Thứ Năm, 03/10/2019, 10:50 [GMT+7]

Khó khăn trong xây dựng chợ nông thôn

(Congannghean.vn)-Với sự quan tâm của tỉnh, trong thời gian qua, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp, ngày càng được cải thiện, dần dần đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển KT-XH gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) ở một số địa phương, tiêu chí về chợ vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Quy hoạch chợ phải gắn liền với nhu cầu, thói quen của người dân
Quy hoạch chợ phải gắn liền với nhu cầu, thói quen của người dân

Theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn là một trong các tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 4800/QĐ-BCT hướng dẫn thực hiện và xét công nhận Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn bao gồm chợ nông thôn hoặc cơ sở bán lẻ khác (siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp) đạt chuẩn theo quy định. Đối với các xã chưa có chợ do nhu cầu thực tế chưa cần đầu tư xây dựng chợ và trong quy hoạch chưa có chợ sẽ không xem xét tiêu chí trên. Chợ nông thôn cần đạt các tiêu chuẩn cơ bản như diện tích đất xây dựng chợ phải từ 3.000 m2 trở lên; diện tích nhà chợ chính tối đa hơn 40%; diện tích mua bán ngoài trời tối thiểu 25%; diện tích đường giao thông nội bộ dưới 25% và diện tích sân, cây xanh ít nhất 10%... Mỗi chợ nông thôn phải có tổ chức quản lý, nhà điều hành; nội quy chợ niêm yết công khai làm cơ sở hoạt động, xử lý vi phạm; sử dụng cân đối chứng, thiết bị đo lường để người tiêu dùng tự kiểm tra về số lượng, khối lượng hàng hoá; có hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Ý thức rõ vai trò của chợ đối với thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, Nghệ An phê duyệt Đề án phát triển chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, có tính đến năm 2025. Tỉnh đặt mục tiêu, đến năm 2020, toàn tỉnh có 477 chợ, trong đó có 22 chợ hạng 1, 64 chợ hạng 2, 358 chợ hạng 3. Trên cơ sở giữ nguyên 175 chợ đã được cải tạo nâng cấp, dự kiến xây mới 169 chợ (xây trên nền chợ tạm là 97 chợ, phát triển thêm 72 chợ vị trí mới) và cải tạo, nâng cấp, mở rộng 133 chợ, trong đó dự kiến có thêm 10 chợ đảm bảo tiêu chuẩn chợ an toàn thực phẩm. Đến năm 2025, toàn tỉnh có 535 chợ, trong đó có 1 chợ đầu mối, 22 chợ hạng 1, 65 chợ hạng 2, 447 chợ hạng 3. Trên cơ sở 477 chợ giai đoạn 2015 - 2020, xây mới 58 chợ và nâng cấp 20 chợ đảm bảo tiêu chuẩn chợ an toàn thực phẩm.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 405 chợ đang hoạt động, trong đó số chợ ở khu vực nông thôn, miền núi là 309 chợ. Tuy nhiên, chỉ khoảng một nửa trong tổng số chợ của tỉnh được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, các chợ còn lại cơ sở vật chất còn tạm bợ. Giai đoạn 2011 - 2015, mới có 105 chợ được xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo, đạt gần 28% so với quy hoạch; giai đoạn 2016 - 2018, xây dựng, nâng cấp được 38 chợ nông thôn. Tính đến hết năm 2018 có 323/431 xã đạt tiêu chí số 7, trong đó có 78 chợ được công nhận đạt chuẩn theo quy định của Bộ Công Thương. Nghệ An đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tỉnh phấn đấu có 370 xã đạt tiêu chí số 7, 286 xã đạt chuẩn NTM. Đây là một thách thức không hề nhỏ với địa phương vốn có đặc thù nhiều xã miền núi khó khăn.

Thực tế cho thấy, tại các địa phương, khó khăn lớn nhất chính là chủ trương xã hội hóa đầu tư kinh doanh khai thác chợ, mạng lưới chợ. Nguyên nhân chính là do không thu hút được các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn nông thôn miền núi do đầu tư vào địa bàn này không đạt mục tiêu hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và địa phương đầu tư cho các xã xây dựng chợ nông thôn còn hạn hẹp. Bên cạnh đó, chợ nông thôn sau khi xây xong đòi hỏi phải phát huy tối đa hiệu quả, công năng nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân và đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM của từng địa phương.

Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, tiêu chí thứ 7 trong xây dựng NTM ở Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn. Muốn giải quyết vấn đề này, ngoài sự chủ động của các địa phương trong thu hút đầu tư, thực hiện xã hội hóa, việc xử lý nghiêm các chợ tự phát, kinh doanh lấn chiếm vỉa hè là cơ sở để những chợ trong quy hoạch có điều kiện phát triển. Quá trình quy hoạch, xây dựng, sự tiện lợi của nhân dân là yếu tố hàng đầu để các chợ có thể trở thành điểm kinh doanh thuận tiện và thực sự vì lợi ích của bà con.

.

Tuệ Trang

.