(Congannghean.vn)-Thời gian vừa qua, tại một số cuộc đấu giá đất ở các huyện, xảy ra tình trạng nhiều “cò đất” xuất hiện, gây nên tình trạng đấu giá thiếu minh bạch, gây mất trật tự và làm thất thoát nguồn thu ngân sách.
Toàn cảnh một phiên đấu giá quyền sử dụng đất |
Nạn “cò” tại các cuộc đấu giá tài sản
Trong thời gian qua, quá trình tổ chức thực hiện bán đấu giá đất phần lớn đều do UBND các huyện thực hiện thông qua các tổ chức bán đấu giá tài sản. Quá trình đấu giá đều thực hiện đúng theo các quy trình, thủ tục, trong đó việc thông báo được thực hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, thông báo niêm yết tại UBND các xã có quỹ đất bán đấu giá, UBND các huyện và trụ sở các tổ chức đứng ra bán đấu giá tài sản. Việc tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, danh sách người tham gia đấu giá được bảo mật cho đến thời điểm cuộc đấu giá được tiến hành mới công bố và chuyển giao cho tổ chức được đấu giá.
Các cuộc đấu giá được thực hiện theo đúng trình tự, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật về bán đấu giá quyền sử dụng đất. Trong quá trình điều hành đấu giá tại hội trường, các đấu giá viên không phát hiện được hành vi vi phạm pháp luật của người tham gia đấu giá. Kết quả bán đấu giá từng lô đất được thông báo công khai, rõ ràng, chính xác từng số tiền trúng đấu giá và tên người mua được tài sản. Tại các cuộc đấu giá, không có khách hàng nào phản ánh việc từ chối hay gây khó dễ trong việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đăng ký bán đấu giá hay thắc mắc, khiếu nại về kết quả bán đấu giá.
Mặc dù vậy, theo đánh giá, nạn “cò đất” là có thật, diễn ra trên tất cả các huyện, thành phố, thị xã nói chung. Tại một số địa phương, lợi dụng việc giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất, một số đối tượng “cò mồi” đã gây rối trật tự, cản trở người dân khi tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, gây mất ANTT tại địa phương.
Tháng 4/2016, TAND TX Hoàng Mai đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Gây rối trật tự công cộng”, tuyên phạt các bị cáo Hoàng Khắc Vinh (SN 1970) 15 tháng tù, Nguyễn Phi Long (SN 1988) và Nguyễn Duy Thông (SN 1991), cùng mức 9 tháng tù cho hưởng án treo. Các đối tượng này đều trú tại TP Vinh nhưng vào ngày 5/3/2016, biết tin UBND phường Quỳnh Thiện, TX Hoàng Mai tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, Vinh, Long và Thông đã đến để đòi tiền "hiệp thương" của những người dân trúng đấu giá khiến họ bức xúc, dẫn đến hai bên xảy ra xô xát, đánh nhau. Quá trình đó, Vinh đã rút súng bắn 3 phát trước khi lên xe ôtô bỏ trốn.
Mới đây nhất, ngày 29/12/2017, Công an huyện Diễn Châu đã phá thành công Chuyên án 1217G, triệu tập 13 đối tượng thuộc 2 nhóm “cò đất” trên địa bàn huyện. Trước đó, vào ngày 23/12/2017, tại xóm 6, xã Diễn Thành đã xảy ra vụ hỗn chiến giữa 2 nhóm “cò” trong đấu giá đất ở, do 2 đối tượng Nguyễn Văn Đức (SN 1995) trú tại xã Diễn Bích và Ngô Văn Sử (SN 1973) trú tại xã Diễn Thành cầm đầu. Nguyên nhân ban đầu xác định là 2 nhóm thực hiện “cò đất” tại huyện Quỳnh Lưu, do ăn chia không đều nên hẹn nhau tại xã Diễn Thành để giải quyết và xảy ra mâu thuẫn. Công an huyện Diễn Châu đã ngăn chặn kịp thời, thu giữ 3 xe ôtô và 30 đao kiếm, cuốc, vét, cào chìa các loại.
Quyết liệt ngăn chặn
Tháng 3/2016, xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu tổ chức đấu giá 59 lô đất với 500 hồ sơ, nhưng có tới 70% là người ngoài xã tham gia đấu giá. Tương tự, phiên đấu giá của xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu ngày 3/4/2017 với 10 lô đất, nhưng có những lô đất chỉ có 2 người trong xã, còn lại khoảng 40 “cò” tham gia. Sau khi trúng đấu giá, người mua phải chi cho mỗi “cò” 1 triệu đồng. Theo đánh giá, những tồn tại này không chỉ ở Nghệ An mà là tình trạng chung của các địa phương trên cả nước trong thời gian vừa qua.
2 nhóm “cò đất” và số hung khí bị Công an huyện Diễn Châu bắt giữ |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc quy định pháp luật chưa đồng bộ, sự phối hợp trong quá trình triển khai bán đấu giá của UBND cấp huyện, cấp xã với các tổ chức bán đấu giá tài sản chưa thực sự chặt chẽ, công tác chỉ đạo cũng chưa quyết liệt dẫn đến không phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, quy định việc nộp đơn tham gia đấu giá không giới hạn về nơi cư trú dẫn đến có nhiều cá nhân, trong đó có cả các đối tượng đấu giá chuyên nghiệp tham gia đấu giá, tổ chức nhóm tham gia đấu giá, dùng các thủ đoạn tinh vi gây áp lực, đe dọa, thu tiền dìm giá mặc dù không có nhu cầu mua đất để trục lợi, thu nhập bất chính, gây bất bình trong nhân dân và mất trật tự xã hội, gây thất thu ngân sách.
Để ngăn chặn tình trạng “cò” trong đấu giá tài sản, ngày 13/1/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 03/2017/QĐ-UBND, ban hành Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất ở để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Để tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động bán đấu giá tài sản đất, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2359 ngày 26/7/2017, thành lập tổ giám sát thực hiện việc bán đấu giá tài sản đất trên địa bàn, nhằm giám sát quá trình đấu giá đất theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của đấu giá tài sản. Trường hợp phát hiện ra sai phạm, sẽ lập biên bản để xử lý theo quy định.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo quyết liệt UBND cấp huyện, phối hợp với các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để quá trình bán đấu giá đảm bảo theo đúng trình tự, quy định của pháp luật. Tăng cường chỉ đạo lực lượng an ninh cấp huyện và xã nơi có đất bán đấu giá, bố trí lực lượng đủ mạnh để việc bán đấu giá đảm bảo ANTT, kịp thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Các địa phương phải lựa chọn các tổ chức bán đấu giá uy tín, chuyên nghiệp để thực hiện việc bán đấu giá, kiên quyết không ký với các tổ chức bán đấu giá có nhiều sai phạm, phối hợp không hiệu quả với địa phương dẫn đến để xảy ra nhiều đơn thư, khiếu kiện. Ngoài ra, các sở, ngành chức năng và UBND cấp huyện tiếp tục tăng cường giám sát, thực hiện các giải pháp nhằm phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm, trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản, nhất là tình trạng đe dọa, chèn ép, cản trở khách hàng tham gia đấu giá, trấn lột tiền của khách hàng trúng đấu giá.