Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201805/can-dieu-chinh-co-che-chinh-sach-tang-cuong-nhan-luc-quan-ly-bao-ve-rung-797130/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201805/can-dieu-chinh-co-che-chinh-sach-tang-cuong-nhan-luc-quan-ly-bao-ve-rung-797130/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cần điều chỉnh cơ chế, chính sách, tăng cường nhân lực quản lý, bảo vệ rừng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 31/05/2018, 08:10 [GMT+7]

Cần điều chỉnh cơ chế, chính sách, tăng cường nhân lực quản lý, bảo vệ rừng

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, tình trạng chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Ngoài việc buông lỏng quản lý, bảo vệ rừng của các cấp, ngành, địa phương, 1 nguyên nhân khách quan là nhiều địa phương có diện tích rừng rộng, địa bàn hiểm trở, trong khi nguồn nhân lực bảo vệ rừng còn rất mỏng. Đáng lưu tâm hơn, một bộ phận trong số này đã “quay lưng” với nghề do chế độ chính sách còn bất cập.

Đoàn viên, thanh niên Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong tham gia phát dọn thực bì - Ảnh: Lê Xinh
Đoàn viên, thanh niên Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong tham gia phát dọn thực bì - Ảnh: Lê Xinh

Theo Nghị định số 119 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của kiểm lâm, trung bình cứ 1.000 ha rừng sẽ có 1 kiểm lâm viên. Quyết định 17/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý rừng phòng hộ cũng quy định, 700 ha rừng thì có 1 biên chế làm công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Quy định là vậy, song thực tế hiện nay, toàn tỉnh thiếu khoảng 550 cán bộ công chức, viên chức làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Đơn cử như tại Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Pù Mát, tính đến cuối tháng 4/2018, đơn vị có 37 công chức và 41 viên chức. Tuy nhiên, theo quy định, số lượng công chức kiểm lâm mới chỉ đáp ứng được 1/4 so với quy định của Chính phủ tại Nghị định 117 năm 2010 về Tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng. Theo đó, lực lượng Kiểm lâm phải được bố trí 500 ha/công chức kiểm lâm, song tại Vườn Quốc gia Pù Mát, mỗi công chức kiểm lâm phải “gánh” 1.300 ha.

Tương tự, dù phải quản lý 86.000 ha rừng nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tương Dương chỉ có 45 cán bộ, lao động. Hay như Hạt Kiểm lâm Con Cuông, năm 2017, đơn vị có 19 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Trong đó, 13 kiểm lâm viên được giao quản lý 12 xã, 1 thị trấn trên diện tích 154.000 ha, bình quân mỗi kiểm lâm viên quản lý trên 10.000 ha rừng.

Bên cạnh tình trạng thiếu cán bộ, chế độ chính sách dành cho một bộ phận nhân lực làm công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn bất cập. Cách đây 6 năm, một số nông, lâm trường, công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được chuyển thành ban quản lý rừng phòng hộ. Theo đó, nhiều công nhân của các lâm trường ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, được giao nhiệm vụ chuyên trách bảo vệ rừng theo định mức được giao khoán. Thu nhập của những đối tượng này chủ yếu từ nguồn tiền khoán bảo vệ rừng hàng năm. Thế nhưng, ngân sách Trung ương phân bổ hàng năm lại không đủ so với diện tích rừng giao khoán.

Trước những bất cập về chế độ chính sách, thời gian qua, đã xuất hiện tình trạng nhiều cán bộ, lao động làm công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nguyện xin nghỉ việc; trong đó chủ yếu là nhân lực trẻ. Theo Sở NN&PTNT, nguyên nhân của bất cập trên là do cơ chế chính sách về lâm nghiệp. Theo đó, mỗi năm, công tác bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh cần nguồn kinh phí khoảng 200 tỉ đồng, song năm 2017 chỉ được cấp khoảng 28 tỉ đồng và đầu năm 2018 được cấp 50 tỉ đồng. Thực tế nói trên gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo vệ rừng bền vững.

Cũng liên quan đến chế độ chính sách đối với nguồn nhân lực làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, hiện chế độ của các kiểm lâm viên là viên chức vẫn còn nhiều trăn trở. Theo ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát: Công tác trên cùng một địa bàn, trong cùng một điều kiện nhưng viên chức kiểm lâm không có chế độ phụ cấp thâm niên, công vụ như công chức kiểm lâm. Một thiệt thòi khác của kiểm lâm viên là viên chức là những đối tượng này không thể thi nâng hạng sau khi đã được đào tạo và có thời gian cống hiến lâu năm, trong khi đó để chuyển ngạch sang công chức đòi hỏi phải có biên chế.

Nghệ An là một trong những tỉnh có diện tích rừng lớn của cả nước. Thế nhưng, tình trạng thiếu hụt cả về nhân lực và kinh phí hoạt động đang tác động không nhỏ đến công tác quản lý, bảo vệ rừng bền vững. Bởi vậy, thời gian tới, việc điều chỉnh cơ chế, chính sách liên quan đến nguồn nhân lực ngành lâm nghiệp cần được sự quan tâm chỉ đạo hơn nữa từ các cấp, ngành Trung ương và địa phương. Có như vậy mới hoàn thành mục tiêu giữ vững diện tích rừng hiện có và từng bước nâng cao độ che phủ rừng, đồng thời giảm thiểu tình trạng chặt phá rừng và khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn toàn tỉnh.

.

Thùy Dương

.