Theo Bộ Công Thương, nhờ kim ngạch xuất khẩu trong tháng Tám tăng trưởng 0,7% so với tháng trước đã giúp xuất siêu cả nước trong 8 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 1,7 tỷ USD.
Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh 8 tháng của Bộ Công Thương cho biết, trong tổng số 96,98 tỷ USD xuất khẩu kể từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp 100% vốn trong nước đóng góp 31,75 tỷ USD còn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đóng góp 65,23 tỷ USD.
Đi vào chi tiết, báo cáo phân tích, sự phục hồi trong tháng tháng Tám đã có những dấu hiệu rõ nét, các mặt hàng chủ lực đều giữ được tốc độ tăng trưởng cao.
Đơn cử, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện qua 8 tháng đã xuất khẩu được 15,2 tỷ USD, tăng 13,7% so với tháng trước. Ngoài ra, mặt hàng dệt, may cũng đạt 13,6 tỷ USD, tăng 19,7%; giày dép đạt 6,7 tỷ USD, tăng 23,1%; dầu thô 5,6 tỷ USD, tăng 14,3%; thủy sản đạt 5 tỷ USD, tăng 23,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 4,8 tỷ USD, tăng 23,1%...
Đẩy mạnh xuất khẩu để giảm nhập siêu |
Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nông lâm sản vẫn gặp khó khăn do áp lực cạnh tranh gay gắt. Đơn cử, chè các loại giảm 0,3%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 2,7%; cao su giảm 31,7%.
Thêm vào đó, xuất khẩu gạo cũng bị suy giảm, qua 8 tháng Việt Nam xuất gần 4,44 triệu tấn gạo, trị giá 2,01 tỷ USD nhưng giảm 9% về khối lượng và giảm 5,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
"Do ảnh hưởng biến động về giá xuất khẩu đã làm kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông sản giảm 236,1 triệu USD," báo cáo của Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương nêu rõ.
Ở chiều ngược lại, Bộ Công Thương cho biết, tháng Tám, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12,9 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 95,29 tỷ USD, tăng 12,0% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu gần 53,37 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái và các doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước nhập 41,92 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2013.
Như vậy, sau 8 tháng, cả nước xuất siêu khoảng 1,7 tỷ USD, bằng 1,8% kim ngạch xuất khẩu, trong khi khối các doanh nghiệp trong nước nhập siêu 10,16 tỷ USD thì khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xuất siêu gần 11,86 tỷ USD.
Theo kế hoạch từ đầu năm, ngành công thương sẽ phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu là 146 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2013 và thặng dư thương mại đạt 500 triệu USD.
Đây vẫn còn là một thách thức lớn trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng nông lâm sản chưa được cải thiện. Thêm vào đó, sự gia tăng về nhập khẩu của một số nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức lớn, đơn cử: nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu qua 8 tháng ước đạt 3,93 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ và nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu ước đạt gần 3,77 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ (trong đó, một số mặt hàng như rau quả, linh kiện phụ tùng ô tô, điện thoại di động có mức tăng hơn 30% so với cùng kỳ).
Do vậy, về giải pháp, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, việc tận dụng các lợi thế thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường đang là giải pháp ưu tiên được đưa ra trong việc đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn các mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu, các mặt hàng máy móc phụ tùng cũ, đã qua sử dụng theo chỉ thị số 11/CT-TTg.
Trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục đề ra các giải pháp nhằm tái cơ cấu sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông lâm thủy sản.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, Bộ này đang xây dựng Nghị định về công nghiệp hỗ trợ, qua đó sẽ giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đầu tư, mở rộng sản xuất các linh kiện, phụ tùng, máy móc thiết bị nhằm từng bước thay thế hàng nhập khẩu, giảm nhập siêu.
.