Trên thế giới có rất nhiều đập thủy điện công suất khổng lồ, nhưng khi nói về đập thủy điện lớn nhất với cảnh quan hùng vĩ thì đó chính là đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang ở Nghi Xương, thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, với tổng công suất lắp đặt lên đến 22.500 MW.
Quá trình thành lập
Đập Tam Hiệp được Trung Quốc xây dựng trong suốt 10 năm, bắt đầu từ năm 1994 và được mệnh danh là đập thủy điện lớn nhất thế giới. Đập chiếm toàn bộ vị trí hiện tại của khu vực Tam Hiệp, nằm giữa thành phố Nghi Xương (tỉnh Hồ Bắc) và Bôi Lăng (thành phố Trùng Khánh).
Con đập khổng lồ được thiết kế nhằm giảm nguy cơ lũ lụt trong mùa mưa bão, đồng thời tích trữ và điều hòa nước trong mùa khô.Ngoài ra, đập Tam Hiệp còn được thiết kế nhiều tuabin lớn, tân tiến với nhiều hứa hẹn cung cấp năng lượng sạch và hạn chế việc phát thải khí nhà kính. Nó cũng được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều giá trị to lớn về kinh tế - xã hội cho quốc gia và là biểu tượng xây dựng của Trung Quốc.
Tính đến ngày 31-7-2012, máy phát cuối cùng trong tổng số 32 máy phát điện của đập Tam Hiệp đã chính thức đi vào hoạt động, đưa Tam Hiệp trở thành dự án thủy điện quy mô và lớn nhất trên thế giới.
Mạnh ngang 15 lò phản ứng hạt nhân
Đập Tam Hiệp có chiều dài 2.355m, được làm hoàn toàn từ bê tông và thép. Cụ thể, người ta đã phải đào, di chuyển đến 102,6 triệu m3 đất để mở đường cho khoảng 27,2 triệu m3 bê tông và 463.000 tấn thép (chủ yếu cho thành đập), số lượng thép này ước tính đủ để xây dựng 63 tòa tháp Eiffel.
Đỉnh đập cao 185m trên mực nước biển. Thành đập cao 181m so với nền đá. Mực nước đập cao tối đa 175m so với mực nước biển, cao hơn mực nước sông ở hạ nguồn là 110m. Vùng hồ chứa trải dài tới 660km, rộng 1,12km và có thể tích lên đến 39,3km³ với tổng diện tích bề mặt hồ chứa là 1045 km². Với thể tích 39,3 km³, lượng nước trong hồ chứa sẽ có khối lượng lên tới 42 tỉ tấn.
Theo Global Times, việc đập Tam Hiệp sẽ giữ lại ít nhất 26.000 m³ nước mỗi giây và xả ra 43,000 m³ nước còn lại sẽ giúp giảm tác động của lũ lụt lên các lưu vực hạ lưu sông; đồng thời trữ nước hiệu quả cho mùa khô để phòng tránh hạn hán.
Việc đưa vào sử dụng các cửa cống tàu bè có thể sẽ làm tăng vận tải đường sông từ 10 - 50 triệu tấn hàng năm, với chi phí vận chuyển giảm khoảng 30 - 37%. Vận tải thủy cũng sẽ an toàn hơn, do các hẻm núi này đã rất lừng danh trong lịch sử về độ nguy hiểm cho vận tải. Chi phí xây dựng con đập lớn nhất thế giới này lên tới 22,5 tỷ USD. Theo tờ Global Times, với công suất điện lên tới 22.500 MW, đập Tam Hiệp mạnh ngang với 15 lò phản ứng hạt nhân.
"Góc khuất"
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn nhưng đập thủy điện Tam Hiệp cũng gây ra nhiều vấn đề “nan giải”, nổi cộm là những khó khăn trong việc tái định cư cho người dân và gây tác động xấu đến môi trường sinh thái. Những người ủng hộ xây dựng đập Tam Hiệp coi đây là một giải pháp hữu hiệu đối với tình trạng lụt lội từng tàn phá dọc theo sông Dương Tử, cải thiện giao thông thủy và cũng là một nguồn năng lượng sạch cho nền kinh tế.
