(Congannghean.vn)-Từ lâu nay, 2 tuyến đường Thăng Long trên QL1A và đường Nguyễn Phong Sắc trên QL46 được xem là 2 điểm có nhiều cơ sở sản xuất bánh mì của các hộ gia đình cá nhân. Đây là 2 tuyến đường “cửa ngõ” thành Vinh nên lưu lượng người và phương tiện lưu thông nhiều, mỗi lần có xe đi qua là bụi đường lại cuộn lên.
Hầu hết các cơ sở này đều có diện tích tương đối nhỏ, nằm sát ngay mặt đường. Những mỹ từ “có cánh” như bánh mì đặc ruột nóng giòn, công nghệ Pháp, Ý… nhan nhản trên những biển hiệu xanh đỏ dọc các dường... như hút mắt người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng, sau khi bánh được nướng chính trong lò, đã trưng bày trên các khay bánh nhưng lại thiếu nắp che đậy. Đặc biệt, để đảm bảo bánh mì nóng giòn phục vụ “thượng đế”, các chủ tiệm bánh đã bỏ những chiếc bánh mì còn nóng hổi vào trong các thùng xốp, thùng tôn rồi phủ lên trên bánh là những chiếc chăn, màn nhem nhuốc.
Bánh mì sau khi ra lò được để trong khay thiếu nắp che đậy |
Theo quan sát, nhiều cơ sở sản xuất còn kinh doanh thêm các mặt hàng khác, thậm chí bố trí luôn cả nơi ăn, chốn ở, nhà vệ sinh cho chủ tiệm, công nhân và phục vụ luôn cả “thượng đế” khi có nhu cầu ăn bánh mỳ tại chỗ; tổ chức sản xuất và buôn bán ngay bên cạnh các cửa hiệu rửa xe máy, quán cơm bún, ga ra ôtô… có nguy cơ mất vệ sinh rất cao.
Để trả lời cho câu hỏi vì sao mặc dù các cơ sở này kinh doanh thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng lượng khách mua lại nhiều, qua tiếp xúc với người dân đều cho rằng, đơn giản chỉ là “tiện”. Hầu hết các cơ sở này đều bán được do các hành khách xe buýt, xe chạy đường ngắn, đường dài dừng, đỗ trước khi chạy theo hành trình.
Theo Chi cục ATVSTP tỉnh, toàn tỉnh đang có khoảng 200 cơ sở sản xuất bánh mì nhỏ lẻ, hộ gia đình; tập trung chủ yếu là TP Vinh và các điểm trung tâm của các huyện, thị xã.... Đối với Quy trình chế biến thức ăn đảm bảo an toàn là phải rửa tay bằng xà phòng, đeo găng tay, khẩu trang... Do vậy, việc dùng tay trần chế biến bánh sẽ tăng nguy cơ nhiễm bẩn, ngộ độc cao...
Qua tìm hiểu các văn bản quy định về quản lý các hộ kinh doanh, sản xuất bánh mì nhỏ lẻ cũng còn nhiều bất cập. Cụ thể, Thông tư 29/2012 của Bộ Công Thương (trước đây việc quản lý sản xuất, kinh doanh bánh mì là do ngành y tế quản lý), thì đối tượng sản xuất mang tính chất cá thể, hộ gia đình không thuộc diện phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Đến Thông tư 58/2014 cũng của Bộ này thì quy định đối tượng trên không cần giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP nhưng phải có giấy cam kết đảm bảo ATVSTP.
Trước những bất cập trong sản xuất, kinh doanh bánh mì của các hộ cá nhân nhỏ lẻ, ngày 31/12/2015, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Thông tư 57 (có hiệu lực từ ngày 15/4/2016), mới đưa đối tượng là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ (sản xuất bánh mì) vào đối tượng quản lý; yêu cầu phải có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm và giấy xác nhận đăng ký đảm bảo ATVSTP.
Rõ ràng, với những bất cập và lỏng lẻo trong quy định quản lý đối với thực phẩm này đang khiến người tiêu dùng bị ảnh hưởng từ các cơ sở sản xuất bánh mì nhỏ lẻ khi công tác quản lý về ATVSTP chưa thực sự được kiểm soát đúng mức.