Điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng phát triển tốt tại Việt Nam, tuy nhiên cho đến nay chúng ta vẫn chưa xây dựng được biểu giá cụ thể khiến dạng năng lượng này vẫn ở dạng tiềm năng.
Đây là ý kiến được nhiều đại biểu thảo luận tại Hội thảo Hội thảo “Phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, cơ hội và thách thức” do Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA) tổ chức ngày 21/9, tại Hà Nội.
Theo Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, Quy hoạch điện 7 (hiệu chỉnh) cho thấy, đến năm 2020, mỗi năm chúng ta phải xây dựng điện mặt trời với công suất hơn 200 MW, từ năm 2020-2025, mỗi năm phải lắp đặt hơn 600 MW và 5 năm tiếp theo, mỗi năm phải lắp đặt 1.600 MW mới đạt kế hoạch đề ra. Đây là thách thức nhưng cũng là thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực điện mặt trời.
Tại Hội thảo “Phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, cơ hội và thách thức”, nhiều ý kiến cho rằng, nhà nước cần có những cơ chế về giá, bổ sung các quy định, quy chuẩn để khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia mạnh hơn vào lĩnh vực này.
Theo TS. Nguyễn Huy Hoạch, đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, hiện nay, cả nước có khoảng 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước bắt đầu xúc tiến lập các dự án điện mặt trời với công suất từ 20 MW đến trên 300 MW, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung.
Hiện đã có 3 dự án nhà máy điện mặt trời đang được triển khai xây dựng. Một số nhà đầu tư nước ngoài như: Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ cũng đã đăng ký đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời tại các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Hà Tĩnh, Hậu Giang… Không chỉ các nhà đầu tư ngoại, các nhà đầu tư trong nước cũng đang bắt đầu nghiên cứu đầu tư vào thị trường năng lượng sạch nhiều hơn...
Tuy nhiên, cho đến nay, việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời vẫn chỉ mới bắt đầu. Thách thức lớn nhất đối với việc phát triển điện mặt trời là đến nay biểu giá điện hiện hành vẫn chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào năng lượng mặt trời do suất đầu tư còn cao và Chính phủ cũng chưa ban hành giá bán năng lượng điện mặt trời.
Theo ông Diệp Bảo Cánh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Năng lượng Mặt trời đỏ, thị trường điện mặt trời tại Việt Nam đang rất hấp dẫn. “Tiềm năng phát triển của lĩnh vực này trong những năm tới là rất lớn. Nhưng vấn đề là chúng ta chuẩn bị đến đâu. Ngoài đáp ứng về nguồn nhân lực phục vụ cho ngành điện mặt trời, thì nhà nước cũng cần sớm có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến điện mặt trời đầy đủ hơn, ví dụ như tiêu chuẩn tấm pin, invester chuyển điện, giàn khung đỡ… để giúp người tiêu dùng mua đúng sản phẩm chất lượng. Ngoài ra, Chính phủ sớm ban hành giá mua điện lên lưới từ nguồn năng lượng mặt trời”, ông Cánh nói.
Cùng quan điểm trên, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hà cho rằng, hiện nay đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này chưa nhiều, cả trong nghiên cứu, ứng dụng hay thương mại. Mặc dù về năng lực, nhận thức và sự nhạy bén của doanh nghiệp đã sẵn sàng, song do còn nhiều rào cản liên quan tới cơ chế, chính sách và quá trình thực thi nên các doanh nghiệp tiên phong đang gặp khó khăn vì không có hoặc chưa thể mở được “thị trường đầu ra” cho sản phẩm, dịch vụ.
Cụ thể, về tài chính, ông Sơn cho rằng, chi phí đầu tư dự án năng lượng mặt trời cao trong khi chưa thấy đầu ra, doanh nghiệp lại khó tiếp cận các nguồn vốn vay nếu không có sự can thiệp của Chính phủ. Giá mua bán điện vẫn chưa rõ ràng, dự thảo giá thấp nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thiếu trầm trọng hệ thống nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành về năng lượng mặt trời, thiếu các quy chuẩn về khai thác và sử dụng năng lượng mặt trời và chưa có cơ chế khuyến khích sản xuất các thiết bị ứng dụng, sử dụng điện mặt trời trong nước.
Đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành, ông Sơn cho rằng, trước hết cần xây dựng và công bố quy hoạch phát triển điện năng lượng mặt trời, sau đó sớm công bố giá mua bán điện năng lượng mặt trời hợp lý và cơ chế hòa lưới điện quốc gia; ban hành bộ tiêu chuẩn cho các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời và thực hiện thử nghiệm chất lượng để hạn chế lưu thông sản phẩm kém chất lượng, định hướng đúng cho người dân về hiệu quả sử dụng năng lượng mặt trời.
TS. Nguyễn Huy Hoạch cũng kiến nghị, Chính phủ cần quy định giá mua bán điện năng lượng mặt trời một cách hợp lý, để hài hòa lợi ích 3 bên: Chủ đầu tư (bên bán điện) - EVN (người mua điện) và mục tiêu phát triển nguồn điện xanh của Chính phủ. Giá mua bán này cần điều chỉnh linh hoạt theo nguyên tắc giảm dần khi suất đầu tư vào điện mặt trời giảm nhờ giá mô đun pin mặt trời…
Bên cạnh đó, Chính phủ bổ sung các quy định, cơ chế nhằm khuyến khích hơn nữa việc sản xuất các thiết bị điện mặt trời trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa dự án điện mặt trời để từng bước giảm giá bán điện của dự án điện mặt trời.
Các chuyên gia cho rằng, khi cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển được ban hành, chắc chắn sẽ khuyến khích và giúp các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời, đảm bảo phát triển “năng lượng xanh” thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch.