Trong một thời ngắn, đã có 2 clip nhuốm màu bạo lực lan truyền trên mạng, điều đáng nói là dưới góc độ nào đó, clip thứ nhất là nguyên nhân dẫn đến clip thứ hai.
Câu chuyện bắt đầu khi trên mạng lan truyền những hình ảnh được cho là một người cha ngồi võng vừa tra hỏi vừa tát liên tiếp lên mặt con mình – một đứa trẻ.
Khi những hình ảnh này lan truyền chóng mặt cũng là lúc những lời lăng mạ, mạt sát dành cho người cha tăng với cấp số nhân. Nhiều người bắt đầu nguyền rủa và giống như nhiều clip gây chú ý bức xúc trước đó, nhiều nhân vật tỏ ý muốn “ăn thua đủ” với người trong clip.
Thậm chí, một tài khoản của một ca sĩ khá với rất nhiều người đăng ký theo dõi đã đưa ra lời “hiệu triệu” kêu gọi cần phải sử dụng bạo lực để xử lý người trong clip. Hơn thế, người này còn treo giải thưởng lên đến 20 triệu đồng cho người nào đến tát người cha trong clip như anh ta đã tát con mình kèm với lời nhắn “nhớ quay clip”.
Chưa có kết luận chính thức có phải vì lời hiệu triệu vì giải thưởng 20 triệu hay không nhưng đúng là ngay sau đó, đã có một toán người hùng hổ đến tìm người cha trong clip và dạy cho anh này một bài học bằng chân tay. Thậm chí người này đã bị tát đến chảy máu miệng. Sự việc cũng được nhiều người quay lại, thậm chí livestream cẩn thận trên mạng xã hội.
Nhưng tất cả chỉ “ngớ người” sau khi có thông tin đưa ra, clip người cha đánh con đã được quay trước đó 2 năm.
Câu chuyện này, tưởng chừng “vô thưởng vô phạt” và cũng rất nhanh chóng bị chìm đi trong "biển" thông tin mỗi ngày, để lại nhiều câu hỏi đáng suy ngẫm.
Trong thời gian gần đây, điện thoại thông minh tích hợp chức năng ghi hình đã trở thành một công cụ làm phong phú thêm đời sống cho dân cư mạng. Trong nhiều trường hợp, những clip ghi lại các hành vi vi phạm pháp luật, những vụ bạo hành gia đình, bạo lực trường học, những cư xử thiếu văn minh, cả những sai phạm của người thi hành công vụ… được đăng tải và góp phần vào việc đấu tranh, lên án cái xấu.
Tuy nhiên, cách chúng ta tiếp nhận và phản ứng với những hình ảnh này đòi hỏi sự bình tĩnh và thận trọng, bởi nhiều khi, những hình ảnh đó phản ánh không đầy đủ thực tế diễn ra, chưa nói đến không ít khi chúng được dàn dựng theo những mục đích, chủ ý khác nhau.
Vì vậy, những người vội vã đặt trọn vẹn niềm tin vào những thông tin trên mạng xã hội và vội vã quyết định cho hành động của mình chắc chắn cũng khó tránh khỏi sự nông cạn và nhiều khi là “việt vị”. Ngay sau khi “xuống tay” “xử lý” người cha trong clip, khi nhận ra sự quá đà của mình và hành động cha bạo hành con đã diễn ra trước đó 2 năm, những người tham gia đã phải lên tiếng xin lỗi và nhận sai. Ngay cả vị ca sĩ nổi tiếng nói trên cũng đã phải đăng đàn và nói lời xin lỗi về những phát ngôn quá khích cổ động bạo lực của mình trên trang cá nhân.
Rõ ràng, phản ứng của công chúng là cần thiết nhưng cũng phải trong khuôn khổ các quy định của pháp luật. Những clip chỉ nên là những chứng cứ cơ sở ban đầu mang tính thông báo về sự việc để cơ quan chức năng nắm bắt, vào cuộc và xử lý theo các trình tự, quy định pháp lý.
Mỗi con người có quyền đưa ra quan điểm đúng sai, có quyền lên án cái xấu, thậm chí là ngăn chặn nó, nhưng không ai có quyền được làm thay toà án, thay lực lượng thực thi pháp luật, tự mình đưa ra “bản án” và thi hành những hình phạt, nhất là những hình phạt cũng đầy tính bạo lực.
Cuối cùng thì sự kích động, kêu gọi bạo lực sẽ rất khó để chấm dứt bạo lực, khi vòng xoáy thù hận được hình thành mà thiếu đi công lý.
.