(Congannghean.vn)-Ngày 2/4/2016, Thông tư 02 của Bộ Xây dựng ban hành “Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư”chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, ngay từ khi mới ban hành, những quy định trong Thông tư đã khiến người dân và ban quản lý các khu chung cư băn khoăn, lo lắng. Vấn đề đặt ra là những điều cấm quy định trong Thông tư sẽ được xử phạt như thế nào, ai phạt và mức phạt bao nhiêu để có sức thuyết phục, răn đe?
Quá trình đô thị hoá và sự phát triển nhanh chóng của các đô thị là động lực thúc đẩy, làm thay đổi hình ảnh và không gian kiến trúc đô thị, đặc biệt là kiến trúc nhà ở. Là một bộ phận của cấu trúc đô thị, những năm gần đây, loại hình nhà ở chung cư xuất hiện ngày càng nhiều. Thế nhưng cho đến nay, người dân mới chỉ quan tâm tới cơ sở vật chất bên ngoài chứ chưa nghĩ tới việc phải ứng xử với nó ra sao.
Vì thế, việc nghiên cứu, đánh giá và tìm ra “hướng” phát triển cho văn hóa ứng xử của cư dân chung cư là vô cùng cần thiết. Thông tư 02 ra đời nhằm giải quyết một trong những vấn đề trên.
Thông tư 02 được ban hành nhưng chưa tạo ra hiệu ứng tích cực trong thực tiễn (Ảnh chỉ mang tính minh họa) |
Tại điều 2 của Thông tư 02 (Mẫu nội quy) quy định về “Các hành vi bị nghiêm cấm trong việc sử dụng nhà chung cư”, có 12 hành vi bị liệt vào diện cấm gồm: Nói tục, chửi bậy, cãi nhau, đánh nhau, gây ồn ào, mất ANTT, sử dụng truyền thanh, truyền hình hoặc các thiết bị phát ra âm thanh quá mức làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của nhà chung cư và sinh hoạt của các chủ sở hữu nhà chung cư; cấm phơi quần áo trên lan can…
Khi được hỏi, hầu hết người dân sinh sống tại các chung cư cũng như ban quản lý chung cư đều tỏ ra mơ hồ vì chưa nắm được quy định này. Họ cho rằng, các quy định về quản lý chung cư do Bộ Xây dựng đưa ra là mag tính thiết thực nhưng rất khó để thực hiện.
Trên thực tế, đối tượng sinh sống tại các chung cư có nhiều thành phần khác nhau, từ người thu nhập thấp, hộ kinh doanh đến cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang. Vì thế, giờ giấc của mỗi đối tượng cũng không giống nhau. Ví dụ, ngoài giờ làm việc hành chính, lực lượng vũ trang còn có giờ trực, do đó theo quy định khi về muộn (thường sau 23 giờ) sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo vệ và quản lý chung cư.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng băn khoăn, quy định cấm nói tục ở chung cư sẽ xử phạt ra sao, ai phạt, ai lập biên bản? Trong Thông tư không quy định như thế nào là nói tục, chửi bậy... nên rất khó thực thi.
Còn các chủ đầu tư và ban quản lý các chung cư thì cho rằng, trên thực tế, hiện đang thiếu chế tài xử phạt đối với các quy định được nêu trong Thông tư. Ai sẽ xử phạt, mức phạt ra sao và số tiền xử phạt những vi phạm ấy sẽ được sử dụng vào mục đích nào thì chưa thấy đề cập.
Cùng với đó, việc quy định âm thanh gây ảnh hưởng cũng còn chung chung. Tại phụ lục số 1, Điều 2 quy định những hành vi như “đánh bạc, hoạt động mại dâm” hay “mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy” được nhiều cư dân chung cư xem là “thừa” bởi những hành vi này vốn đã bị nghiêm cấm trong các quy định pháp luật chứ không phải chỉ dành riêng cho khu chung cư.
Quy định về văn hóa chung cư tại Điều 29 quy định hợp đồng dịch vụ quản lý nhà chung cư nói rõ, hợp đồng phải có họ tên, địa chỉ người đại diện tham gia ký hợp đồng, quy mô diện tích các bộ phận trong và ngoài nhà chung cư... Đây cũng được xem là văn bản “thừa” bởi trong các hợp đồng kinh tế đều có sẵn biểu mẫu thể hiện các nội dung này.
Thông tư còn quy định kiểu “phân biệt đối xử” đối với thành viên ban quản trị nhà chung cư. Cụ thể, tại Điều 19 yêu cầu đối với các thành viên ban quản trị nhà chung cư phải là người “không có tiền án, tiền sự”. Trên thực tế, nếu cư dân đã hoàn thành án phạt tù, trở về địa phương, được xóa án tích thì có quyền bình đẳng như những công dân khác. Vì vậy, quy định cấm họ ứng cử liệu có trái với quy định của pháp luật?
Như vậy, về những nội dung của Thông tư vừa ban hành, hiện có nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định là không cần thiết và bất khả thi.