(Congannghean.vn)-Hôm nay (6/11/2017), Hội nghị cấp cao APEC 2017 với chủ đề: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” sẽ chính thức được tổ chức tại Đà Nẵng, khép lại Năm APEC 2017 với nhiều dấu ấn khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc một số thông tin cơ bản về Diễn đàn này và vị thế, vai trò, lợi ích của Việt Nam trong APEC.
Sự hình thành và hoạt động của APEC
Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực, với mục tiêu chủ yếu là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thế giới và các tổ chức quốc tế tại Hội nghị các Quan chức cao cấp APEC về Quản lý thiên tai lần thứ 11 tổ chức tại TP Vinh, Nghệ An (21 và 22/9/2017) |
Các nền kinh tế thành viên APEC cùng hướng tới mục tiêu chung, xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương năng động, hài hòa và tự cường, thông qua việc đi đầu tự do hóa và mở cửa thương mại, đầu tư, đẩy nhanh liên kết kinh tế khu vực, khuyến khích hợp tác kinh tế, kỹ thuật, thúc đẩy hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững. Các sáng kiến APEC nhằm đưa các mục tiêu chính sách và các thỏa thuận thành những kết quả và lợi ích cụ thể. Từ năm 1989 - 1992, APEC tổ chức các cuộc đối thoại không chính thức ở cấp các quan chức cao cấp và cấp Bộ trưởng. Năm 1993, theo sáng kiến của nguyên Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, APEC đã thống nhất tổ chức Hội nghị đầu tiên của các nhà lãnh đạo kinh tế hàng năm nhằm xác lập các tầm nhìn và định hướng chiến lược cho hợp tác khu vực.
APEC ra đời với 12 nền kinh tế thành viên. Qua 4 lần mở rộng vào các năm 1991, 1993, 1994 và 1998, APEC hiện gồm 21 nền kinh tế thành viên, đại diện 39% dân số thế giới, 57% GDP và 47% thương mại toàn cầu (2014).
APEC hoạt động trên các nguyên tắc chính là: (1) Nguyên tắc cùng có lợi; (2) Nguyên tắc đồng thuận; (3) Nguyên tắc tự nguyện; (4) APEC là diễn đàn mở.
Trải qua chặng đường hình thành và phát triển gần 3 thập niên, Diễn đàn APEC đã trở thành cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương với những thành tựu nổi bật.
Những đóng góp của Việt Nam cho APEC
Ngày 15/11/1998, tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 6 tại Malaysia, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của APEC; đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của ta. Đến nay, APEC tiếp tục là một trong những cơ chế quan trọng tại khu vực trong nỗ lực triển khai đường lối đối ngoại của Đảng về chủ động hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình và tạo điều thuận lợi để phát triển đất nước.
Toàn cảnh Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng TW (FCBDM) ngày 20/10 tại Hội An (Quảng Nam) |
Diễn đàn APEC hội tụ hầu hết các đối tác kinh tế, thương mại và chiến lược hàng đầu của Việt Nam. Vì thế, đây là một trong những diễn đàn đa phương quan trọng và mang lại nhiều lợi ích thực chất nhất. Diễn đàn hội tụ 13 trong số 25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện gồm các nước: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippin, Thái Lan, Australia, New Zealand và Chilê. 18 thành viên APEC là các đối tác quan trọng trong các FTA song phương và nhiều bên của nước ta (trừ Papua Niu Ghinê và Đài Bắc - Trung Quốc). 7 nền kinh tế thành viên APEC hiện nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Malaysia và Singapore.
Các thành viên APEC chiếm tới 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 75% thương mại hàng hóa, 38% viện trợ phát triển chính thức và 79% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. Khoảng 80% du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đang học tập tại các nền kinh tế thành viên APEC.
