(Congannghean.vn)-Chiếm đến 68% dân số cả nước với mức thu nhập ngày càng tăng, thị trường nông thôn đã và đang trở thành “miền đất hứa” cho doanh nghiệp (DN) Việt. Trong bối cảnh nhiều kênh bán lẻ đang dần thuộc quyền sở hữu của nhà đầu tư ngoại, khu vực nông thôn càng có ý nghĩa đặc biệt với việc tiêu thụ hàng Việt.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường nông thôn, bà Trần Mỹ Hà, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Nghệ An cho biết: Trước đây, người tiêu dùng có tâm lý sính ngoại, nay đã dần hình thành thói quen sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng. Đây là cơ sở, tiền đề vững chắc trong việc đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn của các DN.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang chuyển hướng hoạt động về khu vực nông thôn |
Tiềm năng là vậy, tuy nhiên, việc khai thác thị trường nông thôn lại không hề dễ dàng. Theo đánh giá của các DN khi tham gia đưa hàng Việt về nông thôn, muốn “chắc chân” ở thị trường nông thôn, DN phải có sự đầu tư lớn về con người và thời gian. Bởi lẽ, đặc thù của vùng nông thôn là địa bàn trải rộng, nhiều khách hàng nhưng sức mua không đồng đều.
Cùng với tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa ở các vùng nông thôn, thu nhập của người nông dân ngày càng cao. Điều này thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu tiêu dùng, hình thành thị trường tiêu thụ hàng hóa nhiều tiềm năng.
Theo khảo sát của Công ty Taylor Nelson Sofres (TNS), hiện, số người có thu nhập trên 1,5 triệu đồng/tháng ở nông thôn Việt Nam (NTVN) ngày càng tăng, chiếm 62,5% tổng GDP cả nước. Nhu cầu tiêu dùng tại khu vực nông thôn có xu hướng tăng, với sức mua lên tới hơn 20 tỉ USD/năm; tăng trưởng bình quân 12% về giá trị và 9% về sản lượng.
Năm 2015, thị trường nông thôn phát triển ở mức 2,7%, sức tiêu dùng của khách hàng ở khu vực NTVN cao gấp 3 lần khu vực thành thị, 95% gia đình sẵn sàng mua tivi, 92% có thể mua bếp điện hoặc bếp gas, 30% muốn mua tủ lạnh, máy giặt và 9% muốn mua máy vi tính... Tuy nhiên, hiện tại, doanh số bán lẻ ở các vùng NTVN mới chỉ chiếm 20% so với thị trường cả nước.
Trong năm 2015, thực hiện chương trình hỗ trợ DN đưa hàng Việt về nông thôn, Bộ Công thương đã chỉ đạo các địa phương tổ chức 180 đợt bán hàng về nông thôn với gần 2.400 lượt DN tham gia, thu hút hơn 930.000 lượt người tới tham quan, mua sắm, mang lại doanh thu hơn 20.000 tỉ đồng. 31 điểm bán hàng Việt cố định đã được xây dựng tại các địa phương với sự tham gia của 3.000 DN sản xuất, kinh doanh, trong đó ưu tiên khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi…
Hiện, công tác quảng bá hàng hóa, đưa hàng Việt về nông thôn đã và đang được hỗ trợ tổ chức trong khuôn khổ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Mặt khác, để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái trà trộn vào thị trường, gây ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt, tạo cơ hội cho các DN đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng Việt chất lượng cao, Ban chỉ đạo Phòng, chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại từ Trung ương đến địa phương đang đẩy mạnh việc phát hiện, xử lý nghiêm các đường dây, ổ nhóm buôn lậu.
Đối với các DN, cần tranh thủ sức lan tỏa của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhanh chóng tìm ra giải pháp chiếm lĩnh thị trường nông thôn đầy tiềm năng.
Bên cạnh sự hỗ trợ của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, khi tiếp cận người tiêu dùng ở nông thôn, DN được khuyến cáo cần mang đến những sản phẩm chất lượng tốt, tránh tình trạng hàng hóa đã đến khu vực nông thôn nhưng không giữ được thị phần.
Đặc thù NTVN là địa bàn rộng lớn, mật độ thị trường tập trung thấp và phân tán trên diện rộng, hệ thống giao thông phần lớn chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, 70% thu nhập của người nông dân phụ thuộc vào mùa vụ, chịu ảnh hưởng của thời tiết và sự biến động của thị trường nông sản... Do vậy, dù được đánh giá là thị trường bán lẻ đầy hứa hẹn nhưng các DN cũng gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận.
Theo kế hoạch đến năm 2020 của Bộ Công thương, kênh bán lẻ hiện đại sẽ chiếm khoảng 40 - 45%. Ngành bán lẻ Việt Nam sẽ tồn tại cả 2 phương thức: Hiện đại và truyền thống, trong đó bán lẻ truyền thống vẫn chiếm đa số. Các công ty bán lẻ quốc tế đã có kế hoạch phát triển kinh doanh lan tỏa về thị trường NTVN. Vì vậy, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phải luôn nêu cao phương châm “khách hàng là “thượng đế” trong quá trình sản xuất, kinh doanh.