Sự cố vỡ đập Tây Nguyên tại Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) nhấn chìm hàng chục ha lúa, hoa màu của dân vào ngày 11/9, là sự cảnh báo về an toàn hồ đập trong mùa mưa bão, đặc biệt là chất lượng của hệ thống hồ đập trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Về nguyên nhân vỡ đập Tây Nguyên được xác định là do tổ mối nằm trong thân đập cũ. Lõi của đập cũ được đắp thủ công, đất dùng đắp đập không đồng nhất, có lẫn cả cỏ, rác và các hạt sỏi, đá nhỏ. Khi nâng cấp đập, lõi đập cũ được tận dụng nên các lực lượng không phát hiện được tổ mối. Do vậy mà lúc áp lực nước trong đập lớn đã gây ra vỡ đập. Tuy nhiên, để vỡ đập như vậy là do chính quyền địa phương yếu kém trong khâu quản lý và khâu kiểm tra tu bổ thường xuyên.
Ngoài đập nói trên tại huyện Quỳnh Lưu có nhiều hồ đập đều đã xuống cấp nghiêm trọng. Điển hình như đập Ao Dâu dung tích trên 1 triệu m3 nước nhưng mới chỉ được nâng cấp hạng mục làm cầu qua tràn xả lũ, trong khi thân đập đất hiện nay rất yếu, nguy cơ vỡ đập có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết: Quỳnh Lưu hiện có trên 100 hồ đập lớn nhỏ do địa phương quản lý. Trong số đó, chỉ có trên 30% được tu sửa nâng cấp, còn lại nhiều hồ đập xuống cấp trầm trọng chưa phát huy được hiệu quả.
Mưa làm sạt lở đê điều trên địa bàn Nghệ An
Đối với huyện Yên Thành, sự cố vỡ đê Vũ Giang đêm 6/9 đã làm cô lập nhiều xóm ở 2 xã Khánh Thành và Long Thành. Việc ngập lũ nặng này là do tuyến đê Vũ Giang và đê Biên Hoà bị vỡ.
Ông Nguyễn Đình Hải - Chủ tịch xã UBND xã Khánh Thành cho biết: "Dự án kè đê Vũ Giang là dự án của Bộ NN&PTNT, huyện Yên Thành làm chủ đầu tư. Dự án triển khai đã 2 năm nay nhưng hiện vẫn chưa xong. Điều đáng nói là họ thi công bờ kè, cốt đê thấp hơn cốt đê cũ 70cm nên nước lũ tràn gây vỡ 2 đoạn".
Trao đổi về việc sự cố vỡ đê, ông Cao Xuân Toản - Chuyên viên phụ trách thuỷ lợi Phòng NN&PTNT huyện Yên Thành cho biết: "Bờ cốt đê Vũ Giang không phải thấp hơn bờ đê cũ như lãnh đạo xã Viên Thành nói mà là do thi công chưa xong. Việc thi công chậm là do thiếu kinh phí".
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành thì địa phương này có trên 200 hồ đập lớn nhỏ. Hiện mới chỉ có trên 20% được tu sửa nâng cấp. Hầu hết các hồ đập trên đều giao cho các HTX và các xóm trực tiếp quản lý. Đối tượng được giao nhận quản lý hồ chứa chưa được đào tạo về cách vận hành hồ chứa. Trong khi hàng năm huyện vẫn chưa mở các lớp tổ chức đào tạo các đối tượng này để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ quản lý hồ đập.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, Yên Thành có trên 12 hồ đập bị xói lở, sạt lở, vỡ thân đập. Không riêng gì hai huyện trên mà hầu hết các hệ thống, đê điều, hồ đập trên địa bàn Nghệ An do địa phương quản lý như: Đô Lương, Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ… đều đã xuống cấp nghiêm trọng.
Như vậy, các bất cập của hệ thống hồ đập trên địa bàn tỉnh tập trung ở các hồ đập do địa phương quản lý (576 hồ đập); mà nguyên nhân khách quan chủ yếu do hầu hết được xây dựng từ những năm 60, đắp bằng thủ công, qua thời gian sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng, luôn tiềm ẩn nguy cơ trong mùa mưa bão.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống bão lụt Nghệ An cho biết: Hiện nay hệ thống đê cấp 3 từ Đô Lương - Đê tả Lam đã được Bộ NN & PTNT phê duyệt. Các phương án cụ thể để bảo đảm an toàn cho tuyến đê đã được lập xong chuyển về các huyện để chủ động thực hiện, ứng phó. Hệ thống đê cấp 3 ở Nghệ An nói chung khá kiên cố.
Còn hệ thống đê, đập cấp 4 do địa phương quản lý hiện nay do xây dựng lâu năm nên hầu hết đã xuống cấp trầm trọng, chỉ chống chọi được báo động 2. Vừa qua, Chính phủ có phê duyệt kế hoạch đầu tư cho Nghệ An 1.400 tỷ đồng để tu bổ xây dựng hệ thống đê điều đến 2020, nhưng cũng chỉ trên giấy. Hiện kinh phí chưa rót về. Chúng tôi cũng rất muốn sửa sang tu bổ, kiên cố hoá đê điều hồ đập nhưng kinh phí không có.
Trường Khuyên
.