Có những người ra đi đã trở về, có những người cố bám trụ để vớt vát những đồng tiền khó nhọc và không ít người vỡ mộng khi chưa đặt chân đến đất khách, quê người đã bị các lực lượng chức năng bắt giữ vì vượt biên trái phép. Và lúc đó, chân dung những đối tượng tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép bị bại lộ…
Đại tá Trần Việt Phúc - Phó Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Tĩnh cho biết, thời gian vừa qua, tình trạng người lao động nông thôn, nhất là các địa bàn vùng ven biển của các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh đi lao động trái phép ở nước ngoài tăng đột biến, làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Tĩnh vừa phối hợp với cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Lạng Sơn, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, Công an huyện Cẩm Xuyên điều tra, làm rõ các đường dây, ổ nhóm tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài trái phép nói chung và trốn sang Trung Quốc lao động trái phép nói riêng.
Ngày 18/8, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với BĐBP tỉnh Quảng Ninh bắt giữ Trần Thị Hạnh (SN 1969) ở Hà Tĩnh chuyên tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài. Theo lời khai của Hạnh, từ tháng 3 đến tháng 7/2013, Hạnh đã đưa 8 người sang nước ngoài lao động trái phép. Ngoài Trần Thị Hạnh, thời gian gần đây, cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố 3 đối tượng khác về tội “Tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài trái phép” gồm: Nguyễn Bá Long (SN 1988) trú tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ; Trần Văn Đồng (SN 1979) và Nguyễn Xuân Đức (SN 1982) đều ở Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Cán bộ Phòng ANĐT Công an Hà Tĩnh nghiên cứu tài liệu về các đường dây lao động “chui”
Tại Cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, đã tổ chức cho 35 người sang nước ngoài trái phép. Hiện nay, Công an Hà Tĩnh đang tập trung điều tra mở rộng vụ án, bóc gỡ các đường dây, ổ nhóm tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài trái phép để xử lý nghiêm minh trước pháp luật, nhằm ngăn chặn tình trạng đưa người trốn đi Trung Quốc, Ănggôla trái phép nói riêng và trốn đi các nước khác nói chung, để ổn định tình hình tại địa phương, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Chúng tôi gặp đối tượng Nguyễn Xuân Đức (SN 1982) ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên khi đang bị giam giữ tại Trại Tạm giam Công an tỉnh chờ ngày xét xử. Trông Đức trắng, thư sinh, hiền lành. Đức nói với chúng tôi trong nước mắt: “Em ân hận lắm”. Chúng tôi hiểu, giọt nước mắt muộn màng của Đức, một thanh niên mới bước qua tuổi 30, khi cánh cửa cuộc đời đang rộng mở phía trước, khi vợ Đức mới sinh cho anh ta một đứa con kháu khỉnh. Nhưng vì đồng tiền, vì mưu sinh, Đức đã làm một việc sai trái, vi phạm pháp luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đức kể: Trước đây, có làm việc cho công ty Trung Quốc đóng trên địa bàn Hà Tĩnh, có quen một số người bạn nước ngoài nên họ “nhờ” tìm lao động nên từ đó, Đức sa vào con đường này lúc nào không hay. Mỗi người Đức chỉ lấy chi phí đưa qua biên giới là 4 triệu đồng.
Với Trần Thị Hạnh cũng vậy, trước đây, Hạnh từng làm việc tại khu công nghiệp của một số tỉnh phía Nam, có quen một số người Trung Quốc, từ đó, Hạnh làm người cung cấp lao động trái phép cho các công ty Trung Quốc. Và, hầu hết những người Hạnh đưa đi đều là những ngư dân bám biển tại làng quê Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên. Hạnh phân bua rằng, cuộc sống miền biển khó khăn, vất vả, những người nông dân ở đây muốn có công ăn việc làm với thu nhập cao hơn để ổn định cuộc sống. Thế rồi, Hạnh lần lượt đưa họ sang bên kia biên giới. Người trở về, người còn ở lại, một số người bị Cảnh sát nước ngoài bắt giữ vì nhập cảnh trái phép. Cuộc sống của những người lao động “chui” vốn đã khó khăn ở quê nhà nay càng bất an hơn khi ở đất khách quê người.
Hai đối tượng trong đường dây tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài vừa bị
Công an Hà Tĩnh bắt giữ
Trong số danh sách những người nhập cảnh trái phép bị Cảnh sát Trung Quốc bắt giữ, có nhiều lao động của tỉnh Hà Tĩnh, như: Phạm Đình Lĩnh (SN 1976); Trần Đình Thông (SN 1994), Nguyễn Văn Thành (SN 1982), Lương Văn Thân (SN 1976), Nguyễn Văn Luyến (SN 1963), Nguyễn Đình Công (SN 1991) đều trú ở xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh…
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tình trạng lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do đời sống của người dân ven biển trong mấy năm gần đây gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm. Nguồn lao động ở địa phương khá dồi dào, nhưng phần lớn vẫn là lao động phổ thông, chất lượng lao động thấp nên chỉ đáp ứng được trong điều kiện làm việc nhất định. Hơn nữa, người lao động khó đáp ứng nếu đi bằng con đường xuất khẩu lao động (chính ngạch), vì phải đóng mức chi phí cao hơn, đòi hỏi phải có trình độ ngoại ngữ, tay nghề chuyên môn theo yêu cầu của người sử dụng lao động, nghiêm ngặt về giờ giấc, đi lại... nên một số người lựa chọn con đường “lao động chui”.
Nhưng trước hết, phải thấy rằng, vượt biên trái phép là vi phạm pháp luật, nhập cảnh trái phép cũng là vi phạm pháp luật. Vì lẽ đó, khi có tai nạn hay rủi ro xảy ra thì rất khó để chính quyền nước ta can thiệp hay bảo hộ cho người lao động vượt biên trái phép. Người lao động đến nơi đất khách, quê người có thể bị bóc lột sức lao động, chị em phụ nữ có thể bị bán vào những ổ mại dâm… và hàng loạt nguy cơ tiềm ẩn khác.
Có thể thấy, nhu cầu tìm việc làm để có thu nhập cao là hết sức chính đáng với người dân, nhất là với đồng bào vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đi lao động bằng cách vượt biên trái phép là hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó là hàng loạt các nguy cơ, hệ lụy kéo theo. Các cấp ủy, chính quyền cần vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, phối hợp với các lực lượng Công an, Đồn Biên phòng và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội kịp thời ngăn chặn số lao động xuất cảnh trái phép; đồng thời, thông qua số lao động đã trở về nước để kêu gọi số lao động đang sống và làm việc ở nước ngoài trở về. Kết hợp với việc tăng cường quản lý lao động tại địa phương. Sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu, đầu mối cho số lao động này có việc làm và thu nhập ổn định tại địa phương.
Đối với những lao động tự do đi theo kênh môi giới cần có biện pháp ngăn chặn, quản lý hộ tịch, hộ khẩu. Ngoài ra, tại các vùng biên, vùng giáp ranh, cần tăng cường quản lý chặt chẽ về an ninh hơn nữa để hạn chế tình trạng lao động vượt biên trái phép bằng con đường tiểu ngạch. Song, vấn đề cốt lõi vẫn là thay đổi nhận thức, để người lao động hiểu rằng, bản thân họ có thể “đổi đời” ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Điều 275: Bộ luật Hình sự quy định "Tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép".
1) Người nào tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 91 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
2) Phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.
3) Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
|
Xuân Lý - Đình Vũ
.