Đặc điểm dễ nhận biết nhất là vỏ khoai tây Đà Lạt mỏng hơn nên thường bị trầy xước nhiều ngay khi thu hoạch và trong quá trình đóng hàng, vận chuyển. Khoai tây Trung Quốc có kích cỡ củ rất đều, củ thường dài hơn khoai tây Đà Lạt, vỏ khoai trơn bóng, ít trầy xước. Ngoài ra, giống khoai của Trung Quốc có mắt ở củ to hơn khoai Đà Lạt. Ruột khoai Trung Quốc cũng trắng hơn khoai nội địa.
Khoai tây Trung Quốc. Khoai tây Đà Lạt. Ảnh: TL
|
Khoai tây Trung Quốc trên thị trường cũng được bao một lớp đất đỏ như hàng Đà Lạt. Theo những người chuyên buôn khoai tây, để “nhuộm” khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt phải rất tỉ mỉ và tốn thời gian. Đầu tiên phải rửa sạch củ khoai tây. Khoai đang ướt thì lăn qua một lớp đất đỏ hồng của Đà Lạt (còn gọi là đất hồng phấn) đã được tán mịn, sau đó đem phơi nắng cho đất vừa khô thì dùng tay xoa nhẹ bề ngoài củ khoai. Lúc đó màu khoai rất đẹp, người tiêu dùng rất khó phát hiện, kể cả người Đà Lạt cũng không phân biệt được.
Nhiều khi khoai tây Đà Lạt nhưng canh tác ở những vườn đất đen, màu khoai không đẹp nên giá rẻ. Nhà buôn mua về hàng tấn, bỏ vào kho phủ kín bạt để củ không bị xanh, chờ đến thời điểm hút hàng, giá tăng và cũng đem ra “nhuộm” theo kiểu ngụy trang cho khoai Trung Quốc.
So với các loại rau xanh thì khoai tây ít để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, do đặc điểm là rau dạng củ nằm sâu dưới đất. Hiện chưa phát hiện những hóa chất độc hại đáng báo động gây nguy hại cho sức khỏe con người, tuy nhiên theo những người bán hàng lâu năm thì khoai tây Trung Quốc chắc chắn phải sử dụng đến những hóa chất bảo quản sau thu hoạch. Điều đó khoai Đà Lạt từ trước tới nay chưa từng có.