(Congannghean.vn)-Thời gian qua, mặc dù Nghệ An đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển du lịch làng nghề, nhưng dường như đây vẫn là “bài toán” khó của tỉnh. Hiện nay, các sản phẩm làng nghề của Nghệ An trên thị trường rất đa dạng, từ thủ công mỹ nghệ đến mây tre đan và nhiều đặc sản địa phương... Tuy nhiên, các làng nghề trên địa bàn tỉnh đang phát triển một cách tự phát, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế.
Nghệ An hiện có hơn 130 làng nghề và hơn 400 làng có nghề, nhưng chỉ có một làng nghề được biết đến trong các tour của các công ty lữ hành là Làng nghề nước mắm Hải Giang (TX Cửa Lò). Được biết, hiện các doanh nghiệp lữ hành đang “khát” các tuyến, điểm du lịch truyền thống. Thế nhưng, trên thực tế, việc phát triển du lịch làng nghề ở Nghệ An hiện vẫn chỉ dừng lại ở các ý tưởng. Tại các điểm du lịch, các sản phẩm lưu niệm đặc trưng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của du khách.
Du khách quốc tế thích thú khi tham quan du lịch tại bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu |
Tại Nghệ An, bên cạnh các sản phẩm tương Nam Đàn, cam Vinh chính hãng..., thời gian qua đã xuất hiện sự trà trộn của hàng Trung Quốc, khiến du khách dễ bị nhầm lẫn, e ngại về xuất xứ của sản phẩm.
Trước nghịch lý có nhiều làng nghề nhưng lại thiếu sản phẩm phục vụ du khách, ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: “Hầu hết làng nghề của Nghệ An chưa được “dạy” cách làm du lịch, người dân chưa nhận thức được giá trị mà du lịch đem lại nên còn thờ ơ trong đáp ứng nhu cầu của; việc tiếp thị thương hiệu vùng miền cũng còn thiếu tính sáng tạo...”.
Việc phát triển du lịch làng nghề ở Nghệ An còn nhiều khó khăn vì hạn chế về cơ sở hạ tầng, giao thông, môi trường, thiếu dịch vụ hỗ trợ và phần lớn các làng nghề đang bày bán sản phẩm sẵn có chứ chưa thật sự quan tâm đến nhu cầu của du khách.
Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm: “Vào cuối năm 2015, một đoàn khảo sát du lịch Nhật Bản đã tìm đến một hộ làm tương ở Nam Đàn để tìm hiểu về phát triển du lịch làng nghề. Tuy nhiên, họ khá thất vọng bởi cách giới thiệu và quảng bá sản phẩm còn thiếu sự hấp dẫn. Môi trường và quy trình sản xuất cũng chưa đảm bảo…”.
Khi đời sống con người phát triển thì nhu cầu tìm đến các điểm du lịch làng nghề truyền thống của du khách ngày càng cao. Nếu loại hình này phát triển, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế lâu dài mà còn góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá độc đáo của từng vùng miền, địa phương.
Nói về những khó khăn trong việc phát triển du lịch làng nghề hiện nay, anh Đinh Đức Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anh Em Travel cho biết: “Tôi làm du lịch đã hơn 10 năm nay, khách hàng chủ yếu là người Lào và Thái Lan, nhưng tôi chưa kết nối được tour nào với các làng nghề tại Nghệ An. Trên thực tế, du khách nước ngoài rất muốn tìm về các làng nghề để tìm hiểu bản sắc của người bản địa. Tuy nhiên, nếu triển khai việc làm này ở Nghệ An thì rất khó. Bởi lẽ, các làng nghề đang phát triển theo quy mô hộ gia đình, chưa có sự đầu tư. Bên cạnh đó, sản phẩm làng nghề còn chưa phong phú, cơ sở hạ tầng tại các làng nghề còn chưa đồng bộ…”.
Đến nay, Nghệ An chưa có phương án, kế hoạch cụ thể trong việc phát triển du lịch làng nghề ngoài việc khuyến khích các làng nghề cải tiến mẫu mã, đóng gói sản phẩm... Có những ý tưởng vẫn chưa được hiện thực hóa như dự án về tổ hợp làng nghề truyền thống chuyên phục vụ du khách.
Theo đó, tổ hợp này cần kết hợp giữa bán hàng lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ với các dịch vụ khác như ăn nghỉ, vui chơi giải trí hay giới thiệu ẩm thực, các món ăn ngon, các sản vật quý ở địa phương. Trong đó, cần tập trung vào sản phẩm tinh hoa của các làng nghề truyền thống và tái hiện quy trình sản xuất có sự tham gia của các nghệ nhân, tạo điều kiện cho du khách tham gia, trải nghiệm. Tuy nhiên, trở ngại của việc thực hiện tổ hợp này là đòi hỏi quỹ đất và nguồn lực tài chính tương đối lớn.
Trong quá trình phát triển du lịch làng nghề truyền thống, cần gìn giữ và bảo tồn tối đa không gian nông thôn trong các làng nghề và các giá trị văn hóa phi vật thể; đồng thời, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách tham quan trải nghiệm tại làng nghề... Có như vậy mới phát huy hết các giá trị của làng nghề truyền thống một cách bền vững.
Sở VH-TT&DL Nghệ An cho biết: Nghệ An và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Jica) đã ký kết hợp tác triển khai Dự án “Đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản ở các làng nông, ngư nghiệp” với kinh phí gần 300.000 USD, trong thời hạn 3 năm. Theo đó, Nhật Bản sẽ giúp Nghệ An đa dạng hóa các phương thức sinh kế thông qua việc nâng cao năng lực cộng đồng về du lịch di sản tại các làng nông, ngư nghiệp và cộng đồng dân tộc thiểu số; xây dựng các chương trình du lịch sử dụng nguồn tài nguyên và thắng cảnh địa phương được phát triển tại các bản làng xung quanh sông Lam ở tỉnh Nghệ An. Mô hình du lịch làng nghề cũng đang thu hút sự quan tâm của Dự án Jica. Các làng nghề, ngành nghề gắn với nông, lâm, ngư nghiệp nằm trong xã Yên Khê, huyện Con Cuông; các xã Kim Liên, Nam Trung, Vân Diên, huyện Nam Đàn là những đơn vị đầu tiên được thụ hưởng và thí điểm trong Dự án trên.
|
.