Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201210/23581-nguoi-mong-da-biet-trong-cay-mia-394692/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201210/23581-nguoi-mong-da-biet-trong-cay-mia-394692/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người Mông đã biết trồng cây mía - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 20/10/2012, 08:00 [GMT+7]
23581

Người Mông đã biết trồng cây mía

Minh Châu là khu kinh tế mới của xã Tri Lễ huyện Quế Phong, có 120 hộ với gần 1.000 nhân khẩu. Khu kinh tế Minh Châu trước đây là vùng đất hoang. Nhằm giúp đồng bào Mông ổn định cuộc sống, không di cư tự do sang nước bản Lào, phá rừng làm rẫy, huyện đã có chính sách xây dựng khu kinh tế mới với việc di chuyển dân cư từ các bản Huồi Mới I, Huồi Mới II, Huồi Xái, Nậm Tột… xuống đây khai hoang phục hóa, trồng cây lúa nước. Tuy nhiên, công việc này không hề dễ dàng, nhiều hộ xuống được một thời gian không quen lại quay về quê cũ.
 
Ông Lô Xuân Thu, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: “Sau khi đưa người dân xuống Minh Châu sinh sống, chúng tôi đã thực hiện các mô hình kinh tế phù hợp với đồng bào Mông nhưng không có kết quả, trong khi đó người dân vẫn còn tư tưởng lạc hậu như phát nương làm rẫy lén lút trồng cây thuốc phiện”. Sau nhiều lần vận động, đến nay 120 hộ gia đình ở khu kinh tế mới Minh Châu đã ổn định cuộc sống.
 
Nương mía được che rào cẩn thận
 
Bà con đồng bào Mông đã khai hoang được ruộng lúa nước. Do người Mông trước đây chỉ quen làm rẫy, trồng cây thuốc phiện, khi trồng cây lúa nước chưa có kinh nghiệm, thiếu nước nên năng suất thu hoạch còn thấp. Đời sống của bà con nơi đây vẫn gặp khó khăn, muốn người dân thoát nghèo, ban lãnh đạo xã đã tìm các mô hình kinh tế nhưng không có hiệu quả.
 
Sau khi khảo sát địa hình ở Minh Châu, thấy địa hình bằng phẳng có thể trồng được cây mía, xã Tri Lễ đã kết hợp với nhà máy đường để giúp dân phát triển mô hình kinh tế mới là trồng cây mía. Với việc nhà máy cho vay 18 triệu đồng/ha, trong đó nhà máy cho không người dân 5 triệu đồng/ha.
 
Ông Đàm Thiên Thương, Phó Bí thư Đảng ủy, trưởng ban trồng mía cho biết: “Khi chúng tôi cho người dân ở Minh Châu triển khai dự án, người dân không chịu làm, do còn có tính ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Để thay đổi được nếp nghĩ ăn sâu vào máu của đồng bào Mông là rất khó khăn, chúng tôi đã tổ chức biết bao nhiêu cuộc họp dân, bao nhiều lần vào bản vận động bà con mới chịu triển khai”.
 
Người Mông đã biết phun thuốc trừ sâu cho cây mía
 
Xã Tri Lễ đã huy động các em học sinh khối 8, 9 của Trường THCS Tri Lễ, giúp dân phát quang. Vì đồng bào Mông chưa bao giờ trồng mía, xã Tri Lễ đã huy động toàn thể cơ quan, Đồn biên phòng 519, Đoàn kinh tế quốc phòng 4, giúp dân trồng mía, sau bốn ngày đã trồng được 52 tấn mía giống, với diện tích 4,3 ha.
 
Đây là lần đầu tiên người Mông trồng cây mía, nên cán bộ thường xuyên xuống bản chỉ đạo cách làm rào chắn, phun thuốc diệt cỏ, hướng dẫn bà con chăm sóc cây mía. “Lúc đầu ta cũng thấy lo sợ, nếu cây mía không phát triển được thì lấy tiền đâu trả cho nhà máy, nên không dám làm, sau được cán bộ hướng dẫn ta làm và cây mía mọc rễ rồi ta thấy mừng lắm”, anh Xồng Giống Tùa chia sẻ.
 
Do đây là mô hình thí điểm nên diện tích trồng mía vẫn còn hạn chế, xã chỉ chọn 10 hộ dân ở khu B1 Minh Châu trồng mía, nếu mô hình thành công sẽ nhân rộng trên địa bàn xã. Khi trồng xong đến nay cây mía đã bén rễ, một tín hiệu đáng mừng cho đồng bào Mông khi lần đầu tiên trong đời trồng mía.
 
Cây mía phát triển tốt cho thu hoạch người dân sẽ trả hết nợ cho nhà máy, có tiền làm nhà mới. Một hướng thoát nghèo đang hiện ra trước mắt người Mông, vùng đất “cổng trời” xã Tri Lễ một thời từng được ví von là thủ phủ cây thuốc phiện, thì nay, cây mía sẽ là bước đột phá trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã miền núi này.

Lương Đậu
.