Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201211/23891-vi-sao-chua-di-vao-thuc-tien-394445/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201211/23891-vi-sao-chua-di-vao-thuc-tien-394445/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Vì sao chưa đi vào thực tiễn? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 04/11/2012, 17:51 [GMT+7]
23891

Vì sao chưa đi vào thực tiễn?

Loại hình dịch vụ sử dụng xe môtô, xe gắn máy để vận chuyển hành khách và hàng hoá (thường được gọi tắt là xe lai, xe ôm) phát triển với tốc độ nhanh trong nhiều năm gần đây. So với những dịch vụ vận chuyển khác bằng các phương tiện xích lô hay taxi thì dịch vụ xe ôm có nhiều ưu điểm: Phục vụ nhanh do sự cơ động của đội ngũ lái xe; giá cả phải chăng.
 
Sự tiện dụng của dịch vụ xe ôm thể hiện rõ khi lưu thông trong điều kiện đường sá chật chội, nhiều ngõ ngách. Mặc dù vậy, do không được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động xe ôm trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập, làm phát sinh nhiều vấn đề khá phức tạp về mặt xã hội và trật tự an toàn giao thông.
 
Đặc biệt, là ở các khu vực nhà ga, bến xe, tình trạng tranh giành khách, ép giá xảy ra thường xuyên. Đó là chưa kể đến hiện tượng nhiều lái xe ôm còn phóng nhanh, vượt ẩu gây ra nguy hiểm cho bản thân, hành khách và cả người đi đường.
 
 
Cần sớm đưa loại hình dịch vụ xe máy lai đi vào hoạt động quy củ - Ảnh minh hoạ
 
Nhằm đưa hoạt động xe ôm vào quy củ, tại Thông tư 08/2009 có hiệu lực từ ngày 20/8/2009, Bộ GTVT quy định những người hành nghề xe ôm phải được cấp biển hiệu và trang phục do cấp tỉnh quy định để phân biệt với những người tham gia giao thông khác để dễ bề quản lý, những người hành nghề “chui” không có giấy phép hoạt động sẽ bị xử phạt.
 
Thông tư này tiếp tục được thể chế hóa trong Nghị định 34/2010 xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông đường bộ (GTĐB) do Thủ tướng Chính phủ ban hành và chính thức có hiệu lực từ 20/5/2010. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm áp dụng, dư luận xã hội, nhất là những người “trong cuộc” là các “bác tài” lái xe ôm đã tỏ ra hoài nghi, băn khoăn về mức độ hiệu quả của quy định.
 
Theo quy định, những người hành nghề xe ôm phải làm đơn xin kinh doanh vận tải hành khách gửi cơ quan chức năng để được xem xét, cấp giấy phép hành nghề. Đối với người có hộ khẩu thường trú, thời hạn hiệu lực của đơn được xác nhận là 1 năm; đối với người có giấy tạm trú, thời hạn hiệu lực của việc xác nhận đơn phụ thuộc giới hạn tạm trú nhưng tối đa không quá 1 năm. Vấn đề cần quan tâm ở đây là từ bấy lâu nay, hoạt động xe ôm diễn ra khá tự do.
 
Những người lái xe ôm ở các đô thị chủ yếu đến từ các vùng nông thôn, rất nhiều trong số đó không lưu trú trên địa bàn hành nghề. Địa bàn hoạt động lại thường không cố định nên việc cấp giấy phép hành nghề theo quy định trong tình thế này là rất khó khăn.
 
Ngoài ra, trong việc xin giấy phép hành nghề, nhiều người còn đặt ra câu hỏi: Liệu có phát sinh tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực từ “cơ chế xin - cho” với những khoản “lệ phí bất thành văn”? Trong khi, đa số những người xe ôm là những lao động nghèo, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập từ nghề lái xe ôm lại bấp bênh, không ổn định.
 
