Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201210/23636-giai-phap-nao-cho-xu-ly-chat-thai-y-te-394650/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201210/23636-giai-phap-nao-cho-xu-ly-chat-thai-y-te-394650/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Giải pháp nào cho xử lý chất thải y tế? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 23/10/2012, 08:09 [GMT+7]
23636

Giải pháp nào cho xử lý chất thải y tế?

Theo báo cáo thống kê hiện nay, tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh từ các bệnh viện trong cả nước khoảng 350 tấn/ngày. Riêng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trung bình mỗi ngày có trên 3.000kg chất thải rắn y tế nguy hại được thải ra từ các cơ sở y tế. Tỷ lệ gia tăng chất thải y tế phụ thuộc vào tăng giường bệnh, phát triển các dịch vụ kỹ thuật và sự tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân. Tuy nhiên, cho đến nay tỉnh ta vẫn chưa có biện pháp để xử lý triệt để lượng chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh.
 
Bệnh viện Nội tiết Nghệ An hiện có 9 khoa, phòng với 130 giường bệnh. Bình quân, mỗi tháng BV thải ra trên dưới 100 kg chất thải rắn y tế nguy hại. Trước đây rác thải được BV đưa đến xử lý tại lò đốt rác thải của Bệnh viện đa khoa tỉnh, rồi đến lò đốt ở Bệnh viện huyện Hưng Nguyên.
 
Tuy nhiên, cũng chỉ được một thời gian ngắn, vì sau đợt lũ lụt vừa qua lò đốt của BV huyện Hưng Nguyên đã dừng hoạt động. Hiện nay, BV phải ký hợp đồng với Công ty Môi trường xanh Hải Dương 2 tuần về thu gom 1 lần. Bác sỹ Nguyễn Văn Hoàn, Giám đốc BV Nội tiết nói: “Về lâu dài chúng tôi đang đề nghị ngành y tế xây dựng một lò xử lý chất thải rắn y tế mà tốt nhất là hệ thống không khói tại một BV hoặc một trung tâm, để cho một số BV vệ tinh như chúng tôi được đưa rác thải về đây xử lý...”.
 
Tương tự như BV Nội tiết, lượng rác thải y tế nguy hại BV Lao và bệnh Phổi thải ra hàng ngày từ 8 - 12kg, nhưng cũng chỉ được xử lý bằng công nghệ đốt. Năm 2007, BV được đầu tư xây dựng một lò đốt xử lý rác thải có công suất 25kg/ngày. Với công suất và lượng rác thải trên thì lò đốt có thể hoạt động bình thường.
 
Việc xử lý rác thải từ các cơ sở y tế đang trở nên cấp bách - Ảnh minh họa
Tuy nhiên, khi lò đốt Hoval của BV đa khoa tỉnh ngừng hoạt động thì lượng rác thải của một số BV như Nhi, BV Tâm thần... tất cả đều tập trung dồn về đây, lò đốt phải hoạt động quá tải với lượng rác thải xử lý lên đến 50 - 70 kg/ngày. Sau khi Cục Môi trường về kiểm tra và xử phạt, đơn vị đã dừng không nhận xử lý giúp các BV trên.
 
Tuy nhiên, điều đáng nói là do xử lý bằng công nghệ lò đốt, không có hệ thống xử lý khí thải, tạo ra quá nhiều khói bụi, nên đã bị người dân trên địa bàn xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc phản ứng mạnh. Về vấn đề này, bác sỹ Đậu Minh Quang, Giám đốc BV Lao và Bệnh Phổi cho biết: “Mặc dù các tiêu chuẩn chính của lò đốt vẫn đạt nhưng lượng khói quá nhiều cho nên bà con vẫn phản ứng, về giải pháp lâu dài muốn được đầu tư một công nghệ lò đốt có thể bằng vi sóng hoặc tia lade để đảm bảo có thể hủy được rác thải, đồng thời ô nhiễm môi trường xung quanh như khói, mùi sẽ không còn”.
 
