Ngày 1/1, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo tàu vũ trụ New Horizons đã thực hiện chuyến bay xa nhất trong lịch sử khi tiếp cận được vật thể Ultima Thule ở Vành đai Kuiper.
Ultima Thule ở cách Mặt Trời 6,4 tỷ km và cách Diêm vương tinh 1,6 tỷ km, là vật thể xa nhất mà một tàu vũ trụ từng bay qua cho đến thời điểm này.
Quá trình quay video của chuyến đi là không thể do sẽ nó mất tới 6 giờ để truyền tín hiệu từ Trái Đất đến tàu vũ trụ và thêm 6 giờ nữa để nhận được phản hồi từ con tàu.
Ultima Thule không chỉ là vật thể xa nhất, mà thậm chí là cổ xưa nhất từng được con người phát hiện.
Vành đai Kuiper chứa hàng tỷ vật thể, bao gồm sao chổi, các hành tinh lùn như Sao Diêm Vương và vật thể như Ultima Thule. (Nguồn: NASA. |
Vật thể này đang ở trong tình trạng đóng băng sâu đến mức gần như bảo toàn nguyên dạng cấu trúc ban đầu.
Việc tiếp cận được vật thể này này mở ra hy vọng về việc tìm hiểu quá trình các hành tinh được hình thành. Kết quả này sẽ tạo điều kiện cho các nhà khoa học có cái nhìn rõ ràng hơn về hệ Mặt Trời.
Hiện các nhà khoa học cũng chưa rõ hình dạng cụ thể của Ultima Thule. Vật thể này đã được phát hiện năm 2014 với sự trợ giúp của kính viễn vọng không gian Hubble và được cho là có kích cỡ 19-32km.
Tàu thám hiểm sẽ chụp 900 bức ảnh trong quá trình bay qua Ultima Thule. Hình ảnh sớm nhất sẽ được gửi về trong 3 ngày tới.
Trước đó một ngày, tàu vũ trụ khác của NASA là OSIRIS-REx cũng lập kỷ lục khi đi lần đầu tiên đi vào quỹ đạo của tiểu hành tinh Bennu, vật thể nhỏ nhất có đường kính 500m.
Quỹ đạo nằm cách Trái Đất 110 triệu km này đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử nhân loại, bởi hiện chưa có tàu vũ trụ nào bay quanh được một vật thể nhỏ gần đến như vậy, với đủ trọng lực để khiến tàu di chuyển ổn định trong quỹ đạo.
Hai kỳ tích trên diễn ra đúng ngày kỷ niệm 50 năm lần đầu tiên con người khám phá được thế giới khác, khi tàu Apollo 8 lần đầu tiên đưa các nhà du hành vũ trụ Mỹ vào đến vùng tối của Mặt Trăng và trở về Trái Đất an toàn vào tháng 12/1968.