(Congannghean.vn)-Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thời gian qua, các địa phương có rừng tại tỉnh Nghệ An cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao ý thức tuân thủ, tôn trọng pháp luật của toàn dân, tích cực tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Cán bộ Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong tuần tra bảo vệ rừng |
Bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững nhằm nâng cao giá trị giai đoạn 2015 - 2020 theo chủ trương chung của tỉnh Nghệ An chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó đặc biệt góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào miền núi. Qua đó, đặt ra nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua, đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững.
Trên tinh thần Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai đồng bộ những nhiệm vụ đề ra, trọng tâm là ngăn chặn nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Đối với rừng vùng giáp ranh, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời thường xuyên củng cố hoạt động của Trạm bảo vệ rừng. Tỉnh cũng luân chuyển, kỷ luật các đơn vị, cá nhân thiếu trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật kém và không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ rừng. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, truy quét tại khu vực trọng điểm như: Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông và Tương Dương… Nhờ vậy, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi; số vụ, mức độ vi phạm gây thiệt hại về tài nguyên rừng giảm đáng kể.
Theo thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2018, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 317 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; trong đó có 42 vụ phá rừng làm rẫy, 8 vụ khai thác lâm sản trái phép, 155 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, 1 vụ vi phạm về quy định sử dụng đất lâm nghiệp, 2 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, 15 vụ vi phạm về chế biến gỗ và 94 vụ vi pạm khác; thu giữ tang vật gồm: hơn 500 m3 gỗ các loại, 5 ôtô, 1 xe máy; tiền xử phạt và bán tang vật thu hơn 3 tỉ đồng.
Thực tế cho thấy, qua 1 năm thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, tình trạng tác động vào rừng tự nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là khu vực giáp ranh với tỉnh lân cận. Một số địa phương khi xảy ra phá rừng lại chậm phát hiện và xử lý; một số vụ xử lý thiếu kiên quyết, nhất quán, có biểu hiện buông lỏng, né tránh trách nhiệm. Theo nhận định của ngành chức năng, tình hình vi phạm về quản lý và bảo vệ rừng sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là rừng vùng giáp ranh.
Thiết nghĩ, để thực hiện mục tiêu trên, cấp ủy, chính quyền địa phương và các cấp, ngành cần quyết liệt hơn trong công tác bảo vệ rừng. Gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân, nhất là những người làm nghề rừng; tạo điều kiện thuận lợi để người dân và các thành phần kinh tế cùng tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và UBND cấp xã phải phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt phương châm quản lý rừng tận gốc. Thường xuyên mở các đợt kiểm tra, truy quét chống phá rừng; kiên quyết thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.