Tại buổi họp báo quý 3 diễn ra ngày 6-10, Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Phạm Công Tạc khẳng định, Việt Nam sẽ sớm trao đổi với Trung Quốc để có thoả thuận đề phòng trường hợp xảy ra sự cố trước sự việc Trung Quốc đưa vào hoạt động nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành, chỉ cách Quảng Ninh 50km.
Theo Thứ trưởng Tạc, các sự cố phóng xạ thường có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, xuyên biên giới. Trước đây, khi nhà máy Fukushima của Nhật Bản gặp sự cố, tại Việt Nam có đo được phóng xạ tại trạm quan trắc thuộc Viện khoa học kĩ thuật hạt nhân và Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.
"Viện Năng lượng nguyên tử đã có kí kết với nhà máy Phòng Thành. Cách đây 1 tuần, khi tham gia Hội đồng IAEA, đoàn Việt Nam đã trao đổi với cơ quan an toàn hạt nhân của Trung Quốc về việc xây dựng thoả thuận cảnh báo nếu có sự cố. Không chỉ Phòng Thành, các nhà máy Sương Giang, Trường Giang của Trung Quốc cũng khá gần Việt Nam" – Thứ trưởng Tạc nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc chủ trì họp báo |
Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia Công ước về an toàn hạt nhân. Với Công ước này, hàng năm các nước phải có báo cáo về tình hình phát triển điện hạt nhân của mình. Việt Nam có quyền chất vấn và yêu cầu phía Trung Quốc phải giải trình.
"Hiện chúng tôi đã nhận được báo cáo an toàn hạt nhân của Trung Quốc. Sắp tới, phía Cục sẽ tổ chức đoàn công tác sang làm việc với cơ quan an toàn hạt nhân Trung Quốc để sớm có thoả thuận về việc trao đổi thông tin tốt nhất" – ông Tấn nói.
Về việc thiết lập hệ thống mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường, ông Hào Quang - Viện phó Viện Năng lượng nguyên tử cho rằng, sau khi có Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ mục đích hoà bình, Thủ tướng Chính phủ đã phê quyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường nhằm đảm bảo yếu tố an toàn.
Tuy nhiên, cho đến nay, hệ thống này vẫn chưa được hình thành do chưa có được nguồn vốn thực hiện.
Để gỡ khó, Bộ Khoa học – Công nghệ đã kiến nghị triển khai theo nhiều giai đoạn, trước mắt sẽ đầu tư những điểm quan trắc có tính chất cấp bách như ở các tỉnh miền núi phía Bắc để kịp thời ghi nhận nếu có sự cố từ các nhà máy của Trung Quốc.
Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là khi Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển điện hạt nhân tại gần biên giới Việt Nam.
Nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc cách Quảng Ninh chỉ 50km. Ảnh: wikimedia |
Nhà máy Phòng Thành có 2 tổ máy công suất 1000 MW đã đi vào hoạt động. Ngoài ra, nhà máy Sương Giang có 3 tổ máy, Trường Giang có 3 tổ máy cũng đã vận hành. Không chỉ vậy, theo lộ trình, các nhà máy này còn có thể xây dựng thêm 6 tổ máy nữa.
Ngoài ra, Viện cũng đầu tư hệ thống quan trắc phóng xạ online tại Móng Cái, Lạng Sơn, Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng. Các thiết bị này một phần do các nhà khoa học trong nước tự nghiên cứu, chế tạo, một phần nhập từ nước ngoài.Mặc dù mạng lưới quan trắc tổng thể chưa được thực hiện nhưng thời gian qua, Viện Năng lượng nguyên tử đã từng bước xây dựng hệ thống cảnh báo phóng xạ, trong đó có 2 trạm quốc gia đặt tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Viện khoa học kĩ thuật hạt nhân.
Với việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, Hàn Quốc đã hỗ trợ 1 thiết bị quan trắc online, được lắp đặt tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội. Gần đây, công ty Fuji (Nhật Bản) cũng hỗ trợ 3 thiết bị đo cảnh báo phóng xạ online, dự kiến sẽ lắp đặt ở Móng Cái, Lạng Sơn, Hà Nội.
Các dữ liệu của trang thiết bị này có thể truyền trực tiếp về Viện khoa học kĩ thuật hạt nhân, để có thể đưa ra cảnh báo phóng xạ môi trường nhanh nhất. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có 1 trạm quốc gia của Viện khoa học quân sự (Bộ Quốc phòng), có thể quan trắc ở ngoài biển, ghi nhận số liệu từ nhà máy Sương Giang ở đảo Hải Nam.
Trong tương lai, việc sử dụng các nguồn phóng xạ sẽ ngày càng nhiều. Không chỉ phục vụ chiếu xạ y tế, chiếu xạ nông sản mà các nguồn phóng xạ còn được dùng phổ biến trong các ngành công nghiệp (sắt, thép, xi măng...). Hiện tại, trên cả nước có trên 4000 nguồn phóng xạ khác nhau. Theo kế hoạch, từ ngày 1-10, các nguồn phóng xạ di động sẽ phải gắn thiết bị giám sát.
"Đối với các nguồn đã được cấp phép rồi, hạn cuối cùng là 30-10 phải hoàn thành việc lắp đặt. Đối với các nguồn mới lắp đặt, chúng tôi yêu cầu phải có thiết bị giám sát này mới tiến hành cấp phép. Các địa phương cũng phải có trách nhiệm nắm rõ tỉnh mình có bao nhiêu nguồn phóng xạ. Khi xảy ra sự cố mất nguồn phải thông báo ngay. Quản lí nguồn phóng xạ ở các cơ sở thu mua phế liệu cũng phải chú trọng vì đây là nơi có nguy cơ rất lớn. Chúng tôi cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính sớm lắp đặt thiết bị giám sát phóng xạ tại các cửa khẩu. Hiện mới có cửa khẩu Cái Mép thực hiện, còn các nơi khác chưa có. Với các cảng hàng không, hiện mới chỉ có cảng Nội Bài lắp đặt, sắp tới sẽ lắp đặt thêm tại Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng" – ông Tấn cho biết thêm.