Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201306/29001-thay-gi-tu-viec-nguoi-dan-o-at-chat-pha-rung-o-quy-chau-404543/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201306/29001-thay-gi-tu-viec-nguoi-dan-o-at-chat-pha-rung-o-quy-chau-404543/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Thấy gì từ việc người dân ồ ạt chặt phá rừng ở Quỳ Châu - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 22/06/2013, 14:01 [GMT+7]
29001

Thấy gì từ việc người dân ồ ạt chặt phá rừng ở Quỳ Châu

Chúng tôi về xã Châu Bình khi việc người dân vào Lâm trường Cô Ba để chặt phá rừng đã giảm so với những ngày trước. Tiếp chúng tôi, chị Hoàng Thị Thương (37 tuổi, trú tại bản 3/2, xã Châu Bình) cho biết: Nhà có 4 miệng ăn nhưng không có lấy một tấc đất để canh tác nên từ nhiều năm qua, chị và chồng phải đi làm thuê bóc vỏ cây keo, đào hố trồng cây cho Lâm trường kiếm 80.000 đồng - 100.000 đồng/ngày. Không chỉ chị Thương mà hầu hết người dân nơi đây đều có chung kiến nghị khi họ không có mảnh đất nào để sản xuất, canh tác.
 
Ông Nguyễn Văn Thiện - Trưởng bản 3/2 cho biết: Bản có 230 hộ dân, trước đây bản có gần 3ha đất trồng lúa cho bà con sản xuất. Tuy nhiên, do Lâm trường phát rừng, nguồn nước cạn kiệt nên mấy năm qua không thể sản xuất được và đành bỏ hoang. Thậm chí những lạch ruộng nhỏ dân tự khai hoang, phía Lâm trường cũng cho người vào phát hết nên người dân không còn đất để canh tác. "Bí nên làm liều", bà con đã rồng rắn rủ nhau vào rừng chặt phá để kiếm thêm thu nhập".
 
 Ngành Kiểm lâm đã vào hiện trường thống kê thiệt hại ban đầu - Ảnh: Minh Trần
 
Theo thống kê của UBND huyện Quỳ Châu và Lâm trường Cô Ba, rừng bị tàn phá tại các Tiểu khu 200, 204 và 205 thuộc lâm phần do Lâm trường Cô Ba quản lý với diện tích rừng bị phá khoảng 10ha, tuy nhiên, rừng bị xâm hại ước tính từ 450 đến 500ha. Trước tình hình trên, đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác đã chỉ đạo UBND huyện Quỳ Châu, các đoàn thể cấp huyện, xã tổ chức đến các bản để tuyên truyền, vận động nhân dân không được chặt phá rừng trái pháp luật.
 
Tuy nhiên, đến sáng 14/6, một số người dân ở 6 bản của xã Châu Bình vẫn tiếp tục vào rừng để tự chia đất, làm mất an ninh trật tự ở địa phương. Đến cuối buổi chiều ngày 14/6, sau khi có sự chỉ đạo quyết liệt từ UBND tỉnh Nghệ An, tình trạng phá rừng, chiếm đất lâm nghiệp tại Lâm trường Cô Ba bước đầu được ngăn chặn.
 
Chiều 14/6, tại trụ sở UBND xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu đã tiến hành cuộc đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, huyện Quỳ Châu, xã Châu Bình với 17 trưởng bản của xã Châu Bình nhằm tìm ra phương hướng giải quyết nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Theo thống kê, trong tổng số diện tích 11.000ha của xã Châu Bình thì, diện tích Lâm trường Cô Ba quản lý lên đến hơn 7.200 ha. Hiện, toàn xã Châu Bình có 17 bản, gần 2.000 hộ dân và khoảng 8.000 nhân khẩu.
 
Trong khi đó, toàn xã có 1.800 ha đất có thể gieo trồng được, trong đó có khoảng 300ha đất hai lúa, 600ha đất trồng mía. Quỹ đất này quá ít ỏi so với nhu cầu sản xuất của người dân. Do diện tích đất có thể canh tác được quá ít nên hết vụ mùa, người dân đều phải đi làm thuê cho các Lâm trường. Công việc của họ cũng bấp bênh và phụ thuộc theo mùa vụ, bởi thế nên tỷ lệ hộ nghèo tại đây vẫn còn rất cao, chiếm trên 65%.
 
Tại buổi đối thoại với các trưởng bản, bà Lang Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho hay: “Trước nhu cầu về đất sản xuất của người dân đòi hỏi là chính đáng. Thời gian qua, UBND huyện cũng đã làm việc với tỉnh để chuyển một phần lâm phần Lâm trường Cô Ba cho dân.
  
 
 
 Tuy nhiên, hành động của người dân là chưa phù hợp. Để ổn định tình hình, bà Hồng cũng đề nghị Bí thư, Trưởng, Phó các bản làm tốt công tác tuyên truyền để người dân không chặt phá trong rừng. Song song với việc đó thì huyện và tỉnh sẽ thành lập tổ công tác để rà soát, thống kê, đề xuất giao lâm phần của Lâm trường cho người dân trong thời gian sớm nhất.
 
Bà Hồng cũng cho biết, việc người dân vào rừng chặt phá tràn lan không chỉ gây ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng, khi nền nhiệt độ tại Quỳ Châu đang cao và nếu xảy ra cháy rừng tại các khu vực này sẽ gây thiệt hại lớn đối với diện tích rừng ở Quỳ Châu.
 
Kết luận tại buổi họp, đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn phê bình chính quyền xã Châu Bình chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, khi đến nay mới chỉ có gần 800/2.000 hộ dân xã Châu Bình được cấp giấy CNQSDĐ.
 
Đồng chí cũng yêu cầu: Ngoài việc tuyên truyền người dân không vào rừng để chặt phá rừng, chiếm đất tự do thì tổ công tác của tỉnh, huyện, xã và Lâm trường Cô Ba sớm rà soát lại quỹ đất của Lâm trường để bàn giao cho chính quyền địa phương, giao đất ổn định lâu dài cho người dân theo tiêu chí khách quan, đúng đối tượng”.
Công an vào cuộc vụ phá rừng, chiếm đất Lâm trường Cô Ba
Sau khi xảy ra sự việc người dân ồ ạt vào Lâm trường Cô Ba phá rừng, chiếm đất, huyện Quỳ Châu đề nghị các cơ quan điều tra cần nhanh chóng tìm ra những kẻ đứng đầu xúi dục nhân dân phá và chiếm đất rừng trái pháp luật để xử lý, lập lại an ninh trật tự trên địa bàn.
Ngày 14/6, UBND tỉnh chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm huy động lực lượng, phối hợp Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (PC49) Công an Nghệ An và các cơ quan chức năng của huyện Quỳ Châu tiếp cận hiện trường để tuyên truyền, vận động người dân rời khỏi vùng rừng đã tàn phá. PC49 đã vào cuộc, điều tra nguyên nhân vì sao rất đông người dân phá rừng và xâm lấn đất của Lâm trường Cô Ba.

Châu Yên
.