(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, nhất là từ 2015, các dự án FDI đầu tư vào Nghệ An có sự thay đổi cả về chất và lượng. Tăng nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, hình thành kỹ năng làm việc năng động cho công nhân viên… là những ưu điểm nổi trội mà làn gió FDI đã thổi vào tỉnh ta.
Trong điều kiện hội nhập sâu rộng như hiện nay, Nghệ An cần tận dụng mạnh mẽ hơn nữa những lợi thế, ưu điểm để từng bước thu hút các dự án FDI quy mô lớn, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cơ cấu nền kinh tế tỉnh nhà.
Đoàn công tác Đại sứ quán Singapore và lãnh đạo tỉnh khảo sát trước khi triển khai dự án |
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch Đầu tư Nghệ An, lũy kế 2 năm 2015 và 2016 (tính đến ngày 26/8/2016), trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thu hút được 19 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký cấp mới là 175,85 triệu USD. Trong đó, ngoài khu kinh tế (KKT) và các khu công nghiệp (KCN) có 6 dự án/tổng vốn đăng ký 10,85 triệu USD; trong KKT và các KCN có 13 dự án/tổng vốn đăng ký 165 triệu USD.
Đặc biệt, từ năm 2015, số lượng, quy mô các dự án FDI tăng mạnh. Ước tính, từ sau 2015, các dự án FDI trên địa bàn tỉnh tăng gấp 1,06 lần số lượng dự án và 1,37 lần tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới giai đoạn 2011 - 2014.
Giai đoạn này, Nghệ An đã thu hút được một số dự án lớn có tính lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Nổi bật như: Dự án KCN, đô thị, dịch vụ VSIP Nghệ An của Công ty TNHH VSIP Nghệ An (Singapore) (76,4 triệu USD).
Hiện nay, Công ty phát triển KCN và Đô thị Hemaraj Thái Lan đang nghiên cứu đầu tư Dự án xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN và Đô thị với vốn đăng ký dự kiến là 740 triệu USD, diện tích sử dụng đất 3.200 ha. Dự án này đi vào hoạt động sẽ tạo điểm nhấn phát triển hạ tầng KKT cho tỉnh Nghệ An. Để có được kết quả tích cực đó, phải kể đến sự cải thiện rõ rệt trong môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ hoạt động đầu tư và xúc tiến đầu tư ngày càng được quan tâm, thực hiện có chiều sâu và hiệu quả, tính chuyên nghiệp ngày càng cao, hình thức xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú và có trọng tâm hơn. Công tác cải cách hành chính (đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính gắn với triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành) cũng là yếu tố thu hút nhiều nhà đầu tư đến với Nghệ An.
Hiệu quả rõ nét nhất từ FDI mang lại đó là kim ngạch xuất khẩu của khu vực này tăng dần lên hàng năm, chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả tỉnh. Trong đó, các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của khu vực này là hàng dệt may, sản phẩm gỗ, thức ăn gia súc... Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt trên 300 triệu USD, chiếm bình quân 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh (tăng kim ngạch xuất khẩu dệt may, linh kiện điện tử, đồ chơi).
Bên cạnh đó, khu vực FDI đã giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động địa phương. Trung bình mỗi năm, các dự án FDI giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động với thu nhập bình quân khoảng 2,5 - 5 triệu đồng, góp phần hạn chế tình trạng đi làm xa tại các KCN ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam của lao động Nghệ An; đồng thời nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn kỹ thuật và tính chuyên nghiệp cho người lao động.
Tính đến thời điểm hiện nay, hầu hết các dự án trong lĩnh vực FDI trong thời gian qua có tiến độ triển khai tương đối nhanh (trừ Dự án Nhà máy sản xuất sắt xốp Kobelco tại KCN Hoàng Mai chưa triển khai). Trong quá trình triển khai, một số dự án gặp khó khăn vướng mắc nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, như Dự án trồng chuối Yên Thành của Công ty TNHH Globe Farm Hàn Quốc, trồng rừng nguyên liệu giấy Innogreen (60 triệu USD)... Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra 2 dự án này.
Tuy nhiên, so với các địa phương khác trong cả nước, đóng góp của khu vực FDI cho ngân sách tỉnh còn thấp, thu ngân sách cao nhất (năm 2015) chỉ ở mức 350 tỉ đồng. Các dự án FDI chủ yếu có quy mô nhỏ, chưa có dự án động lực, có tính lan tỏa tác động lớn đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Trong khi đó, các dự án đầu tư FDI của tỉnh tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ khí (11/19 dự án); dịch vụ, thương mại (5/19 dự án)... Số dự án đầu tư vào lĩnh vực xây dựng, phát triển hạ tầng còn ít (1/19 dự án).
Về đối tác đầu tư, thu hút nguồn vốn FDI chủ yếu mới chỉ dừng lại ở các nước châu Á như: Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore... mà chưa mở rộng sang các nước châu Âu, Mỹ. Trong quá trình hoạt động, bên cạnh những lợi ích đi kèm, một số doanh nghiệp FDI vẫn gây dư luận về xử lý ô nhiễm môi trường chưa đảm bảo như Dự án Nhà máy sản xuất MDF tại Nghĩa Đàn, Dự án Nhà máy chế biến bột cá Xuri Việt Trung…
Theo quy luật, luồng vốn đầu tư sẽ di chuyển từ các vùng kinh tế trọng điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các khu vực trọng điểm khác về các địa phương có lợi thế cạnh tranh hơn về lao động, mức thu nhập bình quân..., nhất là các dự án FDI sử dụng nhiều lao động, các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng để đón đầu các luồng đầu tư mới sau khi Hiệp định TPP ký kết. Vì thế, trong thời gian tới, Nghệ An sẽ có điều kiện thu hút thêm nhiều dự án FDI nữa.
Tuy nhiên, nếu tỉnh không quyết liệt cải cách thủ tục hành chính thì sẽ đứng trước nguy cơ ngày càng tụt hậu do vị trí địa lý, xuất phát điểm thấp, suất đầu tư cao; trong khi chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, làm việc thiếu chuyên nghiệp, chỉ số PCI của tỉnh dù đã được cải thiện nhưng vẫn đang ở mức trung bình…
Điều này đặt ra những thách thức, yêu cầu không nhỏ cho cả lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành trong việc phối hợp nâng cao hiệu quả mạnh mẽ công tác thu hút đầu tư, từng bước tạo khởi sắc mạnh mẽ từ nguồn vốn FDI.