(Congannghean.vn)-Diện mạo nhiều vùng quê “thay da đổi thịt”, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá cũng như đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao… Đó là những dấu ấn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đã gặt hái được qua gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).
Nhiều địa phương đã huy động tối đa sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới |
Tính đến ngày 15/10/2019, toàn tỉnh có 226/431 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 52,4%, trong đó có 4 xã thuộc huyện nghèo 30a, 2 xã biên giới, có 30 xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, 87 xã có đông đồng bào giáo dân. Số tiêu chí bình quân các xã đạt 16 tiêu chí/xã. Trong 10 năm xây dựng NTM, Nghệ An đã huy động được trên 30 nghìn tỉ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất... Kết quả trên thể hiện rõ nét sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ các cấp, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là nhân dân trong thực hiện phong trào thi đua “Nghệ An chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2010 - 2019. Trong đó, thành quả nổi bật phải kể đến việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực và có lợi thế. Thực hiện chương trình NTM, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 1.309 mô hình, trong đó có 763 mô hình đạt hiệu quả cao, được nhân rộng.
Nhằm tạo chuyển biến căn bản trong xây dựng NTM, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách mang tính đột phá nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực. Một trong số đó là chính sách hỗ trợ xi măng cho các địa phương làm đường giao thông. Sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tỉnh đã hỗ trợ gần 618 nghìn tấn xi măng cho các địa phương làm đường giao thông nông thôn. Toàn tỉnh đã làm được 3.430 km đường bê tông, qua đó tạo sự thay đổi rõ nét hệ thống giao thông vùng nông thôn. Cùng với đó, hệ thống thủy lợi được đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp. Các địa phương cũng tích cực thực hiện dồn điền, đổi thửa, đưa cơ giới vào sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, các tiêu chí về sức khỏe, đời sống văn hóa trong xây dựng NTM cũng ghi nhận nhiều kết quả quan trọng. Tại các vùng nông thôn toàn tỉnh, có trên 90% trạm y tế có bác sĩ; 100% nhân viên y tế thôn, bản đều đã qua đào tạo. Về giáo dục, mạng lưới trường học các cấp cũng được các địa phương vận dụng nguồn vốn lồng ghép để đầu tư xây dựng khang trang. Toàn tỉnh đã xây dựng được gần 1.050 trường học đạt chuẩn quốc gia. Cùng với đó, hệ thống thiết chế văn hoá ở cơ sở ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi để người dân thụ hưởng các hoạt động văn hóa văn nghệ...
Đặc biệt, xuất phát từ đặc thù có nhiều xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, việc xây dựng xã đạt chuẩn NTM gặp nhiều khó khăn nên tỉnh đã ban hành đề án xây dựng NTM ở khu vực biên giới. Đề án được thực hiện trên địa bàn 27 xã khu vực biên giới của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, UBND tỉnh còn ban hành quyết định về việc ban hành Bộ tiêu chí thôn bản NTM áp dụng trên địa bàn các xã miền núi giai đoạn 2017 - 2020 nhằm tạo thu nhập, sinh kế bền vững cho đồng bào miền núi. Qua 3 năm thực hiện chương trình NTM thôn/bản trên địa bàn 11 huyện miền núi, đã có 674 thôn/bản được UBND các huyện công nhận đạt chuẩn NTM. Còn trên địa bàn toàn tỉnh, qua 10 năm triển khai thực hiện chương trình NTM, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt trên 28,5 triệu đồng/người/năm, tăng 16,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2010; tỉ lệ hộ nghèo đầu năm 2011 là 18,79%, đến nay giảm còn khoảng 4%, ước cuối năm 2020 giảm còn 3%...
Trên nền tảng những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng NTM và xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; cơ bản hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn các xã, nhất là với những xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH.
Cùng với đó, chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; tăng cường tuyên truyền vận động hộ gia đình tham gia mua BHYT tự nguyện, tiến tới BHYT toàn dân vào năm 2030... Các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố, thị xã huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có điều kiện đầu tư vào nông thôn, khai thác tốt các nguồn thu tại địa phương, tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng thuộc nhóm không có hỗ trợ của Nhà nước...