Kể từ khi gia nhập, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp thúc đẩy hợp tác APEC, nổi bật là: Đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch APEC năm 2006, tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 14, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC 18 và hơn 100 sự kiện. Hội nghị Cấp cao APEC 14 đã lần đầu tiên xác định triển vọng dài hạn của APEC về hướng tới mục tiêu hình thành Khu vực thương mại tự do của toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), thông qua Chương trình Hành động Hà Nội về thực hiện các Mục tiêu Bô-go và các biện pháp cải cách tổng thể, tạo nên những động lực mới cho hợp tác APEC. Chủ động đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến mới, với hơn 70 sáng kiến ở hầu hết mọi lĩnh vực (thương mại, đầu tư, đối phó với tình trạng khẩn cấp, y tế, chống chủ nghĩa khủng bố….). Đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong APEC, gồm: Phó Chủ tịch Ủy ban thương mại và đầu tư năm 2006, Chủ tịch Nhóm công tác doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2006, Chủ tịch Ủy ban quản lý ngân sách năm 2007, Phó Chủ tịch Nhóm công tác Y tế nhiệm kỳ 2009 - 2010, Chủ tịch Nhóm công tác về đối phó với tình trạng khẩn cấp nhiệm kỳ 2012 - 2013...
Hàng năm, Việt Nam đều đăng cai các cuộc họp các Nhóm công tác của APEC. Năm 2014, Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Phát triển Nguồn nhân lực APEC lần thứ 6 (tháng 9/2014 tại Đà Nẵng).
Việt Nam lần thứ hai đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 vào năm 2017, góp phần nâng cao vị thế quốc tế, thể hiện việc tham gia tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế khu vực. APEC 2017 sẽ góp phần quan trọng để định hình Tầm nhìn của APEC sau năm 2020. Tầm nhìn đó cần xác định rõ các mục tiêu, hướng đi dài hạn và các trụ cột hợp tác cho Diễn đàn trong 10 - 15 năm tới. Việc phát huy tinh thần hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, tự nguyện và không ràng buộc là cần thiết để đảm bảo sự năng động, tính hấp dẫn của Diễn đàn trong một khu vực rất đa dạng về lịch sử, văn hóa và trình độ phát triển. Cùng với đó, vai trò dẫn dắt của APEC trong tiến trình định hình cấu trúc cũng như quản trị khu vực và toàn cầu cần được định rõ.
Với ý nghĩa đó, Năm APEC 2017 hứa hẹn sẽ tạo động lực mới cho Diễn đàn. Đây cũng là cơ hội lớn để Việt Nam góp phần định hình tương lai không chỉ của APEC mà cả cấu trúc kinh tế khu vực.
Năm APEC 2017 được coi là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam và là đóng góp quan trọng nhất của nước ta đối với hợp tác APEC trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng. Cùng với việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử vào Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 cũng như các nỗ lực hoàn tất các cam kết gia nhập WTO vào năm 2018, việc tổ chức thành công Năm APEC 2017 sẽ góp phần hiện thực hóa một chủ trương rất quan trọng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là “nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các cơ chế đa phương”.
Theo Thông cáo báo chí của Ban Tuyên truyền APEC: Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang sẽ chủ trì và tham dự các sự kiện chính của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, gồm: Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) và Đối thoại Cấp cao không chính thức giữa APEC và ASEAN trong ngày 10/11; Lễ đón chính thức các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, Phu nhân/Phu quân và Tiệc chiêu đãi, biểu diễn nghệ thuật chào mừng Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tối 10/11; Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC ngày 11/11. Chủ tịch nước cũng sẽ phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC diễn ra từ ngày 8 - 10/11. Phu nhân Chủ tịch nước Nguyễn Thị Hiền sẽ chủ trì Chương trình Phu nhân/Phu quân các nhà lãnh đạo kinh tế APEC trong ngày 11/11 tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Việt Nam cũng sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam với sự tham dự và phát biểu khai mạc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 7/11. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ đồng chủ trì Hội nghị lần thứ 29 liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC ngày 8/11. Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ chủ trì Hội nghị tổng kết của các quan chức cao cấp APEC ngày 6 và 7/11. Dịp này cũng sẽ diễn ra Cuộc họp ABAC, từ ngày 4 - 6/11 và Diễn đàn tiếng nói tương lai APEC, từ ngày 6 - 10/11/2017. |