Trong khi đó, những người chống lại đập thủy điện Tam Hiệp cho rằng, dự án này đã không được xây dựng trên những nghiên cứu đầy đủ về kỹ thuật, xã hội và môi trường. Sông Dương Tử từng ghi nhận tới 300 loài cá, nhưng hiện nhiều loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Để xây dựng đập, khoảng 1,4 triệu người dân đã buộc phải di dời đến chỗ ở mới, làm xáo trộn cuộc sống cũng như sinh hoạt của họ, đặc biệt là vấn đề việc làm. Không những thế, việc xây dựng đập thủy điện quy mô quá lớn còn gây nhiều ảnh hưởng tới địa chất của khu vực, gia tăng nguy cơ động đất, sạt lở đất...
Song sự mất mát lớn về văn hóa có lẽ là đáng tiếc nhất: các khu khảo cổ, di tích, đền và lăng tẩm đa số đã bị nhấn chìm. Một số đã được di chuyển nhưng còn rất nhiều thứ quý giá khác có thể không bao giờ được khám phá. Một trong những khu di tích quan trọng là đền Bạch Đế, toạ lạc ngay lối vào khu Ba Đèo.
Tòa nhà chính nằm ngay trên mực nước dự kiến của năm 2009, nhưng phần lớn công trình đã bị nuốt gọn bởi lòng nước hồ. Ngoài ra, việc xây dựng đập Tam Hiệp trên quy mô quá lớn còn có thể gây đầu độc nguồn nước, làm gia tăng nguy cơ bệnh tật, phá hủy môi trường sinh thái xung quanh và suy giảm sự đa dạng sinh học.
Trước đó, các nhà khoa học đã từng cảnh báo về việc trọng lượng "quá tải" của khu vực trữ nước có thể gây biến đổi địa chất ở vùng trung tâm Trung Quốc với nhiều ảnh hưởng khó lường.
Khiến trái đất chậm lại
Mới đây, một báo cáo được đăng tải trên trang Futurism chỉ ra rằng khối lượng nước khổng lồ này đủ để làm thay đổi chuyển động quay, làm lệch cực từ và biến đổi hình dạng vỏ trái đất.
Theo nghiên cứu, nếu sự dịch chuyển của 42 tỉ tấn nước nêu trên lên đến độ cao 175m so với mực nước biển sẽ tác động đến chuyển động quay của trái đất do hiện tượng mang tên mô-men quán tính, trong đó quán tính của một vật thể rắn xoay tròn sẽ tương ứng với chuyển động quay của nó. Nghĩa là nó sẽ làm tăng mô-men quán tính của trái đất, qua đó làm chậm chuyển động xoay của địa cầu, dù tác động gây ra sẽ vô cùng nhỏ.
Cụ thể là khoảng cách từ vật thể tới trục quay của nó càng lớn bao nhiêu, vật thể càng quay chậm hơn bấy nhiêu. Chẳng hạn như một vận động viên trượt băng nghệ thuật nếu muốn xoay tròn nhanh hơn thì vận động viên này phải ép sát cánh tay vào cơ thể để giảm mô-men quán tính. Hay như một vận động viên nhảy cầu nghệ thuật cũng vậy, nếu muốn nhảy lộn nhào nhanh hơn trước khi xuống nước sẽ chọn tự thế ôm gối...
Theo các nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), sự dịch chuyển của khối lượng nước lớn như trên sẽ làm ngày dài thêm 0,06 mili giây, khiến trái đất hơi tròn hơn ở giữa và phẳng hơn ở đỉnh. Tác động cũng làm điểm cực lệch đi khoảng 2cm.
Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng những tác động này không đáng lo ngại bởi chuyển động quay của trái đất thay đổi thường xuyên do ảnh hưởng của mặt trăng và động đất. Mặt trăng rút ra xa dần trái đất sẽ làm chuyển động quay của hành tinh thay đổi nhẹ. Siêu động đất năm 2011 ở Nhật Bản đã khiến ngày trên trái đất dài thêm 2,68 giây.