(Congannghean.vn)-“Gắn bó với cây cao su hàng chục năm nhưng chưa bao giờ người dân chúng tôi phải chịu giá cao su “thảm” như năm nay” - đó là ý kiến của nhiều hộ trồng cao su ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An).
Giá cao su “tụt dốc không phanh”
Minh Hợp là xã trọng điểm với mô hình trồng các cây công nghiệp như chè, cam, cao su lớn của tỉnh. Cao su là loại cây phổ biến với diện tích hơn 500 ha, trong đó diện tích đang trong giai đoạn khai thác là 300 ha. Các xóm: Minh Hòa, Minh Hợp, Minh Thành, Minh Thọ, Minh Tính, Minh Đình, Minh Hòa… chọn cao su là cây phát triển kinh tế chủ lực.
Tuy nhiên, nếu như các năm trước, giá cao su được ví “đắt như tôm tươi” thì năm lại trượt giá tới mức kỷ lục, khiến hàng trăm hộ dân “đứng ngồi không yên”. Theo đó, cao su được bán với giá thành cao hay thấp tùy vào hàm lượng mủ. Với loại cao su mủ khô được bán với giá 24.000 đồng/kg, mủ tươi chỉ 4.000 - 5.500 đồng/kg và đang tiếp tục rớt giá.
Theo nhiều người dân trồng cây cao su cho biết, kể từ đầu năm đến nay, cao su ít nhất đã 3 lần rớt giá. Vào thời điểm tháng 5 - 6, giá mủ khô là 30.000 đồng/kg, tháng 7 - 8 xuống còn 26.000 đồng/kg và đến thời điểm này là 24.000 đồng/kg. Trong khi giá cao su các năm trước ở mức 37.000 - 45.000 đồng/kg, có lúc đỉnh điểm lên đến 60.000 đồng/kg (năm 2010).
Anh Trương Văn Sơn, xóm Minh Quang cho biết: “Nhà tôi có gần 3 ha cao su cho thu hoạch mủ được ba năm nay. Các năm trước, cao su bán được giá và thu lãi cao, mỗi năm lên cả trăm triệu đồng. Nhưng năm nay cao su rớt giá nhiều như thế, số tiền bán được không đủ bù lại khoản mua vật tư chăm bón, thuê nhân công cạo mủ chứ chưa nói đến chuyện lời lãi, công sức bỏ ra”.
Hàng trăm hộ dân đang phải “lao đao” vì giá cao su năm nay “rẻ như bèo” |
Đồng cảnh ngộ, gia đình chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, xóm Minh Hòa có 2 ha cao su nhưng đây là năm đầu tiên chị thu hoạch mủ sau hơn 7 năm dày công chăm sóc. Cứ ngỡ cao su năm nay sẽ bán được giá nhưng hiện tại chị cũng phải méo mặt vì giá “rẻ như bèo” ngay sau đợt cạo mủ đầu tiên. “Thấy cao su đem lại thu nhập cao, gia đình tôi đã vay mượn 139 triệu đồng mua đất, mua giống để trồng như nhiều nhà khác. Đây là năm đầu vườn cao su cho mủ, nhưng ngay tháng đầu tiên đi cạo mủ, tôi chỉ bán được hơn 1 triệu đồng, trong khi số tiền dốc vào đầu tư vườn bảy năm nay lên đến cả trăm triệu đồng”, chị Hạnh kể với giọng buồn rầu.
Được biết, diện tích đất để trồng cây cao su cũng như các cây công nghiệp khác được mua từ 2 Công ty: TNHH MTV Nông - Công nghiệp 3/2 và Nông nghiệp Xuân Thành với thời hạn hợp đồng sử dụng trong vòng 20 năm. Đồng thời, 2 đơn vị này chịu trách nhiệm bao tiêu 100% sản phẩm cho bà con nông dân. Theo điều khoản của hợp đồng bà con ký kết với 2 công ty thì các cây công nghiệp phải được trồng theo định hướng phát triển kinh tế vùng của công ty. Trong thời gian hợp đồng, người dân phải bán sản phẩm cho công ty và không được tự ý chặt phá cây công nghiệp trái quy định để trồng loại cây khác. Thế nhưng, trước thực trạng giá cao su đang “tụt dốc không phanh”, đã có một số hộ dân chấp nhận nộp phạt, chặt phá cây cao su để chuyển sang trồng cam.
Chưa có phương án “chống ế” cho cao su
Trao đổi với chúng tôi về thực trạng cao su rớt giá mạnh, ông Cao Xuân Hậu, Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty TNHH MTV Nông - Công nghiệp 3/2, đơn vị bao tiêu cao su trên địa bàn cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến thực trạng cao su giảm giá mạnh như năm nay là do thị trường cao su cả nước đang tồn kho nhiều, cộng thêm tình hình Trung Quốc - Việt Nam thời gian qua có nhiều biến động nên đã tác động đến giá cả. Nửa năm 2014, phía Trung Quốc chặn các đường tiểu ngạch xuất khẩu cao su sang đó, mặc dù không chặn hẳn nhưng các sản phẩm lọt vào thị trường cũng không ai mua hoặc mua với giá rất thấp”. Cũng theo ông Hậu, để góp phần hạn chế khó khăn cho người lao động, phía Công ty đã có thông báo giãn thời gian vay nợ để bà con yên tâm sản xuất.
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi Công ty có giải pháp hữu hiệu nào hơn để “cứu vãn” giá cao su thì đơn vị này lắc đầu. Nghĩa là, hàng trăm hộ dân đành phải bán cao su với giá như “cho không” mà không thể có giải pháp hỗ trợ giá nào. Trong khi đó, rất nhiều hộ trồng cao su trên địa bàn xã Minh Hợp đã quyết định không cạo mủ thay vì bán cao su với giá quá rẻ. Với những người dân này, “nếu cạo thì mất công, lại phải mất số tiền 150.000 đồng/ngày để thuê lao động mà bán với giá có dăm nghìn đồng một cân mủ tươi, thà để nguyên cả vườn không cạo còn hơn”.
Thực trạng cao su rớt giá mạnh không chỉ diễn ra ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp mà hàng nghìn ha cao su khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An như các huyện: Thanh Chương, Quế Phong, Anh Sơn… cũng đang phải chịu cảnh tương tự. Trước những biến động của thị trường cao su, hàng nghìn lao động đang có ý định “quay lưng” với cây cao su để chuyển sang loại cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao hơn.
.