại tòa án; kiểm sát viên để giám sát hoạt động tuân thủ pháp luật; các bên liên quan được trình bày, phát biểu ý kiến, quan điểm của mình và người bị xem xét xử lý hành chính cùng giám hộ của họ được mời luật sư tham gia vụ việc để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp. Tóm lại, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án gần giống với một phiên tòa hình sự. Trong khi đó, thời hạn tiến hành giải quyết vụ việc rất ngắn, chỉ với 15 ngày đối với vụ việc bình thường và không quá 30 ngày đối với những vụ việc phức tạp.
Cũng tại buổi Họp báo trên, Thượng tướng Bùi Văn Nam – Thứ trưởng Bộ Công an đã tóm tắt những nội dung cơ bản Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2014. Theo đó, văn bản quy phạm pháp luật này gồm 5 chương, 24 điều với những quy định chung là Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cảnh sát cơ động Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và sự quản lý, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an; tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; kết hợp chặt chẽ tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục với động cơ ngăn chặn, kịp thời trấn áp các hoạt động phá hoại an ninh, trật tự, an toàn xã hội; dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân và hệ thống chính trị, đồng thời chịu sự giám sát của nhân dân.
Về tổ chức, Thượng tướng Bùi Văn Nam cho biết, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động bao gồm lực lượng đặc nhiệm; lực lượng tác chiến đặc biệt; lực lượng bảo vệ mục tiêu và lực lượng huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ. Cảnh sát cơ động được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thủy, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng hiện đại. Nhiệm vụ trong tâm của lực lượng Cảnh sát cơ động là thực hiện phương án tác chiến chống hoạt động phá hoại an ninh, bạo loạn vũ trang, khủng bố, bắt cóc con tin, trấn áp tội phạm sử dụng vũ khí, giải tán các vụ gây rối, biểu tình trái pháp luật, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, cứu hộ, cứu nạn… Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện của cá nhân, tổ chức trong những tình thế cấp thiết.