Một quy định khó thực hiện khác là việc quản lý giá vé xe ôm. Các địa phương sẽ ấn định các mức giá trần và yêu cầu lái xe không được lấy giá cao hơn mức giá đưa ra. Biện pháp này đưa ra được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng lộn xộn, ép giá của một số người hành nghề xe ôm bấy lâu nay.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, giá vận chuyển trong hoạt động xe ôm được thực hiện thông qua các giao dịch miệng, “thuận mua vừa bán” giữa người lái xe ôm và hành khách. Giá cả vận chuyển phụ thuộc vào độ dài của quãng đường và mức độ thuận lợi hay khó khăn trong lưu thông. Do vậy, rất khó xác định mức giá mà người lái xe đưa ra có “vượt khung” cho phép hay không?
 
Nghị định cũng quy định các chế tài xử phạt những trường hợp xe ôm vi phạm. Theo đó, những người hành nghề xe ôm chưa được cấp phép nhưng vẫn cố tình hoạt động hoặc hoạt động khi chưa đủ điều kiện sẽ bị lập biên bản và đình chỉ hoạt động trong 3 tháng. Những trường hợp tái phạm, ngoài việc xử lý vi phạm hành chính, người lái xe còn bị thu hồi đơn được phép kinh doanh và đình chỉ hoạt động 1 năm.
 
Tuy nhiên, việc xử phạt theo quy định trên là rất khó áp dụng bởi ngoài lực lượng xe ôm thường xuyên xuất hiện ở các khu vực bến xe, nhà ga là có thể dễ nhận ra, đội ngũ xe ôm khá hùng hậu hoạt động “nhảy cóc” ở các góc đường, hè phố là rất khó quản lý, xử lý. Quan sát trên đường rất khó dễ nhận ra ai là người đang hành nghề xe ôm, ai đang chở bạn bè, người thân…
 
Khi lực lượng chức năng kiểm tra, những người lái xe ôm không có giấy phép hành nghề không nhận làm nghề chở khách mà chỉ nhận là đang chở người quen thì không thể xử phạt họ được. Mặt khác, đặc thù của nghề lái xe ôm là hoạt động tự do, không theo giờ giấc cố định, tùy thuộc vào sức khoẻ của lái xe, có thể làm 1 buổi, làm cả ngày hoặc ngày nghỉ, đêm làm… nên rất khó khăn cho các lực lượng chức năng trong khâu kiểm tra, xử lý vi phạm.
 
Dù hoạt động tự do, từ lâu xã hội đã mặc nhiên thừa nhận hoạt động xe ôm là một nghề có tính chất dịch vụ trong lĩnh vực vận chuyển hành khách. Do đó, việc quản lý chặt chẽ, đồng bộ theo pháp luật loại hình dịch vụ có nhiều nét đặc thù này là hết sức cần thiết. Sự quản lý này cần tập trung vào việc tạo ra hành lang pháp lý cho người hành nghề xe ôm hoạt động có trật tự.
 
Có thể thực hiện thí điểm việc quản lý các tổ, đội xe ôm bằng hình thức tự quản hoặc xã hội hoá mô hình này trên cơ sở tự nguyện đăng ký là hội viên.
 
Những hội viên trong các tổ, đội xe ôm chuyên nghiệp này, bên cạnh nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ các quy định chung sẽ được hưởng những quyền lợi nhất định như: Được bố trí các điểm hành nghề thuận lợi, được đóng bảo hiểm xã hội... Trước mắt, cần quản lý chặt chẽ đội ngũ xe ôm ở các khu vực công cộng như: Nhà ga, bến xe, công viên…, vốn là những “điểm nóng” về tình trạng lộn xộn, tranh giành khách, ép giá thời gian qua.
 
Song song với việc quản lý bằng các biện pháp hành chính thì công tác tuyên truyền, phổ biến về đảm bảo an ninh trật tự và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng cho đội ngũ lái xe ôm vì chính lợi ích lâu dài của họ cũng là những việc cần được duy trì thường xuyên.

Bùi Minh Tuấn
.