Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201609/nghi-dinh-492016nd-cp-siet-chat-quan-ly-gia-hang-hoa-697127/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201609/nghi-dinh-492016nd-cp-siet-chat-quan-ly-gia-hang-hoa-697127/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Siết chặt quản lý giá hàng hóa - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 03/09/2016, 16:44 [GMT+7]
Nghị định 49/2016/NĐ-CP

Siết chặt quản lý giá hàng hóa

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng và các sở, ngành liên quan, công tác quản lý giá hàng hóa trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, tại nhiều chợ truyền thống, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

Trước thực tế trên, Nghị định 49/2016/NĐ-CP trong đó có quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá có hiệu lực từ ngày 1/8/2016 là cơ sở pháp lý quan trọng để siết chặt công tác quản lý giá hàng hóa trên thị trường.

Việc siết chặt quản lý giá hàng hóa góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Ảnh minh họa
Việc siết chặt quản lý giá hàng hóa góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Ảnh minh họa

Còn “nặng” tâm lý đối phó

Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, năm 2015, đơn vị xử lý 856 vụ vi phạm liên quan đến quy định về niêm yết giá. Trong đó, phạt cảnh cáo 141 vụ, phạt hành chính 517 vụ với tổng số tiền thu phạt trên 206 triệu đồng.

Từ đầu năm đến ngày 15/8/2016, đơn vị đã xử lý 263 vụ vi phạm trên lĩnh vực giá, với tổng số tiền thu phạt trên 80 triệu đồng. Trong đó, phạt cảnh cáo 62 vụ, phạt hành chính 201 vụ.

Các hành vi vi phạm chủ yếu của các cơ sở kinh doanh, buôn bán gồm: Không thực hiện việc niêm yết giá và bán hàng hóa theo giá niêm yết, niêm yết giá cao hơn so với giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh quyết định, không đăng ký giá và kê khai giá theo quy định của Luật Giá.

Nghị định 49/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 109/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn có hiệu lực từ ngày 1/8/2016. Theo đó, sẽ tăng nặng mức phạt đối với hành vi không niêm yết giá.

- Vi phạm lần đầu: Phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng (thay cho hình phạt cảnh cáo quy định tại Nghị định 109) đối với vi phạm không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết theo quy định, niêm yết giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng.

- Vi phạm nhiều lần, tái phạm: Phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng (thay cho mức phạt trước ngày 1/8 là từ 300.000 - 500.000 đồng).

- Nếu niêm yết giá không đúng (không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa, thấp hơn mức giá tối thiểu do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định) đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, mức phạt tiền từ 1- 3 triệu đồng.

Theo quy định, người bán hàng phải niêm yết giá bán lẻ các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu ngay trên bao bì sản phẩm hoặc bảng giá để người mua dễ nhận biết. Tuy nhiên, trên thực tế, ngoại trừ các siêu thị, trung tâm thương mại và một số cửa hàng bán lẻ uy tín chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, phần lớn các chợ và quán tạp hóa nhỏ vẫn “phớt lờ” quy định trên; hoặc nếu thực hiện thì cũng chỉ mang tính chiếu lệ, đối phó. Do vậy, việc thỏa thuận mua bán vẫn theo kiểu “thuận mua vừa bán”.

Tại các chợ - kênh phân phối quan trọng trong mạng lưới bán lẻ hàng hóa, tình hình cũng không “khá khẩm” hơn. Tại đây, những mặt hàng ít được niêm yết giá nhất là các mặt hàng được tiểu thương nhập về với số lượng lớn, sau đó chia nhỏ để bán lẻ như bánh kẹo, trà, đường… Trên thực tế, ngoài nỗi lo về việc mua phải hàng đắt, người tiêu dùng còn phải đối mặt với tình trạng nhiều sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSTP.

Thêm chế tài mạnh

Thời gian qua, mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường ra quân xử lý nhiều trường hợp vi phạm, song tình trạng trên vẫn chưa “hạ nhiệt”.

Theo ông Nguyễn Văn Duẩn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Chi cục QLTT tỉnh, nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người bán, tiểu thương kinh doanh ở các chợ còn hạn chế. Ngoài ra, tâm lý mua hàng của người tiêu dùng thường trả giá, mặc cả nên chủ kinh doanh không mấy “mặn mà” với việc niêm yết giá.

Mặt khác, công tác quản lý thị trường trên lĩnh vực giá còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Bởi quy định trước đây về xử phạt đối với vi phạm không niêm yết giá lần đầu là phạt cảnh cáo, lần thứ 2 mới xử phạt (mức phạt từ 300.000 - 500.000 đồng) nên chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tâm lý “nhờn luật”.

Bởi vậy, khi Nghị định 49/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 109/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn có hiệu lực từ ngày 1/8/2016, trong đó tăng nặng mức phạt đối với hành vi không niêm yết giá sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm góp phần lập lại trật tự hoạt động thương mại và môi trường kinh doanh theo hướng công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Việc niêm yết giá thể hiện tính văn minh trong thương mại, tạo thuận lợi cho cả người mua và người bán. Vì vậy, trong thời gian tới, để từng bước đưa hoạt động niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đi vào nền nếp, hạn chế tối đa tình trạng tăng giá quá mức các loại hàng hóa trong các dịp lễ, Tết và mùa du lịch, các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh cần nêu cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực trên; tránh tình trạng “qua kiểm tra, ra sai phạm” như trước đây.

.

Thùy Dương

.