Rạng sáng 9-3 (giờ Việt Nam), lễ ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ chính thức diễn ra tại Santiago, Chile, mở ra một trang mới cho tiến trình hội nhập và hợp tác đa phương giữa các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Thúc đẩy hợp tác toàn diện - tiến bộ
Ngày 6-3, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua việc ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo đó, các quốc gia thành viên tham gia Hiệp định CPTPP sẽ chính thức ký kết tại Chile vào ngày 8-3 tới, tức rạng sáng 9-3 (giờ Việt Nam) để hiệp định bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019.
CPTPP, bao gồm các 11 nền kinh tế tham gia, chiếm 13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Sau khi Mỹ tuyên bố chính thức rút khỏi Hiệp định TPP, 11 nước còn lại gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã tiếp tục thúc đẩy và đạt được thỏa thuận về nội dung và tên gọi mới của TPP là CPTPP bên lề Hội nghị cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng, Việt Nam.
Việc ký kết Hiệp định CPTPP sẽ là một cột mốc quan trọng nhằm thúc đẩy xu hướng hợp tác giữa các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: WT |
Chiếc áo mới "toàn diện - tiến bộ" đạt được vào phút chót tại vòng đàm phán trong khuôn khổ APEC 2017 đã thể hiện rõ quyết tâm hồi sinh TPP và nỗ lực thương lượng cam go của cả 11 thành viên nhằm thúc đẩy thương mại đa phương và chống chủ nghĩa bảo hộ.
Trước đó, hôm 23-1, 11 quốc gia thành viên đã nhất trí nội dung sửa đổi hiệp định CPTPP. Cũng như TPP, CPTPP được coi là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao. Hiệp định CPTPP cơ bản giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.
Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi từng nhận đinh, CPTPP là hiệp định rất toàn diện, bao gồm nhiều lĩnh vực chứ không chỉ đơn thuần là thương mại, về bản chất là cao hơn, tiến bộ hơn so với các hiệp định đã được ký kết trước đây. Theo đó, Hiệp định này không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước...
Ngoài ra, Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Việc ký kết Hiệp định CPTPP sẽ là một cột mốc quan trọng, gửi đi thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy xu hướng hợp tác giữa các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mở ra cơ hội mới cho Việt Nam
Theo Bộ Công Thương Việt Nam, CPTPP được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây, sẽ tác động đến Việt Nam trên nhiều khía cạnh. Việc đạt được nhất trí về CPTPP tại Việt Nam là thành công chung của 11 nền kinh tế thành viên, đồng thời mang đậm dấu ấn chủ nhà Năm APEC Việt Nam 2017.
Giới chuyên gia cho rằng, mặc dù Mỹ đã rút lui nhưng quy mô thị trường của CPTPP vẫn còn rất rộng lớn và bao hàm một số thị trường quan trọng với Việt Nam như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico.
Trong khi đó, gánh nặng thực thi các điều khoản đã giảm đáng kể so với trước. Vì vậy, Việt Nam vẫn sẽ tìm được những nguồn lợi ích tương đối lớn khi tham gia Hiệp định này. Trong một bài phỏng vấn gần đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã cho biết, riêng năm 2017, thu hút đầu tư của Việt Nam đã đạt con số kỷ lục là 36 tỷ USD. Từ đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, nếu Hiệp định này được ký kết thì chắc chắn sẽ có những phát triển rất đột biến trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Cụ thể, Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường có quy mô khá lớn, có tầm quan trọng với Việt Nam cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Hơn thế, Hiệp định CPTPP sau khi được ký kết sẽ giúp Việt Nam cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Ðây mới là các lợi ích mang tính lâu dài.
"Điều này cũng đồng nghĩa với việc thể chế của Việt Nam sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới. Hơn nữa, qua Hiệp định CPTPP, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp chắc chắn sẽ được cải thiện và nâng cao hơn nữa", Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ông Stewart Beck, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ châu Á - Thái Bình Dương của Canada từng nói rằng, CPTPP sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại thế giới.