Tỉnh ta hiện có 40 bệnh viện, với 6.651 giường bệnh. Trong đó có 8 bệnh viện ngoài công lập với 756 giường bệnh. Bên cạnh đó, còn có các bệnh viện Trung ương, ngành đóng trên địa bàn như Bệnh viện Phong Quỳnh Lập, Bệnh viện Giao thông, Bệnh viện Quân y 4 với 600 giường bệnh. Ngoài ra, còn có 20 Trung tâm YTDP huyện và 480 Trạm y tế xã, phường với 2.400 giường bệnh và gần 360 cơ sở hành nghề tư nhân khác… Lượng chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh bình quân 1,3 kg/giường/ngày, trong đó 25% là chất thải rắn y tế nguy hại.
 
Như vậy, trung bình mỗi ngày trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An có từ 2.500 kg - 3.000 kg chất thải rắn y tế nguy hại được thải ra từ các cơ sở y tế. Riêng trên địa bàn thành phố Vinh là nơi thải ra lượng rác thải nhiều nhất, năm 2012 các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Vinh và vùng phụ cận gồm 13 huyện, thành, thị tổng lượng chất thải rắn y tế nguy hại thải ra hàng ngày gần 2.800 kg.
 
Lâu nay, việc xử lý chất thải rắn y tế độc hại được các BV trên địa bàn TP Vinh tập trung tại lò đốt rác thải Hoval ở Bệnh viện đa khoa tỉnh với công suất 400 - 500 kg rác/24h, nhưng hiện đang quá tải và xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.
 
Do đó, các cơ sở y tế phải phân tán đưa về lò đốt ở các bệnh viện huyện như Bệnh viện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, BV Lao…, tuy nhiên đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Vì vậy, hiện nay, việc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại hầu hết được các đơn vị khám chữa bệnh thu gom, phân loại và xử lý bằng công nghệ đốt hoặc chôn lấp. Việc xử lý bằng phương pháp thủ công, chôn lấp không đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.
 
Trong khi đó, xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt, lò không có hệ thống xử lý khí thải lại có nhiều nhược điểm: tạo ra khói bụi và các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Trước thực trạng đó, ngành y tế đang tập trung xây dựng “Đề án tổng thể hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2011 - 2020, có tính đến 2025”.
 
Bác sỹ Bùi Đình Long, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An trao đổi: “Đề án này sẽ sử dụng 2 hình thức, một là tại chỗ, tại một số cụm. Tại TP Vinh và các huyện lân cận, rác thải nguy hại tập trung sau khi được thu gom tại các BV sẽ có hệ thống xe chuyên dụng vận chuyển đến xử lý tập trung tại một điểm thì nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh sẽ gần như giảm thải được. Còn những đơn vị khác ở xa trung tâm, mỗi huyện sẽ xây dựng một lò đốt rác thải, sẽ xử lý rác thải tại BV đó, tại TTYT và tại Trạm y tế xã, để đảm bảo tất cả các cơ sở y tế đều triển khai thực hiện được. Dự kiến đề án này sẽ thông qua UBND tỉnh trong phiên họp cuối tháng 10”.
 
Với mục tiêu đến năm 2015, toàn tỉnh đạt 25 giường bệnh/vạn dân, đến năm 2020 đạt 30 giường bệnh/vạn dân, chưa kể tới giường bệnh Trạm y tế xã, thì đến năm 2020, sẽ có gần 5 ngàn kg và ước tính đến năm 2025 có gần 6 ngàn kg chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh mỗi ngày.
 
Trong khi đó, các cơ sở y tế phần lớn đều nằm trong khu vực dân cư, nội thành, nội thị, nếu không có biện pháp để xử lý triệt để lượng chất thải rắn y tế phát sinh thì đây sẽ là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cán bộ y tế, bệnh nhân và cả cộng đồng dân cư.

Hiến Chương
.